Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Người nông dân nhiệt tình với công tác xã hội
Thứ sáu: 18:45 ngày 27/09/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ông Trương Anh Dũng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Đức (huyện Gò Dầu), đưa chúng tôi đến ấp Rộc B thăm cơ sở sản xuất bánh tráng phơi sương Thanh Ngân của gia đình ông Phan Văn Chí. Đây là cơ sở chuyên sản xuất bánh tráng dẻo tôm, dẻo cay. Hiện nay cơ sở có 15 nồi hơi tráng bánh, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 20 lao động tại địa phương.

Ông Chí đang trao đổi về cách pha chế nguyên liệu làm bánh tráng dẻo phơi sương.

Ông Chí cho biết, trước kia ông làm nghề xây dựng, còn vợ ông làm nghề tráng bánh tráng. Xung quanh nhà ông có khoảng 60 cao (6.000 m2) đất vườn trồng quýt. Nghề xây dựng ngày càng gặp khó khăn, ông Chí bỏ nghề ở nhà phụ vợ tráng bánh. Lúc ấy, nhà ông chỉ có một lò tráng bánh theo kiểu lấy hơi trên “trã nước sôi”.

Thấy nghề tráng bán, tuy thu nhập không cao, nhưng cũng ổn định, có khoản thu nhập hàng ngày. Trong khi đó vườn quýt xung quanh nhà không có hiệu quả. Vợ chồng ông Chí quyết định phá bỏ vườn quýt, lấy đất trống làm giàn phơi và mở rộng quy mô sản xuất bánh tráng. Ông đầu tư từ cách tráng bánh trên trã nước sôi truyền thống, chuyển sang cách tráng bằng lò hơi, với 4 nồi tráng bánh (một lò hơi lớn chụm củi, rồi lắp ống dẫn hơi nóng đến các nồi, chỗ ngồi tráng bánh).

Để chủ động trong việc xay bột và pha chế nguyên liệu trước khi tráng bánh, gia đình ông Chí mua sắm máy xay bột. Cũng từ đó, ngoài công lao động công lao động của vợ chồng ông, cơ sở tráng bánh của ông thuê thêm thợ tráng và thợ phơi bánh tráng. Mặt hàng bánh tráng dẻo phơi sương của gia đình ông Chí ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Sản phẩm làm ra tiêu thụ dễ dàng. Từ đó nguồn thu nhập gia đình ông được nâng cao.

Ông Chí (bên phải) trao đổi công việc tráng bánh với Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Đức.

Gia đình ông Chí muốn mở rộng thêm quy mô sản xuất, nâng cao số lượng hàng hóa cho thị trường. Tuy nhiên, lúc ấy gia đình ông còn thiếu vốn đầu tư. Nhờ có sự giúp đỡ xem xét tạo điều kiện của Hội Nông dân xã liên kết với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gò Dầu, năm 2015, ông Chí được vay 30 triệu từ nguồn vốn “giải quyết việc làm”.

Có thêm nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình ông mở rộng hơn cơ sở sản xuất bánh tráng. Với quy mô 15 nồi hơi tráng bánh. Cũng từ đó, cơ sở sản xuất bánh tráng phơi sương Thanh Ngân của gia đình ông Chí không chỉ giải quyết việc làm cho vợ chồng ông mà tạo công việc làm thường xuyên cho khoảng 20 lao động tại địa phương. Trong đó thường xuyên có khoảng 15 thợ tráng bánh và 4 thợ phơi bánh.

Do cách làm bánh tráng dẻo khá đặc biệt, nên giờ giấc lao động của thợ tráng và thợ phơi bánh ở cơ sở của ông Chí cũng khác biệt, so với phần đông những người lao động phổ thông khác. Thợ tráng bánh ở đây bắt đầu công việc từ từ lúc 1 giờ khuya cho đến 7 giờ sáng. Thợ tráng bánh ăn theo sản phẩm, mỗi vĩ là 1.500 đồng. Bình quân mỗi người tráng một buổi như vậy được khoảng 300 vĩ bánh (thu nhập được 450.000 đồng). Còn thợ phơi được chủ cơ sở trả công mỗi người 500.000 đồng/ngày. Thợ phơi có mặt tại cơ sở lúc 7 giờ sáng (sau khi thợ tráng vừa xong) mang bánh ra chỗ phơi, chờ khoảng 9 giờ đến 10 giờ, bánh khô thì mang bánh vào nhà kho chất lên xe (xe đẩy lớn do chủ tự chế, mỗi xe chất hơn 200 vĩ), rồi về nhà. Đến 5 giờ chiều, thợ phơi đến cơ sở tráng bánh một lần nữa để đẩy các xe chất vĩ bánh tráng ra chỗ phơi, xếp vĩ bánh lên giàn phơi sương. Rời chờ cho sương xuống bánh dẻo mang vô nhà giao cho chủ cơ sở.

Để chủ động giao bánh cho khách hàng, ông Chí mua một xe tải nhỏ và tự ông lái đi giao bánh. Ông Chí vui vẻ cho biết, hiện nay trừ hết các khoản chi phí như vật liệu, công thợ, xăng xe…, mỗi ngày (có tráng bánh) gia đình ông thu nhập hơn 1 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, cơ sở của ông cũng còn gặp khó khăn trong việc phơi bánh. Do phơi bánh ngoài trời, nên ngày nào gặp mưa dầm, gió bão là cơ sở phải nghỉ làm. Bên cạnh đó gần đây việc đầu ra sản phẩm cũng có phần khó khăn. Từ khi mở rộng cơ sở sản xuất, có nguồn thu nhập khá, gia đình ông Chí nhiệt tình tham gia các hoạt động, các phong trào do Hội Nông dân xã và chính quyền địa phương phát động, vận động.

Thợ phơi bánh tráng ở cơ sở tráng bánh của ông Chí.

Hưởng ứng Chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Chí nhiệt tình đóng góp nâng cấp, sửa chữa đường giao thông nông thôn. Cụ thề thời gian qua, ông tự nguyện đổ 3 xe đá 1-2 (trị giá 1,8 triệu đồng/xe), rồi tự tay ra công san lấp dậm vá chỗ hư hỏng một con đường trục ấp. Ông cũng tự nguyện đóng góp 6 triệu đồng để nâng cấp con đường ngỏ xóm vào nhà, để gia đình ông và bà con khu vực đi lại thuận tiện hơn. Ngoài ra, đã nhiều năm qua, mỗi năm gia đình ông Chí góp gạo, góp tiền ủng hộ Tổ công tác từ thiện xã hội của ấp với trị giá từ 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng/năm.

Ông Trương Anh Dũng- Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Đức cho biết, ông Phan Văn Chí là một nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương. Nhờ siêng năng cần mẫn và nhất là mạnh dạn chuyển đổi ngành nghề, từ sản xuất nông nghiệp, lập vườn cây ăn trái, ít có hiệu quả kinh tế, thu nhập thấp, qua nghề tiểu thủ công nghiệp làm bánh tráng mà gia đình ông nâng cao được khoản thu nhập.

Ông Chí cũng là một trong những hộ hội viên nông dân sử dụng đúng mục đích và rất có hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ nguồn vốn vay, ông đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, không chỉ giải quyết việc làm cho gia đình mà ông còn tạo việc cho một bộ phận lao động ở địa phương. Khi cuộc sống gia đình ổn định, ông Chí tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động do Hội Nông dân và chính quyền dịa phương vận động.

Duy Huân

Tin cùng chuyên mục