Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Người tiêu dùng không nên “quay lưng” với thịt trâu, bò sạch 

Cập nhật ngày: 04/09/2021 - 00:19

BTN - Virus bệnh viêm da nổi cục không gây bệnh trên người và không lây lan sang người, vì vậy, việc người tiêu dùng tẩy chay, quay lưng với thịt trâu, bò là không cần thiết.

Một quầy kinh doanh thịt heo tại ấp Bình Long, xã Thái Bình, huyện Châu Thành.

Gần 2 tháng nay, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xuất hiện và bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh khiến người chăn nuôi lao đao, còn người tiêu dùng e ngại, không dám sử dụng thịt trâu, bò.

Ðiều này khiến cho hàng loạt quầy hàng bán thịt trâu, bò tại các chợ dân sinh rơi vào tình trạng ế ẩm, nhiều tiểu thương phải đóng sạp hoặc chuyển đổi sang bán thịt heo và các mặt hàng khác.

Người tiêu dùng lo lắng

Dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò diễn biến phức tạp, lan rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh làm không ít người lo lắng, không dám sử dụng thịt trâu, bò trong bữa ăn vì sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ của bản thân và gia đình.

Bà N.T.L, ngụ ấp Bình Long, xã Thái Bình, huyện Châu Thành cho biết, trước đây, thịt bò là một trong những thực phẩm chính thường góp mặt trong các bữa ăn của gia đình. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều trường hợp bò nuôi tại địa phương mắc bệnh viêm da nổi cục, khiến bà lo sợ sẽ bị lây bệnh khi ăn phải thịt bò mắc bệnh.

“Cứ nhìn thấy những con bò mắc bệnh, trên da nổi u cục sần sùi là tôi rùng mình rồi, nên gia đình quyết định tạm ngưng ăn thịt bò một thời gian, đổi sang các món khác cho an toàn”- một bà nội trợ tại phường 1, thành phố Tây Ninh cho hay.

Theo chị Thảo, ngụ khu phố 4, thị trấn Châu Thành, dù có thông tin dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò không lây bệnh sang người, nhưng chị vẫn chọn món thịt khác thay thế cho thịt bò. “Lây hay không lây thì chưa biết, nhưng tôi nghĩ nếu trâu, bò nhiễm bệnh thì người ăn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, vì vậy, cứ không ăn cho chắc”- chị Thảo chia sẻ.

Nhiều tiểu thương kinh doanh thịt trâu, bò ế ẩm, phải đóng cửa hoặc chuyển qua kinh doanh mặt hàng khác. Bà T.H, một tiểu thương kinh doanh thịt heo tại khu vực chợ chiều thuộc khu phố 2, thị trấn Châu Thành cho hay, trước đây bà kinh doanh thịt bò, mỗi ngày bán khoảng 100kg. Khoảng một tháng nay, dịch viêm da nổi cục bùng phát ở nhiều địa phương trong tỉnh, khiến người dân lo ngại, không dám mua thịt bò về ăn. Quá ế ẩm, bà H quyết định tạm nghỉ bán thịt bò, chuyển sang kinh doanh thịt heo.

Một hộ kinh doanh thịt bò tại ấp Bình Long, xã Thái Bình cho biết, không chỉ người dân mà ngay cả những tiểu thương bán thịt cũng cảm thấy lo lắng. Tuy thịt bò được bày bán ở đây đã qua kiểm dịch tại các lò mổ, nhưng tâm lý nhiều người vẫn e ngại, không dám sử dụng.

Không nên “quay lưng” với thịt trâu, bò sạch

Ông Nguyễn Thành Thúc- Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, bệnh viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do một loại virus thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Virus này không gây bệnh trên người và không lây lan sang người, vì vậy, việc người tiêu dùng tẩy chay, quay lưng với thịt trâu, bò là không cần thiết.

Trên địa bàn tỉnh có 17 cơ sở giết mổ trâu, bò với công suất 111 con/ngày. Hoạt động giết mổ tập trung thường xuyên có cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát; tổ chức tiêu độc khử trùng định kỳ, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tỉnh cũng rà soát, lập danh sách và cách ly điều trị đối với số trâu, bò phát hiện mắc bệnh của các hộ chăn nuôi trong tỉnh. Các địa phương yêu cầu hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ cam kết không vận chuyển trâu, bò ra khỏi vùng dịch; không giết mổ trâu, bò nhiễm bệnh.

Ông Thúc khuyến cáo, người dân cần thực hiện ăn chín, uống sôi, sử dụng các sản phẩm thịt bò rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu kiểm dịch, phiếu kiểm dịch; khi mua cần kiểm tra kỹ các dấu hiệu trên thịt như: màu sắc, mùi, độ săn chắc, độ bám dính tự nhiên, không thấy nhớt và ướt nước khi ấn vào thịt, không có mùi hôi.

Minh Dương