BAOTAYNINH.VN trên Google News

Người nghèo cần được hỗ trợ 

Cập nhật ngày: 17/03/2017 - 20:06

BTNO - Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trong hai ngày 14 và 15.3.2017, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tiến hành kiểm tra, phúc tra kết quả rà soát hộ nghèo năm 2016 tại bốn huyện gồm Gò Dầu, Trảng Bàng, Dương Minh Châu và Bến Cầu. Kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy, dù đạt được nhiều kết quả, nhưng công tác giảm nghèo ở các địa phương cũng còn nhiều điều bất cập cần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Ông Nguyễn Văn Quá, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH trò chuyện, thăm hỏi một người tàn tật thuộc diện nghèo vĩnh viễn ở huyện Gò Dầu.

Tại Gò Dầu, lãnh đạo UBND huyện cho biết, quy trình rà soát hộ nghèo năm 2016 được thực hiện theo đúng quy định, gồm 8 bước: Xác định, lập danh sách hộ gia đình cần rà soát; rà soát hộ gia đình; tổng hợp, phân loại hộ gia đình; tổ chức họp dân thống nhất kết quả rà soát; niêm yết công khai danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo; báo cáo xin ý kiến thẩm định của UBND huyện; công nhận danh sách hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo trên địa bàn; báo cáo kết quả rà soát hộ nghèo.

Kết quả, năm 2016, toàn huyện có 788 hộ nghèo, bao gồm 432 hộ nghèo và 356 hộ cận nghèo, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện là 2,07%. Các chính sách dành cho hộ nghèo được địa phương quan tâm triển khai, thực hiện.

Ví dụ, chương trình hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã thực hiện cho vay tín dụng ưu đãi để 104 lượt hộ nghèo vay tiền phát triển sản xuất, chăn nuôi với số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Ngân hành Chính sách còn cho 502 lượt hộ thoát nghèo vay hơn 16 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Đối với chương trình phát triển nhà ở, huyện đã vận động xây tặng 141 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở, tổng trị giá gần 6 tỷ đồng.

Liên quan việc hỗ trợ đào tạo nghề - giải quyết việc làm, năm 2016, địa phương đã giải quyết việc làm cho hơn 3.000 người, vượt kế hoạch đề ra. T

hực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Gò Dầu đã mở được 16 lớp. Kết quả ghi nhận, sau khi học xong, hơn 72% người học đã tìm được việc làm.

Các chính sách khác như hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, tặng quà tết, trợ giúp pháp lý được thực hiện đầy đủ. Riêng chính sách hỗ trợ giáo dục, huyện Gò Dầu chưa hỗ trợ chi phí mua dụng cụ học tập năm học 2015-2016 cho học sinh con của hộ nghèo vì đang chờ kinh phí của tỉnh…

Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Gò Dầu, ngoài những mặt đã thực hiện tốt, chương trình, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện cũng còn những hạn chế: các chế độ chính sách cho hộ nghèo, nhất là BHYT cho hộ cận nghèo chưa bảo đảm (ít người mua, dù đã được hỗ trợ 70%); đối tượng hộ nghèo ít tham gia học nghề.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc ở huyện Gò Dầu, bà Kim Thị Hạnh, Phó Ban Văn hoá – Xã hội HĐND tỉnh nêu vấn đề: Con số, tỷ lệ hộ nghèo ở Gò Dầu có sát thực tế hay không; việc thực hiện khảo sát, điều tra, rà soát hộ nghèo được thực hiện như thế nào, có bảo đảm tính khách quan không? Bà Hạnh cũng đề nghị làm rõ việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế đối với người nghèo.

Bà Trương Thị Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu cho biết, toàn huyện còn 193 hộ nghèo vĩnh viễn, tương đương 1,5% tổng số hộ nghèo. Bà Phú đề xuất các cơ quan có thẩm quyền nên xem xét đưa ra chỉ tiêu giảm nghèo sao cho phù hợp với thực tế, vì nếu thực hiện chỉ tiêu chung như thời gian qua, có huyện sẽ không còn hộ nghèo để giảm.

Liên quan chính sách BHYT, bà Phú đề xuất hỗ trợ cho hộ cận nghèo 100% tiền mua thẻ BHYT, thay cho quy định hỗ trợ 70% như hiện nay. Đại diện Mặt trận Tổ quốc huyện Gò Dầu có ý kiến, theo quy định hiện hành, chỉ có hộ nghèo mới được hỗ trợ xây nhà ở, còn hộ cận nghèo không được, vì thế, nên đưa hộ cận nghèo vào diện được hỗ trợ nhà ở, để họ không “rớt” xuống thành hộ nghèo.

Ở Gò Dầu hiện còn 9 hộ không có nhà ở vì không có đất, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc huyện đề nghị tìm cách tháo gỡ vấn đề đất cho người nghèo. Theo đại diện Sở Xây dựng, việc xây nhà ở cho hộ nghèo đang thực hiện đúng chính sách của Trung ương, không thể làm khác được. Ý kiến này cũng bày tỏ quan điểm, không thể đặt vấn đề có xây nhà cho hộ cận nghèo thì họ mới thoát nghèo, vấn đề là phải vận động người cận nghèo tìm cách vươn lên chứ không thể trông chờ Nhà nước.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Quá, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhận định, lãnh đạo huyện đã dành sự quan tâm thoả đáng đối với chính sách giảm nghèo.

Tuy vậy, ông Quá đề nghị Gò Dầu cần xem xét quan tâm đến những trường hợp hộ nghèo, cận nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, vì số liệu thống kê cho thấy gần 40% hộ nghèo có chủ hộ là phụ nữ. Đối với gia đình chính sách, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH đề nghị chính quyền huyện Gò Dầu không để gia đình có công với cách mạng nằm trong danh sách hộ nghèo (hiện còn 9 hộ).

Về tình hình rà soát hộ nghèo, ông Nguyễn Văn Quá cho biết, những bất cập hiện nay liên quan đến chính sách, quy trình, tiêu chí rà soát hộ nghèo sẽ được tổng hợp để gửi về Trung ương, địa phương không thể tự ý điều chỉnh.

Về chính sách BHYT, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH thông tin, tới đây, hộ cận nghèo sẽ được tỉnh hỗ trợ thêm 30% kinh phí mua thẻ BHYT, như vậy, hộ cận nghèo sẽ được hưởng chế độ mua thẻ BHYT như hộ nghèo.

Đối với chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ông Quá lưu ý huyện Gò Dầu cần tập trung ưu tiên, vận động những người có hoàn cảnh khó khăn (nhóm 1) đi học nghề, vì năm 2016, trong số 366 người đi học nghề chỉ có 1 người khuyết tật.

Tại huyện Trảng Bàng, toàn huyện còn 7 hộ chưa có nhà ở. Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số xã, có trường hợp trước đây chưa có nhà nay đã được tổ chức từ thiện xây tặng một căn nhà.

Một số trường hợp còn lại gia cảnh hết sức khó khăn, bệnh tật hiểm nghèo phải ở nhờ nhà người khác. Có một hiện tượng đáng chú ý là, trước đây có một số hộ được xác định nghèo vĩnh viễn nhưng nay đã giảm. Số hộ nghèo có thanh niên làm chủ hộ cũng còn nhiều.

Theo giải thích, hộ nghèo do thanh niên làm chủ hộ có trong danh sách hộ nghèo là do bệnh tật, con đông, không có việc làm. Liên quan đến chuyện một số người nghèo chưa có nhà ở, ông Nguyễn Thành Tiễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bàng đề nghị lãnh đạo UBND các xã trên địa bàn huyện rà soát lại, bởi vì, theo ông Tiễn, Trảng Bàng là một trong những địa phương dẫn đầu cả tỉnh về xây nhà cho người nghèo.

Theo kết quả thống kê, năm 2016, Trảng Bàng còn 630 hộ nghèo và 455 hộ cận nghèo trên tổng số hơn 41.000 hộ của huyện.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Quá lưu ý UBND huyện Trảng Bàng về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vì cũng như ở Gò Dầu, nhóm người nghèo tham gia học nghề rất ít. Ông Quá cũng đề nghị UBND huyện chỉ đạo chính quyền cấp xã làm rõ việc số hộ nghèo vĩnh viễn giảm (chết hay chuyển đi nơi khác sinh sống).

Sắp tới, cơ quan chức năng cũng sẽ kiến nghị đưa danh sách những hộ được xác định nghèo vĩnh viễn ra khỏi chương trình giảm nghèo. Tương tự như ở Gò Dầu, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH lưu ý Hội Phụ nữ huyện tìm cho được câu trả lời, vì sao hơn 60% chủ hộ là phụ nữ thuộc diện hộ nghèo?

Một ngôi nhà của người neo đơn tại huyện Dương Minh Châu (ngôi nhà được làm trên đất công).

Sáng 15.3, đoàn kiểm tra làm việc tại huyện Dương Minh Châu. Báo cáo với đoàn, lãnh đạo huyện thông tin, kết quả rà soát, điều tra hộ nghèo năm 2016 trên địa bàn huyện được tiến hành theo đúng quy định, hướng dẫn của cấp trên. Toàn huyện còn 370 hộ nghèo và 390 hộ cận nghèo trên tổng số gần 30.000 hộ.

Cũng như một số địa phương khác, ở huyện Dương Minh Châu, số hộ được xác định là nghèo vĩnh viễn đã giảm. Vì sao đã được xác định nghèo vĩnh viễn lại giảm? Giải thích vấn đề này, lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện Dương Minh Châu cho biết, số hộ nghèo vĩnh viễn trên địa bàn giảm là do chết; còn việc gia tăng số hộ cận nghèo có chủ hộ là thanh niên do đang có những quy định không hợp lý về mặt sở hữu tài sản. Số liệu tổng hợp của UBND huyện cho thấy, so với năm 2015, năm 2016 giảm được 54 hộ nghèo, cận nghèo (sau khi đã cộng số hộ nghèo phát sinh trong năm). Tính chung, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện hiện nay là 2,57%.

Cũng như một số địa phương khác, ở huyện Dương Minh Châu, chủ hộ nghèo, cận nghèo là phụ nữ hiện chiếm hơn 50%. Theo ông Nguyễn Văn Quá, cần lưu ý điều này, vì các cấp Hội Phụ nữ có nhiều nguồn vốn, có cơ hội tìm việc làm, vì sao tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo lại cao như vậy? Lãnh đạo đoàn kiểm tra cũng lưu ý huyện Dương Minh Châu một số vấn đề xung quanh chương trình thoát nghèo.

Theo đó, lãnh đạo huyện cần quan tâm xây nhà cho gần 100 hộ nghèo và cận nghèo, nguồn kinh phí sẽ được trích từ Quỹ vì người nghèo và các nguồn huy động từ thiện. Quỹ vì người nghèo cũng sẽ dành khoản kinh phí cho hộ nghèo, cận nghèo vay tiền để chăn nuôi, cụ thể, mỗi hộ sẽ được xem xét cho vay 25 triệu đồng trong vòng 36 tháng (không tính lãi). Tại buổi làm việc, ông Quá thông tin, hiện nay, lãnh đạo tỉnh đã có chủ trương xác định hộ có thu nhập trung bình để đưa vào diện hộ nghèo địa phương.

Chiều 15.3, đoàn làm việc với UBND huyện Bến Cầu. Theo số liệu mới nhất do UBND huyện tổng hợp, năm 2016, địa phương này còn 1.756 hộ thuộc diện nghèo, tỷ lệ 9,35%, trong đó hộ nghèo là 528 hộ, hộ cận nghèo 1.228 hộ. Số liệu thống kê cho thấy, số hộ thuộc diện nghèo vĩnh viễn ở Bến Cầu là 384 hộ, giảm 119 hộ so với năm 2015.

Đại diện ngành chức năng Bến Cầu cho biết, số lượng hộ nghèo vĩnh viễn giảm là do chết hoặc xếp vào hộ cận nghèo. Một hiện tượng đáng chú ý là ở Bến Cầu số lượng thanh niên làm chủ hộ thuộc diện cận nghèo và nghèo rất lớn. Toàn huyện có 33 hộ thanh niên làm chủ hộ thuộc diện nghèo và 267 hộ cận nghèo.

Ông Nguyễn Văn Quá đề nghị chính quyền các cấp ở Bến Cầu phân tích làm rõ vì sao tỷ lệ, số lượng hộ nghèo vĩnh viễn lại giảm mạnh như vậy? Đồng thời, giải thích vì sao số lượng, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo do thanh niên làm chủ lại cao? Riêng về nhà ở, đoàn kiểm tra đánh giá, chính quyền huyện Bến Cầu đã thực hiện tốt. Ông Phan Văn Hoà, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn làm báo cáo, giải trình những vấn đề thành viên đoàn kiểm tra đặt ra.

VIỆT ĐÔNG