Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Người phục chế nhà cổ ở Dương Minh Châu
Thứ tư: 11:37 ngày 16/03/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vốn là con của ông Năm Hài, một người có nghề thợ mộc nổi tiếng chuyên làm nhà gỗ ở địa phương (ông đã qua đời trên 25 năm) nên kể từ khi còn trong quân ngũ anh đã nuôi ý tưởng nối nghiệp cha…

(BTNO)- Sau mấy lần hẹn, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến được cơ sở, nơi ngổn ngang cột gỗ, cái thì đã ngả màu đen bóng vì thời gian, cái thì còn thơm mùi gỗ mới, tất cả đều là gõ, một loại cây trong nhóm quý, hiếm. Những người thợ mình trần trùng trục, nhễ nhại mồ hôi đang đẩy bào, thủ công có, bằng máy có để chuốt những cây cột cho tròn, láng. Mọi thứ nơi đây toát lên vẻ hối hả, ồn ào nhưng cũng hết sức tỉ mỉ, nhẫn nại.

Quang cảnh đó chính là cơ sở của anh Huỳnh Văn Cả, 47 tuổi hiện ngụ tại ấp Ninh Bình, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu. Hiện tại, cơ sở của anh thực hiện các công đoạn phục chế nhà cổ và ngày càng có chiều hướng phát triển, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương.

Anh Huỳnh Văn Cả bên cơ sở phục chế nhà cổ của mình

Năm 1985, anh thanh niên Huỳnh Văn Cả nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ quốc tế trên nước bạn Campuchia. Được 2 năm, trong một chiến dịch trên đất bạn, anh bị thương và trở thành thương binh 4/4. Sau đó anh được đưa về nước tiếp tục phục vụ trong quân đội với nghề lái xe tại Sư đoàn bộ binh 5. Năm 1993, Huỳnh Văn Cả được kết nạp vào Đảng. Tuy nhiên, trong anh vẫn đau đáu một nỗi niềm với gỗ. Vốn là con của ông Năm Hài, một người có nghề thợ mộc nổi tiếng chuyên làm nhà gỗ ở địa phương (ông đã qua đời trên 25 năm) nên kể từ khi còn trong quân ngũ anh đã nuôi ý tưởng nối nghiệp cha. Đến năm 2007, thiếu tá Huỳnh Văn Cả quyết định xin xuất ngũ, theo đuổi nghiệp gia truyền…

Rong ruổi khắp mọi nơi, cứ đi đâu thấy có nhà cũ truyền thống, kiểu nhà 3 gian, 2 chái là anh hỏi mua, được thì kêu công cho người đến dỡ về. Những căn nhà mua được thường có hạn sử dụng từ 30 đến 50 năm, thậm chí nhiều căn còn có tuổi cổ hơn. Chính vì vậy mà sau khi tháo dỡ những căn nhà đó ra thường luôn có những bộ phận như kèo, cột, rui, mè, đòn tay… đã bị hư hỏng phải phục chế lại. Mà muốn phục chế cho giống như hiện trạng, giữ nguyên được những nét tinh xảo của mỗi ngôi nhà thì cần phải có những người thợ có tay nghề cao. Hiểu rõ con người ở địa phương, nên anh Cả biết mình không thiếu những người thợ gỗ có tay nghề cao như thế. Chỉ vì xã hội phát triển, chuộng nhà “bê tông” hơn nhà gỗ nên những người thợ này phải giải nghệ về làm ruộng, rẫy.

Anh Cả đã tìm đến họ, mời họ về làm cho mình. Lúc đầu chỉ vài tay thợ, nhưng công việc ngày càng nhiều hơn nên số thợ cũng ngày một tăng theo. Có lúc ở cơ sở của anh số thợ mộc lên đến gần ba chục người. Những thợ chính có tay nghề điêu luyện được anh trả công gần 10 triệu đồng mỗi tháng, thợ phụ tay nghề chưa giỏi cũng được trả công thấp nhất là 120.000 đồng/ngày. Bình quân mỗi tháng tiền công thợ đã ngốn của anh lên đến trên 40 triệu đồng.

Chúng tôi bước vào ngôi nhà 3 gian 2 chái vừa được những người thợ ở đây phục chế. Nó được dựng trên diện tích sử dụng gần 100 mét vuông. Theo lời anh thì trong số 24 cây cột, rồi những dây xiên, áp quả, chính, kèo đã có nhiều thứ được phục chế nhưng phải thật tinh ý mới nhận ra. Anh Cả cho biết căn nhà vừa phục chế, nếu bán phải có giá đến 300 triệu đồng. Nghe thì lớn thế nhưng chủ nhân của nó lời chẳng đáng là bao. Vì muốn có được một căn nhà vừa bụng khách hàng thì phải mua từ hai đến ba căn nhà cũ dồn lại, rồi tiền công thợ (khoảng 100 triệu đồng), tiền tháo dỡ, tiền đặt mua cây gỗ nhóm 1 đưa từ CPC về (có những khúc gỗ chỉ để làm cây chính phải mua từ 20 đến 25 triệu đồng) đã chiếm gần hết tiền bán căn nhà. Không lời lãi quá nhiều từ nghề phục chế nhà cổ, nhưng anh Cả cho biết niềm vui lớn nhất của anh chính là được thấy những ngôi nhà cổ - sau khi phục chế được “sống” lại và được xã hội trân trọng. Thêm vào đó, việc những người thợ ở địa phương luôn có việc làm và thu nhập ổn định đã tiếp thêm sức mạnh cho anh theo nghề.

Từ gần 4 năm nay, có rất nhiều căn nhà cổ đã được anh Huỳnh Văn Cả và những người thợ ở đây phục chế, được người ưa thích nhà cổ đến mua. Tiếng lành đồn xa, khách hàng không chỉ ở Tây Ninh mà cả ở nhiều địa phương khác tìm đến cơ sở của anh. Mới đây, tháng 2.2011 anh vừa bán được một căn nhà cho khách hàng ở tận Bạc Liêu. Khách dù gần, dù xa, sau khi mua xong đều được anh đưa nhân công đến tận nhà để lắp ráp, dựng nhà lên hoàn chỉnh.

Không chỉ nối được nghề mộc của cha để lại, tạo công ăn việc làm và duy trì nghề mộc truyền thống cho lao động ở địa phương mà qua việc phục chế nhà cổ, anh Huỳnh Văn Cả còn góp phần gìn giữ, phát huy được nét văn hoá của người Việt qua nghệ thuật làm nhà gỗ đã có từ xa xưa.

Giang Sơn

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục