Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Người nữ Trung đội trưởng Trung đội nữ pháo binh ấy đã chiến đấu đến hơi thở sau cùng, quyết tâm bảo vệ vững chắc trận địa, gây nhiều tổn thất cho địch.
Sau khi trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và cuộc chiến tranh bảo vệ chiến trường biên giới Tây Nam, tỉnh Tây Ninh đã gánh chịu hậu quả nặng nề với gần 11.500 liệt sĩ, gần 8.600 thương binh.
Trong số đó, liệt sĩ Phạm Thị Thành (1946-1968), nguyên Trung đội trưởng Trung đội nữ pháo binh, Đại đội 4, Huyện đội Trảng Bàng đã để lại hình ảnh bất khuất, kiên cường trong lòng người dân xứ Trảng.
Người thân của liệt sĩ Phạm Thị Thành (bên trái) nhận Quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND
Năm 14 tuổi, Phạm Thị Thành đã giác ngộ cách mạng. Hình ảnh một nữ Trung đội trưởng gan dạ, dũng cảm trong chiến đấu, chỉ huy Trung đội nữ pháo binh tham gia nhiều trận đấu đã in sâu trong tâm trí của nhiều người dân nơi đây.
Vào ngày 15.8.1963, nữ Trung đội trưởng pháo binh Phạm Thị Thành đã sử dụng súng Bá Đỏ K44 bắn rơi một chiếc trực thăng của Mỹ. Sau đó, cùng với các du kích ấp Trảng Cỏ gài mìn đánh hỏng một xe M113 của địch tại Cây Da, bảo vệ được căn cứ Bời Lời (thuộc huyện Trảng Bàng).
Đặc biệt, đêm 30.1.1968 (tức mùng 1 Tết Mậu Thân), nữ Trung đội trưởng lại chỉ huy bắn 25 quả pháo vào Chi khu Trảng Bàng. Đây là trận đánh pháo đầu tiên vào chi khu, kiềm chế địch tại chỗ để các đơn vị khác tấn công ấp Lộc Thành diệt hàng chục tên địch, tạo điều kiện cho du kích xã bao vây đồn bốt, không cho địch chi viện lẫn nhau, buộc nhiều tên địch phải bỏ trốn.
Vào đầu tháng 2.1968, một Tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 25 của quân Mỹ đổ bộ tại cánh đồng Bà Đáng (thuộc ấp An Thới, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng). Buổi tối nhận nhiệm vụ, Đại đội 4 và Trung đội nữ pháo binh sử dụng 4 khẩu cối 82mm và 6 khẩu cối 60mm bắn hàng trăm quả đạn phủ đầu vào trận địa, gây cho địch nhiều thiệt hại.
Sáng hôm sau, Mỹ sử dụng khoảng 20 trực thăng đổ quân xuống Đồng Ớt (thuộc ấp Lộc Vĩnh, xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng) rồi càn quét vào ấp Chánh. Trung đội trưởng Phạm Thị Thành cho trung đội nữ phục kích, chờ địch tiến đến gần khoảng 150 mét, ra lệnh cho 2 khẩu cối 82mm bắn hạ 15 tên địch, buộc địch phải cho quân chi viện.
Đứng trước diễn biến ác liệt của chiến trường, Trung đội trưởng Trung đội nữ pháo binh Phạm Thị Thành đã động viên đồng đội “hãy quyết tử giữ vững trận địa, phải chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, quyết không lùi bước”. Với tinh thần đó, Trung đội nữ pháo binh đã liên tiếp đánh trả 8 đợt tiến công của địch, tiêu diệt thêm hàng chục quân Mỹ.
Trong đợt I xuân Mậu Thân (từ tháng 1.1968 đến 15.3.1968), Trung đội trưởng Trung đội nữ pháo binh Phạm Thị Thành cùng lực lượng vũ trang của huyện Trảng Bàng phối hợp với lực lượng cấp trên tập kích bắn pháo quyết liệt các đoàn xe thiết giáp của địch hành quân đi qua các xã Bàu Mây, An Thới, Suối Sâu (huyện Trảng Bàng); kết quả 8 xe tăng, 4 xe quân sự, 70 tên địch bị tiêu diệt.
Đêm 8.5.1968, Trung đội trưởng Phạm Thị Thành chỉ huy Trung đội nữ pháo binh cùng với quân và dân Trảng Bàng bước vào đợt 2 chiến dịch tổng tiến công nổi dậy. Thời điểm này, Trung đội trưởng Trung đội nữ pháo binh nhận nhiệm vụ chỉ huy tập kích pháo vào chùa Đá (xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng). Ba ngày sau, Trung đội nữ pháo binh tiếp tục dùng cối 82mm bắn vào chi khu Trảng Bàng để hỗ trợ cho khẩu đội ĐKZ đánh vào Hàng Gòn, gây thiệt hại nặng cho địch.
Địch tiến hành vây hãm, mở nhiều chiến dịch gom dân, cắt đứt mọi tiếp tế, truy lùng điểm đóng quân của ta. Trước những khó khăn, Trung đội trưởng Phạm Thị Thành chỉ huy Trung đội cối 82mm bám trụ, tổ chức đào hầm bí mật giấu người, giấu súng đạn, tổ chức di chuyển xuống trận địa, ngày nằm hầm, tối lên hoạt động, đánh nhiều nơi trong huyện Trảng Bàng, tiêu diệt nhiều xe tăng và hàng trăm tên địch, làm cho địch ở Chi khu lo sợ, lúc nào cũng thấy ta bao vây hạn chế càn quét, tạo điều kiện cho các đơn vị khác của ta hoạt động.
Đến ngày 27.11.1968, Trung đội nữ pháo binh tổ chức pháo kích tiêu diệt chốt Chà Rầy của Mỹ tại Đồng Đắp Mọi (huyện Trảng Bàng), gây nhiều thiệt hại cho địch. Tuy phải đối mặt với hỏa lực rất mạnh của kẻ địch nhưng Trung đội nữ pháo binh vẫn kiên quyết bám trụ trận địa. Trong trận đánh này, Trung đội trưởng Phạm Thị Thành đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh ngay tại trận địa.
Đại tá Nguyễn Văn Trứ- Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tây Ninh cho biết, thành tích đặc biệt xuất sắc của liệt sĩ Phạm Thị Thành cùng đơn vị trong thời gian chiến đấu đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, gan dạ, dũng cảm, sẵn sàng quyết tử trong trận địa, có nhiều trận đánh ghi dấu ấn lịch sử, tiêu diệt hàng trăm tên địch và phá hủy nhiều vũ khí trang bị của kẻ thù, góp phần to lớn vào cuộc cách mạng đẩy lùi đế quốc Mỹ xâm lược.
Để ghi nhận những chiến công mà Trung đội trưởng Trung đội nữ pháo binh Phạm Thị Thành đã đóng góp cho đất nước, Đảng và Nhà nước đã truy tặng Huân chương kháng chiến hạng II cho đồng chí Phạm Thị Thành theo Quyết định 940 KT/CHT ngày 18.7.1996 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bà được công nhận liệt sĩ vào ngày 19.3.1997.
Năm 2018, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Quyết định số 1491/QĐ-CTN ngày 30.8.2018 về việc truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Phạm Thị Thành.
Song Anh