Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Người sử dụng đất rừng sản xuất cần sớm thực hiện thủ tục kê khai theo quy định 

Cập nhật ngày: 18/09/2022 - 23:35

BTN - Trong quá trình thực hiện cần thiết phải có sự phối hợp kịp thời giữa người sử dụng đất và cơ quan chức năng. Nhằm bảo đảm việc xây dựng kế hoạch giao, cho thuê đất rừng, xây dựng kế hoạch sử dụng đất, hoàn thiện hồ sơ các thửa đất theo quy định và đúng tiến độ.

Chăm sóc rừng trồng tại Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Ảnh minh họa: Thế Nhân

Ngày 22.7.2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1555 về việc phê duyệt Đề án Quản lý, phát triển rừng sản xuất tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2035. Đây cũng là đề án nhằm thực hiện Quyết định số 1565 ngày 8.7.2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt “Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp”.

Theo đó, mục tiêu của đề án là phát triển lâm nghiệp bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả năng lực cạnh tranh. Trong đó, mục tiêu cụ thể là nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm và dịch vụ môi trường rừng; tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm; góp phần tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững.

Mục tiêu cụ thể trong quá trình thực hiện là hoàn thành công tác giao, cho thuê rừng và đất rừng sản xuất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng tự nhiên, tăng trưởng khối lượng gỗ đối với cây có giá trị lấy gỗ, phát triển du lịch sinh thái. Tăng năng suất, chất lượng, khối lượng gỗ rừng trồng, theo hướng trồng cây gỗ lớn, cây lâu năm, kết hợp trồng cây dưới tán rừng… Tạo nguồn nguyên liệu thúc đẩy sự phát triển công nghiệp chế biến theo hướng nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

Từ đề án trên, UBND tỉnh đã ban các hành quyết định chỉ đạo những địa phương có rừng trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện. Trong đó có huyện Tân Châu, cụ thể là tại Quyết định số 1416 ngày 8.7.2020 của UBND tỉnh về việc thu hồi diện tích đất rừng sản xuất do BQL khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng quản lý, để giao cho UBND huyện Tân Châu thực hiện Đề án quản lý, phát triển rừng sản xuất như trên; tiếp đến là Quyết định số 2883 ngày 5.11.2021 của UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hỗ trợ phát triển rừng sản xuất huyện Tân Châu giai đoạn năm 2019-2025.

Trên cơ sở đó, UBND huyện Tân Châu đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện dự án hỗ trợ phát triển rừng sản xuất giai đoạn năm 2020-2025, định hướng đến năm 2035. Đồng thời, UBND huyện cũng đã có thông báo cụ thể về việc kê khai diện tích đất rừng sản xuất giao cho huyện để thực hiện đề án trên. Tuy nhiên, tính đến ngày 22.8.2022, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất liên quan chưa đến UBND xã để kê khai đăng ký theo quy định.

Ngày 25.8.2022, UBND huyện tiếp tục ban hành thông báo đề nghị các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang canh tác trên đất rừng sản xuất đến UBND các xã Suối Dây, Tân Thành, Tân Hoà để thực hiện thủ tục kê khai đăng ký đất rừng sản xuất theo nội dung đã thông báo. Thời gian kê khai trong 30 ngày, kể từ ngày 25.8.2022. Quá thời gian này, các trường hợp có đất liên quan nếu không thực hiện kê khai thì mọi thắc mắc, khiếu nại về sau sẽ không được xem xét giải quyết.

Thực tế, mặc dù các xã nêu trên đều có triển khai thông báo và tuyên truyền rộng rãi xuống các ấp, tổ dân cư, cá nhân, tổ chức, hộ gia đình có đất rừng sản xuất nhưng tiến độ kê khai vẫn diễn ra khá chậm. Qua trao đổi với lãnh đạo các xã Tân Thành, Suối Dây, Tân Hoà thì được biết tính đến ngày 8.9.2022, số người đến xã kê khai diện tích đất rừng sản xuất là rất ít, thậm chí có xã không có trường hợp nào đến kê khai.

Cụ thể, tính đến ngày 8.9.2022, xã Suối Dây chỉ có hơn 50 trường hợp đến kê khai, trong khi diện tích đất rừng sản xuất trên địa bàn xã khoảng 1.600 ha, với hàng trăm hộ đang canh tác. Xã Tân Hoà có khoảng 261 ha đất rừng sản xuất (chia làm 2 khu), với hơn 100 hộ sản xuất, nhưng tính đến ngày 8.9, có 5 hộ đến xã kê khai. Xã Tân Thành có khoảng 1.700 ha đất rừng sản xuất, nhưng vẫn chưa có trường hợp nào đến xã kê khai theo thông báo của chính quyền địa phương.

Các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình đang canh tác trên đất có liên quan cần biết rằng, đây là đề án quản lý, phát triển rừng sản xuất đã được UBND tỉnh phê duyệt và triển khai xuống các địa phương để thực hiện. Đề án này nhằm lập lại trật tự trong công tác quản lý, sử dụng đất rừng sản xuất theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững.

Vậy nên, trong quá trình thực hiện cần thiết phải có sự phối hợp kịp thời giữa người sử dụng đất và cơ quan chức năng. Nhằm bảo đảm việc xây dựng kế hoạch giao, cho thuê đất rừng, xây dựng kế hoạch sử dụng đất, hoàn thiện hồ sơ các thửa đất theo quy định và đúng tiến độ. Việc này còn giúp UBND các xã quản lý chặt chẽ tình hình sử dụng đất đai trên địa bàn, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Công tác này cũng nhằm xác định rõ quyền sử dụng đất đối với các trường hợp có liên quan, quyền lợi trong quá trình tham gia đề án quản lý và phát triển rừng sản xuất. Do đó, các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình cần tuân thủ chấp hành việc đến UBND các xã có đất rừng sản xuất để thực hiện thủ tục kê khai theo quy định. Tại đây, nếu có vấn đề nào mà người sử dụng đất rừng sản xuất còn chưa rõ, hoặc chưa tiếp cận được thì chính quyền sẽ giải thích, hướng dẫn.

Quốc Sơn