Theo dõi Báo Tây Ninh trên
10 tháng mùa đông trong năm, tình trạng thiếu oxy ảnh hưởng đến sức khoẻ không thể cản trở thầy giáo 37 tuổi gắn bó với học sinh ở nơi đặc biệt nhất thế giới.
Nằm cheo leo ở Puma Jiantang, Tây Tạng, ngôi trường tiểu học có độ cao 5.373 mét so với mặt nước biển, cao hơn cả điểm cắm trại Base Camp, nơi những nhà leo núi dừng chân trên chặng chinh phục đỉnh Everest, theo Next Shark ngày 29.5.
Điều gây ngạc nhiên cho mọi người là có một trường tiểu học tồn tại ở đó và có những người chấp nhận hy sinh cuộc sống bình thường để dạy học trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Thầy Qimei Ciren, 37 tuổi, đã công tác tại trường 5 năm, trong đó 2 năm gần đây là hiệu trưởng. Chấp nhận công việc ở ngôi trường cao nhất thế giới đồng nghĩa anh phải đối mặt với tình trạng da đỏ ửng và viêm khớp do nhiệt độ trung bình trong năm là -5 độ C.
Việc thiếu oxy gây ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả não và con người lão hoá rất nhanh.
Qimei Ciren từ chối nhiều cơ hội tốt để trở thành giáo viên ở ngôi trường cao nhất thế giới. |
"Sau khi tốt nghiệp, tôi có cơ hội ở lại trường làm việc hoặc trở thành nhà báo, nhưng tôi ước mơ trở thành giáo viên và không thể từ chối khi có cơ hội", Ciren chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với South China Morning Post.
Mùa đông nơi đây kéo dài 10 tháng và trong hai tháng mùa hè ít ỏi, đôi khi tuyết vẫn rơi. Ngày ngày, Ciren thức dậy lúc 7 giờ 30 vào mùa hè và 9 giờ vào mùa đông do thời tiết quá lạnh, đánh thức những đứa trẻ say ngủ trong ký túc xá, đảm bảo chúng vệ sinh sạch sẽ, ăn sáng cùng nhau, thậm chí dọn dẹp chỗ ở và giặt quần áo cho chúng. 9 giờ tối, anh đi kiểm tra xem học sinh đã lên giường hay chưa.
Sở dĩ giáo viên ở ngôi trường cao nhất thế giới kiêm vai trò chăm sóc học sinh là bởi nhiều phụ huynh chỉ đến thăm con một lần mỗi học kỳ. Họ sống trong các bãi chăn thả gia súc ở nơi cao hơn.
Ciren thừa nhận khí hậu khắc nghiệt và việc thiếu giáo viên so với khối lượng công việc gây ra nhiều khó khăn. Một số giáo viên không có bằng cấp giáo dục, khả năng của họ cần được cải thiện rất nhiều.
Năm ngoái, trường được chính phủ tài trợ một nhà kính. Đây không chỉ là nơi trồng rau mà còn là nơi dạy học sinh về giá trị của lao động. Thực phẩm xanh được tạo ra bởi chính bàn tay con người phục vụ phần nào nhu cầu dinh dưỡng của cả học sinh và giáo viên. Mùa hè, họ thu hoạch 7-8 loại rau, mùa đông 3-4 loại.
Một nhà hảo tâm xây dựng phòng đọc sách cho trường. Ciren chọn ngày mở cửa là thứ tư và thứ năm hàng tuần. Bên cạnh đó, trường cũng tổ chức các hoạt động ngoại khoá bao gồm viết thư pháp, vẽ tranh và đá bóng. Văn hoá Tây Tạng được chú trọng gìn giữ ở đây, bao gồm khoá học tiếng Tây Tạng, một số lớp khoa học và đạo đức cũng giảng bằng ngôn ngữ này.
"Đôi khi tôi nghĩ đến việc từ bỏ vào cuối mỗi tháng 12, khi trời bão tuyết. Tôi nhớ gia đình, muốn quay về khi những cơn gió rít lên ngoài trời. Năm 2012, tôi từng viết trên mạng xã hội: "Gió mùa xuân không bao giờ thổi qua khuôn viên trường, những học sinh chưa từng được nhìn thấy hoa đào, những ngày mùa đông băng giá kéo dài và mùa hè nóng nực là những gì chúng tôi mong đợi. Những đứa trẻ nơi đây chính là niềm hy vọng của tôi.
Tôi đã ở lại vì nhìn thấy nhiều giáo viên rời đi, trong khi công việc ở đây còn quá nhiều. Tôi cũng không nỡ bỏ lại học sinh. Nếu tôi đi rồi, liệu trường có giữ được những giáo viên cũng yêu chúng như tôi từng yêu? Tôi ở lại vì lo lắng điều đó", Ciren trăn trở.
Tuy nhiên, mối đe dọa đối với sự phát triển thể chất của học sinh và sức khoẻ của giáo viên sẽ không kéo dài. Các nhà chức trách xác nhận trường sẽ chuyển tới Nagarze trong năm nay, nơi có vị trí thấp hơn.
Theo VNExpress