Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Người sử dụng lao động được vay vốn chính sách trả lương người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 

Cập nhật ngày: 11/11/2020 - 07:10

BTNO - Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam vừa triển khai văn bản hướng dẫn người sử dụng lao động vay tín dụng chính sách để trả lương cho người lao động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết 154/NQ-CP ngày 19.10.2020 và Quyết định 32/2020/QĐ-CP ngày 19.10.2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo đó, người đủ điều kiện vay vốn là người sử dụng lao động có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngưng việc từ 1 tháng liên tục trở lên trong khoảng thời gian từ ngày 1.4 đến 31.12.2020.

Đơn vị có doanh thu quý I-2020, giảm 20% trở lên so với quý IV-2019 hoặc doanh thu quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019. Người sử dụng lao động không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhành ngân hàng nước ngoài tại thời điểm 31.12.2019.

Quy định mới cũng nêu rõ số tiền vay bằng 50% mức lương tối thiểu vùng nhân với số người lao động bị ngừng việc. Mỗi khách hàng được vay số tiền trị giá không quá 3 tháng trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ tháng 4 đến tháng 12.2020. Lãi suất vay được áp dụng cho trường hợp vay này là 0%/năm.

Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh. Ảnh minh hoạ

Vốn vay được khách hàng sử dụng để trả lương ngừng việc cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Nhằm triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ này, ngày 2.11.2020 UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo số 2717/UBND -KTTC về việc phối hợp triển khai thực hiện chính sách cho vay trả lương ngừng việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid -19.

UBND tỉnh yêu cầu, Chi nhánh NHCSXH Tây Ninh phải chỉ đạo các phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện thực hiện cho vay, quản lý vốn vay, thu hồi nợ, xử lý nợ bị rủi ro theo đúng quy định. Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Cục Thuế, Sở Lao động Thương binh và Xã hội phải chỉ đạo cơ quan trực thuộc phối hợp chặt chẽ với với Chi nhánh NHCSXH tỉnh trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách cung cấp kịp thời thông tin, dữ liệu thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị mình làm cơ sở cho việc rà soát, kiểm tra, xác định đối tượng và tổ chức thực hiện quy trình, thủ tục cho vay.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị, xã hội tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động đến các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, hội viên và Nhân dân biết, đồng thời giám sát việc thực hiện chính sách, bảo đảm chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, công khai, minh bạch; kịp thời phản ánh thông tin về các cá nhân, tổ chức lợi dụng, trục lợi chính sách để xử lý theo quy định.

Mặt khác, UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn cấp huyện có liên quan và UBND xã, phường, thị trấn, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong quá trình tổ chức triển khai cho vay trên địa bàn.

Đến hiện tại, Chi nhánh đã thực hiện rà soát 92 người sử dụng lao động, trong đó tiếp xúc trực tiếp là 26 người sử dụng lao động, liên hệ qua điện thoại là 66 người lao động. Trong đó, có 3 người sử dụng lao động gồm 171 người lao động có nhu cầu vay vốn; 9 người sử dụng lao động không có đủ điều kiện vay vốn do người lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; 80 người lao động không có nhu cầu vay vốn. Chi nhánh đang hướng dẫn khách hàng có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn lập hồ sơ vay vốn nhanh chóng để giải ngân kịp thời.

Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết, người sử dụng lao động có nhu cầu vay tín dụng chính sách để trả lương cho người lao động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 liên hệ trực tiếp tại Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện, thành phố, tỉnh để được hướng dẫn thực hiện thủ tục theo quy định.Việc giải ngân của NHCSXH được thực hiện đến hết ngày 31.1.2021. 

NHI TRẦN


 
Liên kết hữu ích