Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Người nặng nợ với gạo sạch
Thứ tư: 06:05 ngày 31/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tốt nghiệp hai trường đại học, làm việc ở nhiều nơi, cho đến tuổi “ngũ thập” ông cho rằng, ông mới “tri thiên mệnh” khi đã dành hết tâm sức của mình cho việc làm ra hạt gạo sạch khoảng gần một năm nay. Người nặng nợ với gạo sạch ấy là ông Đỗ Châu Sa- Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và sản xuất lúa chất lượng cao Việt Hàn (gọi tắt là HTX Việt Hàn).

Cấy lúa bằng máy. Ảnh: Ngọc Diêu

ÔNG CHỦ NHIỆM “MỘT NẮNG, HAI SƯƠNG”

Tìm gặp được ông chủ nhiệm HTX Việt Hàn thật không phải dễ. Từ sáng tinh mơ ông đã ra ruộng để ngắm nghía xem những cây lúa vừa cấy hôm qua có bị bật gốc hay ngả nghiêng gì không.

Nắng lên một chút, ông lại trở về trụ sở HTX Việt Hàn (toạ lạc trong khuôn viên trụ sở UBND xã An Thạnh, huyện Bến Cầu) để giải quyết một số hồ sơ, sổ sách. Xong chuyện giấy tờ, ông liền trở về nhà thay bộ “đồ trận”, trở ra ruộng trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo những nhân công đang cấy lúa bằng máy trên một cánh đồng khác. Cho đến khi những người lao động đều về nhà hết, trời đã tắt nắng ông mới rời khỏi cánh đồng.

Theo chân ông ra ruộng, mới thấy hết vẻ đẹp của cánh đồng mẫu lớn mà HTX Việt Hàn đang canh tác. Trong ánh nắng ban mai, một màu xanh lúa mới trải dài ngút ngàn tầm mắt.

Những cây lúa non mới được máy cấy ghim xuống đất hôm qua dù yếu ớt, nhưng đứng thành những hàng thẳng tắp, như học trò xếp đội hình chào cờ trước sân trường. Trên cánh đồng kế bên, bốn, năm nhân công đang điều khiển máy cấy chạy tới, chạy lui. Chiếc máy hiện đại này di chuyển tới đâu là để lại phía sau vệt xanh của những hàng mạ non tới đó.

Trên bờ đê, một vài công nhân khác chuẩn bị sẵn những cuộn mạ (ươm trong vỉ), khi chiếc máy cấy chạy đến bờ đê, quay đầu, cũng là lúc công nhân “châm” thêm những bó mạ lên máy cấy. Chiếc máy tự động cấy mạ xuống mặt ruộng. Người và máy cứ phối hợp nhịp nhàng như thế. Đến khi mặt trời gần đứng bóng, các công nhân mới nghỉ ngơi, ăn uống.

Tranh thủ lúc giải lao, ông Sa chia sẻ, năm nay ông 50 tuổi, hiện ngụ ấp Voi, xã An Thạnh. Năm 1985, tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân, ông là một trong số ít người trong tỉnh có bằng cử nhân kinh tế chính quy thời bấy giờ.

Năm 1994, ông tốt nghiệp bằng thứ hai của Trường đại học Nông lâm, trở thành kỹ sư nông nghiệp. Ông cũng đã học xong khoá đào tạo cao cấp chính trị ở Phân viện Chính trị Hồ Chí Minh, quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh).

Hơn 25 năm qua, ông đã thử sức mình ở nhiều lĩnh vực kinh tế chính trị khác nhau, nhưng chưa lĩnh vực nào phát huy hết cả hai khối kiến thức chuyên môn của ông là kinh tế và nông nghiệp.

Tháng 5.2016, cơ hội đến khi tỉnh Tây Ninh cần thành lập một HTX sản xuất lúa sạch, nhưng tìm mãi không được người vừa biết hoạch định về kinh tế vừa có kiến thức về nông nghiệp. Một lãnh đạo huyện Gò Dầu liền giới thiệu ông Sa làm Chủ nhiệm HTX. Thế là ông bắt tay vào công việc mới.

Ông Đỗ Châu Sa.

KẾT QUẢ KHẢ QUAN NGAY TRONG NĂM ĐẦU

Khi chúng tôi đến thăm, HTX Việt Hàn mới vừa tròn một tuổi, và mới có 15 thành viên. Chỉ trong thời gian ngắn ngủi một năm qua, HTX này đã làm được nhiều việc đáng ghi nhận. Từ những mảnh ruộng lẻ tẻ với nhiều bờ đê ngang dọc manh mún của nhiều nông dân khác nhau, ông Sa đã vận động bà con vào HTX, xoá bỏ bờ ruộng nhỏ, gom lại thành một cánh đồng mẫu lớn trong vùng đê bao khép kín với diện tích 250 ha.

Trên cánh đồng mẫu lớn này, HTX đã canh tác được hai vụ lúa đều trúng mùa, được giá. Ông Sa cho biết, hai vụ lúa trước, HTX đều trồng giống lúa Đài Thơm 8, mỗi vụ năng suất tăng thêm được 800kg/ha so với cách làm lúa theo kiểu truyền thống trước đây.

Lúa của HTX không chỉ tăng năng suất mà còn đạt chất lượng cao, nên nông sản thu hoạch xong bao nhiêu đều được một công ty xuất nhập khẩu ở miền Tây đến thu mua để bán ra nước ngoài.

Ông Sa giải thích về việc sản xuất gạo sạch: Chúng tôi cũng sử dụng thuốc trừ sâu, nhưng chỉ sử dụng những loại thuốc trong danh mục cho phép.

Những loại thuốc ảnh hưởng đến môi trường và sức khoẻ con người tuyệt đối không sử dụng. Thời gian sử dụng thuốc cũng đúng thời điểm quy định theo lịch thời vụ và thời hạn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng”.

Ông Sa cho biết thêm, để tạo điều kiện thuận lợi cho HTX hoạt động, Trung tâm Khuyến nông huyện Bến Cầu hỗ trợ một lần duy nhất cho HTX Việt Hàn toàn bộ số lúa giống đủ sạ cho 50 ha. Đồng thời hỗ trợ 30% vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu cùng với một chiếc máy cấy, 10 bình phun xịt thuốc cho 50 ha này.

Để chứng minh về tính hiệu quả trong hoạt động sản xuất của HTX Việt Hàn, ông Sa đem kỹ thuật canh tác lúa theo kiểu mới trình diễn cho bà con nông dân ngoài HTX xem.

Một ngày giữa tháng 5, khi chúng tôi đến thăm HTX Việt Hàn, thấy ông Sa và một số nhân viên của mình đang đem máy đi “cấy thuê” trên 4 ha ruộng của ông Phạm Văn Tâm, 45 tuổi, ở thị trấn Gò Gầu, huyện Gò Dầu. Ông Tâm kể, gia đình làm nghề nông trên mảnh đất này từ nhiều đời qua.

Trước đây, gia đình vẫn thuê nhân công cấy lúa theo kiểu truyền thống. Năm nay, thấy HTX Việt Hàn có máy cấy lúa hiện đại nên thuê đến làm thử. Trước mắt, thấy lúa cấy bằng máy đỡ tốn nhân công, lại ít hao lúa giống gieo mạ.

Nhận thấy HTX canh tác lúa theo cách làm hiện đại, khắc phục được những vấn đề nan giải của nhà nông, ông Tâm tâm đắc: “Cấy lúa bằng máy như thế này coi bộ hiệu quả hơn cách làm truyền thống. Sắp tới, tôi sẽ xin vào HTX để cùng hợp tác sản xuất và giao lưu, học hỏi thêm kinh nghiệm canh tác”.

Gần như suốt ngày, ông Sa lặn lội ngoài đồng.

Về mặt chuyên môn, ông Sa chỉ rõ thêm, từ xưa tới nay, nông dân ta trồng lúa bằng cách gieo mạ rồi nhổ lên đem ra ruộng cấy, những năm gần đây, nhân công làm nghề cấy lúa ngày càng khan hiếm nên nhà nông chuyển qua cách xuống giống bằng sạ lúa.

Sạ lúa đỡ hao nhân công nhưng lại hao tốn lúa giống nhiều hơn và lúa dễ bị sâu rầy phá hại. Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề nông, ông nhận thấy cách cấy lúa thưa hàng như thế này sẽ có nhiều mặt lợi, đó là ít hao lúa giống, phân bón và hạn chế sâu rầy. Mặt khác, khi thu hoạch, hạt gạo của cây lúa sạ không đạt chất lượng bằng lúa cấy nên giá bán ra cũng rẻ hơn.

Để giải quyết cả hai bài toán khó là nhu cầu nhân công cấy lúa và khắc phục nhược điểm của lúa sạ, HTX áp dụng cách thức gieo mạ trên vỉ, đồng thời cấy lúa bằng máy. “Cấy lúa theo kiểu thủ công truyền thống và cấy lúa bằng máy đều tốn chi phí tương đương, khoảng 4,5 triệu đồng/ha.

Nhưng cấy lúa theo kiểu truyền thống phải quy tụ đến 20- 22 công cấy làm cả ngày mới xong 1 ha ruộng. Trong khi đó, cấy lúa bằng máy chỉ cần ba bốn nhân công là có thể cấy được từ 3- 5 ha/ngày”, Chủ nhiệm HTX Việt Hàn khẳng định.

Ông Sa cho biết thêm, hoạt động của HTX Việt Hàn chưa dừng lại ở đó, năm trước, HTX còn gieo mạ bằng phương pháp thủ công, hiện nay, HTX vừa nghiên cứu và áp dụng thành công phương pháp gieo mạ bằng máy. HTX đang quy hoạch một khu vực gieo mạ để cung cấp cho toàn cánh đồng của HTX.

Năm 2018, HTX sẽ chuyển giao công nghệ gieo mạ bằng máy cho bà con nông dân. Vụ Hè Thu năm nay vẫn tiếp tục trồng giống lúa Đài Thơm 8. Theo kế hoạch, HTX sẽ mở rộng diện tích lên đến 1.800 ha và dời trụ sở từ UBND xã An Thạnh về bờ kênh- tại cánh đồng mẫu lớn của HTX để thuận tiện cho việc điều hành, quản lý và tổ chức sản xuất.

Trước khi chia tay, ông Sa vui vẻ, “bật mí” với chúng tôi một tin vui: “Hiện, có nhiều công ty tìm đến ký hợp đồng thu mua gạo sạch của HTX để đưa vào tiêu thụ trong các bếp ăn trường mẫu giáo, tiểu học bán trú và các siêu thị”.

Đại Dương

 

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh