Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Người nuôi heo băn khoăn đổi nghề
Thứ sáu: 12:09 ngày 04/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau gần ba tháng bùng phát và lây lan, đến nay, dịch tả heo châu Phi vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, tiếp tục lan rộng. Hiện 9/9 huyện, thành phố trong tỉnh đều có ổ dịch.

Ông Võ Tấn Đạt bên chuồng heo bị bỏ không sau khi tiêu huỷ.

Trong đó, một số địa phương sau khi công bố hết dịch vẫn bị nhiễm trở lại. Tính đến nay, đã có trên 1.400 ổ dịch với gần 26.000  con heo bị chết và tiêu huỷ. Hiện dịch tả heo châu Phi vẫn chưa có vắc-xin và thuốc đặc trị. Ðây là nguyên nhân chính khiến  người chăn nuôi không dám tái đàn mà phải chuyển sang chăn nuôi vật nuôi khác hoặc chuyển đổi nghề khác.

Vài năm trở lại đây, người chăn nuôi heo liên tiếp hứng chịu nhiều thiệt hại do giá heo xuống quá thấp và dịch bệnh bủa vây khiến nhiều hộ lâm cảnh kiệt quệ, thậm chí phá sản. Trong khi đó, dịch tả heo châu Phi vẫn đang không ngừng lây lan, tàn phá ngành chăn nuôi heo - chủ yếu là nông hộ, gia trại khiến nhiều người phải loay hoay chuyển nghề. Thế nhưng, đa phần các hộ này lại gặp khó do thiếu vốn.

Từng ăn nên làm ra nhờ nuôi heo, thế nhưng, trong đợt dịch vừa qua, đàn heo 30 con của gia đình ông Võ Tấn Ðạt (ngụ ấp Bình Nguyên 2, xã Gia Bình, huyện Trảng Bàng) bị tiêu huỷ sạch, khiến ông không khỏi choáng váng. Ông Ðạt cho biết, đã hơn 25 năm gắn bó với nghề nuôi heo nhưng chưa bao giờ gia đình ông lâm vào hoàn cảnh này.

Mặc dù trước đó ông đã thực hiện nhiều biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn nhưng vẫn không thể ngăn được dịch bệnh lây nhiễm. Mất đàn heo, trong lúc chưa biết phải làm gì để mưu sinh, ông Ðạt tìm mua 200 con vịt xiêm giống về nuôi với hy vọng khắc phục phần nào thiệt hại. 

Theo ông Ðạt, vịt xiêm là giống gia cầm có sức đề kháng cao nên tương đối dễ nuôi, tiền con giống cũng không đắt. Do đã có khu chuồng trại nuôi heo đang bỏ không nên ông dự định nuôi một ít lấy kinh nghiệm, nếu có hiệu quả thì sẽ tiếp tục nuôi lâu dài và phát triển thêm số lượng.

Ông Ðỗ Thanh Sơn (cùng ngụ ấp Bình Nguyên 2, xã Gia Bình) cho biết, ông đang tìm hiểu về kỹ thuật nuôi gà ta nhằm tận dụng số chuồng trại bỏ không sau khi đàn heo 23 con của gia đình bị tiêu huỷ vì dịch tả heo châu Phi. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên hiện ông đang trông chờ được nhận tiền của Nhà nước hỗ trợ thiệt hại do dịch tả heo châu Phi để sửa chữa lại chuồng heo và chuyển sang nuôi gà. Ông Sơn chia sẻ: “Gia đình tôi gắn bó với nghề nuôi heo mấy chục năm qua, dù có thăng trầm nhưng nhờ con heo mà gia đình tôi có cuộc sống cơ bản ổn định. Bây giờ heo chết hết rồi nên phải tạm thời tìm vật nuôi nào tương đối an toàn, có lãi để kiếm chén cơm manh áo, đợi tình hình dịch tả heo châu Phi ổn rồi tính tiếp”.

Còn ông Lê Tấn Nhật (ngụ ấp Voi, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu) cho hay, trong đợt dịch vừa qua, toàn bộ hơn 600 con heo của gia đình ông đều bị tiêu huỷ, thiệt hại hơn tỷ đồng. Theo ông Nhật, trước đây ông có nghề nuôi lươn chung với nuôi heo rất hiệu quả nhưng hiện nay giá lươn giống quá cao, trong khi đó ông chưa nhận được tiền hỗ trợ nên chưa có vốn đầu tư tái sản xuất. Do vậy, ông Nhật rất mong Nhà nước quan tâm, sớm chi tiền hỗ trợ để người nuôi heo trang trải nợ nần và có vốn tái chăn nuôi, ổn định cuộc sống.

Là hộ chăn nuôi đầu tiên xuất hiện ổ dịch tả heo châu Phi trong tỉnh, với 18 con heo bị tiêu huỷ, hiện gia đình bà Tống Thị Ngọc Ánh (ngụ ấp Bắc Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành) vẫn đang chờ nhận tiền hỗ trợ để trả nợ tiền thức ăn nuôi heo trước đó, phần còn lại sẽ sửa chữa lại chuồng trại để nuôi gà, bò.

Chưa nên tái đàn heo

Theo ông Nguyễn Thành Thúc - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tình hình dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp, do đó, người chăn nuôi nên hạn chế tái đàn mà nên chọn các loại vật nuôi khác thay thế như gia cầm, thuỷ cầm, trâu, bò, dê và thuỷ sản (cá, lươn...) nhằm cách ly dứt điểm mầm bệnh tả heo châu Phi. Đồng thời, người chăn nuôi cần áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tăng cường vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm như cúm gia cầm (đối với chăn nuôi gia cầm), lở mồm long móng (đối với gia súc)...

Minh Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục