Xã hội   Chia sẻ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Người phụ nữ trẻ bất hạnh 

Cập nhật ngày: 02/04/2017 - 23:23

BTNO - Từ khi trở thành người vô thức, chị Trang không tự chăm sóc được bản thân- từ chuyện ăn uống đến tiêu tiểu… Tất cả đều phải trông cậy vào bà Hiệp và vợ chồng anh Trần Tuấn An- em trai của chị, bởi vợ chồng chị đã chia tay nhau từ khi chị vương mang bệnh tật. Chị dường như không biết no hay đói, lúc nào chị cần ăn nhiều, lúc nào nên ăn ít hoàn toàn do những người thân của chị cân nhắc, liệu định.

Chị Thu Trang.

Chị tên là Trần Thị Thu Trang, năm nay 30 tuổi. Trước đây, chị từng có gia đình riêng, sinh sống bằng việc bán hàng ăn uống. Chị bán nước giải khát, hủ tiếu tại nhà mẹ ruột là bà Nguyễn Thị Hiệp ở tổ dân cư số 12, ấp Long Thịnh, xã Long Khánh, huyện Bến Cầu.

Vào một ngày đầu năm 2012, khi đang làm công việc hằng ngày, chị Trang bỗng dưng đau bụng và được gia đình đưa đi cấp cứu ở Trung tâm Y tế huyện Bến Cầu, sau đó chuyển lên tuyến trên, đến Bệnh viện 115 (thành phố Hồ Chí Minh).

Sau lần phẫu thuật ruột thừa ấy, chị Trang trở về nhà sinh sống làm ăn như bình thường. Không ngờ đến cuối năm, chị Trang lại phát bệnh lần nữa. Lần này cơn đau bụng dữ dội khiến chị gần ngất xỉu. Gia đình lại đưa chị đi điều trị tại các Bệnh viện Chợ Rẫy, Từ Dũ rồi đến Bệnh viện Tâm thần Biên Hoà (Đồng Nai).

Hơn 3 tháng điều trị ở các bệnh viện, chị Trang ra viện trở về; chứng đau bụng đã thuyên giảm nhưng sức khoẻ của chị cứ ngày càng giảm sút, cân nặng ngày càng sụt, ăn uống kém. Chứng đau đầu kinh niên đã dần dần dẫn chị đến tình trạng mất trí hoàn toàn. Suốt ngày chị cứ đi lại quanh nhà, miệng nói lảm nhảm, lúc khóc, lúc cười ngây ngô, thỉnh thoảng lại té ngã.

Từ khi trở thành người vô thức, chị Trang không tự chăm sóc được bản thân- từ chuyện ăn uống đến tiêu tiểu… Tất cả đều phải trông cậy vào bà Hiệp và vợ chồng anh Trần Tuấn An- em trai của chị, bởi vợ chồng chị đã chia tay nhau từ khi chị vương mang bệnh tật. Chị dường như không biết no hay đói, lúc nào chị cần ăn nhiều, lúc nào nên ăn ít hoàn toàn do những người thân của chị cân nhắc, liệu định.

Hơn 4 năm qua, từ khi chị Trang lâm vào bệnh tật và phải trải qua nhiều lần nằm viện với chi phí tốn kém không ít, của cải trong nhà cứ lần lượt ra đi. Tiền bạc không còn, nợ nần lại chồng chất, nhà thì không ruộng đất sản xuất, nên bà Hiệp phải tảo tần sớm hôm, lo làm ăn mua bán để kiếm tiền thang thuốc cho cô con bệnh tật. Mỗi tháng bà phải đưa chị Trang đi tái khám ở thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai.

Thời gian gần đây, ngoài bán quán hủ tiếu tại nhà, bà Hiệp còn tranh thủ thời gian lên tận biên giới Campuchia bán nước giải khát để kiếm thêm thu nhập- phần lo cho con, phần trả nợ. Có lúc buôn bán ế ẩm, không đủ tiền đưa chị Trang đi tái khám, cả nhà đành ôm nỗi đau xót nhìn chị lên cơn co giật mà không có thuốc uống.

Những khi bà Hiệp đi biên giới bán hàng, vợ chồng anh An thay mẹ đảm đương việc chăm sóc chị. Tuy nhiên vì bận bịu với công việc bán quán hủ tiếu nên anh An đành phải dùng chiếc khăn và sợi dây dù quấn ngang bụng chị Trang, rồi buộc một đầu dây vào khung cửa sổ; vừa để chị không làm phiền khách hàng, vừa để chị khỏi bị té ngã.

Bên cạnh cửa sổ là một chiếc võng để khi cần chị Trang nằm nghỉ cho đỡ mệt. Là em trai nên việc chăm sóc vệ sinh cho chị gái cũng có đôi chút bất tiện song anh An không nề hà. Anh chia sẻ: dù khó khăn nhưng gia đình vẫn cố gắng lo làm ăn buôn bán, cố gắng dành dụm để có tiền lo cho chị Trang tiếp tục chữa trị bệnh.

Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ với gia đình chị Trang theo số điện thoại 0976692921 (gặp anh An).

THUỲ DUNG -KN


Liên kết hữu ích