Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Khi bệnh viện hết thuốc, thiếu thuốc, người tham gia BHYT tự mua thuốc bên ngoài và được BHYT thanh toán lại sẽ giảm gánh nặng cho bệnh nhân.
Mẹ tôi năm nay đã gần 80 tuổi, là người tham gia BHYT theo hộ gia đình hơn chục năm nay tại BV đa khoa Quảng Ngãi.
Hơn năm năm qua, mẹ tôi mắc bệnh viêm gan siêu vi B mạn tính, huyết áp cao… nên hằng tháng phải đến BV điều trị, tái khám theo chỉ định của bác sĩ.
Thế nhưng mấy tháng trước đây, mỗi lần tái khám thì BV chỉ cấp vài loại thuốc, một số loại thuốc đặc trị viêm gan mẹ tôi phải mua thuốc bên ngoài vì BV hết thuốc.
Có thể thấy đối với người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính hay bệnh nhân gặp khó khăn thì người tham gia BHYT có thẻ BHYT như là chiếc “phao cứu sinh” để họ có thể tiếp tục điều trị bệnh, chăm lo cho sức khỏe của mình.
Bác sĩ đang khám chữa bệnh cho bệnh nhân tại BV đa khoa Quảng Ngãi. (Ảnh do BV đa khoa Quảng Ngãi cung cấp)
Việc BV liên tục thông báo hết thuốc, khiến người tham gia BHYT phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mua thuốc bên ngoài có thể nói là một gánh nặng cho họ.
Mới đây, Bộ Y tế có dự thảo thông tư quy định thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh tham gia BHYT phải mua bên ngoài khi BV không cung ứng thuốc, vật tư y tế, có thể thấy đây là một tin vui đối với nhiều bệnh nhân. Bởi lẽ một khi người dân đã tham gia BHYT thì điều đó cũng đồng nghĩa là các cơ sở KCB cần phải cung ứng, đảm bảo cấp phát thuốc đầy đủ cho người bệnh. Khi BV hết thuốc, thiếu thuốc BHYT, việc thanh toán lại cho bệnh nhân tự mua thuốc theo danh mục cũng là việc làm phù hợp.
Tuy nhiên, để người bệnh có thẻ BHYT thuận tiện hơn trong việc thanh toán lại các chi phí khi mua thuốc bên ngoài, Bộ Y tế cần có những quy định, hướng dẫn cụ thể. Tránh trường hợp người bệnh bỏ chi phí mua thuốc bên ngoài nhưng sau đó không được thanh toán hoặc bị gây khó dễ. Đặc biệt, tránh trường hợp bệnh nhân mua các loại thuốc đặc trị bên ngoài nhưng không đảm bảo an toàn.
Nguồn PLO