BAOTAYNINH.VN trên Google News

Người phụ nữ tận tuỵ

Cập nhật ngày: 23/01/2010 - 08:50

Chị Nguyễn Thị Bạch Ngọc tại lễ tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong 5 năm của xã Suối Đá.

Sinh ra từ một gia đình nông dân nghèo, quê tại Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh, năm 1976 khi vừa tròn 16 tuổi, Nguyễn Thị Bạch Ngọc đăng ký tham gia lực lượng thanh niên xung phong.  Và được biên chế vào Tổng đội 7, Thanh niên xung phong huyện Củ Chi, trực thuộc Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh.

Sau thời gian học tập, Tổng đội nhận nhiệm vụ lên Tây Ninh tham gia khai thác vật liệu xây dựng tại mỏ đá núi Bà Đen, cung cấp cho công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng. Thấy Ngọc dáng người nhỏ bé, mảnh mai, thủ trưởng đơn vị biên chế Ngọc vào tổ hậu cần, sau đó cử đi học lớp y tá cấp tốc.

Trở về đơn vị, Ngọc vừa làm y tá, vừa làm thủ kho, thủ quỹ. Khi công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng hoàn thành, đơn vị chuyển đi nơi khác, cũng là lúc Bạch Ngọc xây dựng gia đình với người thanh niên cùng đơn vị. Hai vợ chồng trẻ ở lại địa phương xây tổ ấm. Nhưng hạnh phúc đã không mỉm cười với họ. Hai vợ chồng mong mỏi đứa con nhưng mãi không thấy, chạy chữa nhiều nơi, hết cả tài sản cũng không có kết quả. Chán nản, chồng Ngọc bỏ đi thành phố tự kiếm sống, lâu lâu mới về. Không có tài sản, không có đất đai sản xuất, không việc làm, chị Ngọc đành chọn nghề mua bán ve chai, vừa tự lo cho cuộc sống của mình, vừa chăm sóc mẹ chồng. Hằng ngày, chị một mình trên chiếc xe đạp dong ruổi khắp các ngả đường làng, ngõ xóm.

Thấy chị Ngọc có điều kiện đi lại nhiều, chị cán bộ phụ trách công tác Dân số & Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) của xã rủ chị làm cộng tác viên, chị vui vẻ nhận nhiệm vụ. Khi cùng làm việc, chị Trạm trưởng Trạm y tế xã phát hiện chị Ngọc có nghề y tá, nhân lúc đang thiếu người làm ở tổ y tế ấp Tân Định 1, chị Trạm trưởng gợi ý, chị Ngọc không ngần ngại gật đầu ngay. Rồi chị được bầu làm Chi hội trưởng, sau đó vào Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã. Nhiệm vụ nào chị Ngọc cũng hoàn thành tốt, được chị em và nhân dân địa phương tín nhiệm. Mỗi tháng chỉ được nhận 50.000 đồng phụ cấp dành cho cộng tác viên DS-KHHGĐ, còn lại đều coi như làm “công quả” nhưng chị  Ngọc không hề kêu ca, phàn nàn.

Người dân trong xã Suối Đá đã quen với người phụ nữ dáng người nhỏ nhắn, tính tình vui vẻ, một mình trên chiếc xe “cà tàng” có thêm chiếc cần xé phía sau. Ngày ngày chị Ngọc vừa đi mua phế liệu, vừa tuyên truyền vận động công tác DS-KHHGĐ, công tác y tế…

Trong danh sách những người được tuyên dương thành tích đóng góp trong phong trào thi đua 5 năm (2005 – 2010) của xã Suối Đá, có tên chị- người phụ nữ năng nổ, thật thà và chịu khó.

HIỀN  LƯƠNG