Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Người trẻ cùng góp sức giữ gìn điệu múa trống Chhay-dăm
Thứ bảy: 06:18 ngày 11/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tại ngày hội, điệu múa được đội múa trống Chhay-dăm ấp Xóm Tháp, xã Tân Phong, huyện Tân Biên do những cô, cậu bé Khmer vượt hàng chục cây số về thành phố Tây Ninh biểu diễn.

Ðội múa trống thiếu nhi ấp Xóm Tháp biểu diễn.

Tiếng trống Chhay-dăm rộn rã, có nét hùng hồn cùng với động tác gọn gàng, dứt khoát… Tuy chưa thật điêu luyện nhưng đã tạo nên sự thích thú, khiến nhiều người dừng lại tham quan gian trưng bày văn hoá dân tộc huyện Tân Biên tại Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc thiểu số tỉnh Tây Ninh, tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua.

Tại ngày hội, điệu múa được đội múa trống Chhay-dăm ấp Xóm Tháp, xã Tân Phong, huyện Tân Biên do những cô, cậu bé Khmer vượt hàng chục cây số về thành phố Tây Ninh biểu diễn.

Múa trống Chhay-dăm-nét văn hoá đặc sắc

Với các em, niềm vui này rất lớn vì ngoài giao lưu, học hỏi với các địa phương, đây còn là cơ hội thể hiện và quảng bá để mọi người biết đếncộng đồng dân tộc Khmer tại ấp Xóm Tháp.

Anh Cao Văn Sa Kha, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer tại ấp Xóm Tháp cho biết, đội trống được thành lập 3 năm nay. Cách đây khá lâu, tại địa phương từng có đội múa trống nhưng hoạt động không nhiều. Sau này, đội trống được thành lập mới với sự hỗ trợ của địa phương nhằm góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Ấp Xóm Tháp có 85 hộ dân tộc Khmer, hơn 200 nhân khẩu với nhiều người trẻ tuổi. Thời gian qua, các cấp chính quyền, các ngành đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, giữ gìn phát huy giá trị văn hoá dân tộc. Tại ấp, Nhà văn hoá dân tộc Khmer được khánh thành vào đầu năm nay, trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng trong các dịp lễ tết như Chol Chnam Thmay, Sen Dolta…

Vào những ngày này, tiết mục múa trống Chhay-dăm góp phần tăng thêm sự vui tươi, thu hút đông đảo người dân tham gia. Theo anh Sa Kha, những người trẻ tuổi tại địa phương rất quan tâm và tích cực tham gia vào việc giữ gìn bản sắc văn hoá. “Các em luôn tích cực tập luyện khi có yêu cầu vì muốn lan toả những nét văn hoá đặc sắc của dân tộc mình ra cộng đồng”- anh Sa Kha nói.

Anh Sa Kha với các thành viên đội trống Chhay-dăm tham gia ngày hội VH,TT&DL các dân tộc thiểu số tỉnh.

Phát triển văn hoá từ thế hệ trẻ

Ấp Xóm Tháp, một chiều tháng 5, sau giờ tan học, các cô cậu bé lại chạy đến sân Nhà văn hoá dân tộc Khmer để vui chơi. Trong đó, có không ít các bạn nhỏ là thành viên đội múa trống Chhay-dăm. Từ đầu năm 2024 đến nay, nơi đây là điểm vui chơi quen thuộc của các em nhỏ khu vực đồng bào Khmer.

Cao Chanh Hưởng, 13 tuổi, hồn nhiên chia sẻ: “Con tham gia đội trống đã 3 năm rồi, đến nay con đã múa tự tin hơn rất nhiều. Con rất vui mừng khi được đi biểu diễn”.

Khi bắt đầu đến với múa trống Chhay-dăm, cậu bé 10 tuổi khi đó không biết mình sẽ trải qua những khó khăn với các cơn đau gối, cùi chỏ hay những cú nhào lộn ê ẩm. Nhưng với niềm yêu thích múa trống, không bao lâu em đã vượt qua được những cơn đau và tiếp tập luyện. Ðến nay, Chanh Hưởng múa trống ngày càng thành thục hơn, không còn thấy đau khi thực hiện động tác nhào lộn. Tham gia đội trống, Chanh Hưởng nhiều lần đi biểu diễn, xa nhất là ở thành phố Tây Ninh, với một cậu bé sống ở vùng xa như em đó là một trải nghiệm rất vui.

Vào các dịp chuẩn bị lễ, tết, sau giờ học, Chanh Hưởng có thêm việc là tập trống. Dần dần em đã nuôi dưỡng cho mình niềm mê thích trống. Cậu bé đã góp phần gìn giữ và lan toả văn hoá dân tộc mình qua điệu múa trống. “Bây giờ, mỗi lần nghe thông báo tập trống để biểu diễn là con nôn nao, vui lắm”- Chanh Hưởng hồn nhiên chia sẻ.

Ở một góc khác, Cao Thanh Lắm, 12 tuổi, có chút ngại ngùng khi nói chuyện với người lạ. Lắm cho biết, dù khá ngại đám đông vì tính tình hơi nhút nhát nhưng những lúc cùng đội biểu diễn múa trống Chhay-dăm, em cảm thấy mình mạnh dạn hơn rất nhiều.

Lắm gia nhập đội trống trễ hơn các bạn 1 năm và sau vài lần kiểm tra em được chọn làm người đánh chiêng. Lắm luôn thấy hài lòng, tự tin về vị trí của mình trong đội.

Cậu bé cho biết, mình rất thích xem các điệu múa dân tộc và thường xem trên YouTube. Mẹ em từng chia sẻ thêm về điệu múa Apsara, ngặt nỗi, vì là con trai nên Lắm không thể theo được. Ðược chọn vào đội trống dân tộc, em rất vui vì được tham gia biểu diễn múa trống cùng với các bạn trong đội.

Anh Hòa hướng dẫn các em tập luyện.

Người thắp lửa tình yêu điệu múa dân tộc

Ba năm trước, khi địa phương thành lập đội trống, anh Cao Văn Thanh Hoà, 27 tuổi, được tin tưởng chọn làm người hướng dẫn tập luyện. Anh Hoà hiện là công an viên xã Tân Phong.

Từ ngày còn nhỏ, thỉnh thoảng thấy ba mình tập các động tác múa trống, niềm yêu thích với bộ môn này đã nhen nhóm trong anh. Nhưng khi ấy anh không có dịp và điều kiện để tìm hiểu. Rồi cơ duyên đến, đấy là những ngày anh học tại Trường PTDT Nội trú tỉnh Tây Ninh. Anh Hoà nhớ lại, lúc đó trường thành lập đội trống để đi giao lưu tại Cần Thơ, anh tham gia tập luyện. Ðây là lần đầu anh được đi xa đến vậy. “Lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự tự hào khi góp phần truyền tải nét đẹp của văn hoá dân tộc mình ra cộng đồng. Ðến giờ cảm giác vẫn vậy, mỗi khi nghe tiếng trống tôi lại có cảm giác rộn ràng, vui tươi lắm”.

Với “vốn liếng” học được ở trường, anh Hoà tự tin nhận nhiệm vụ hướng dẫn các thành viên đội trống. Theo anh Hoà, múa trống có nhiều kỹ thuật. Ngoài kỹ thuật từng tập từ đội 4, anh Hoà còn học thêm các kỹ thuật khác trên mạng và ở những người có kinh nghiệm. Anh Hoà chia sẻ: “Có thể kỹ thuật của tôi chưa hoàn hảo để múa chuyên nghiệp. Nhưng tôi nghĩ trước mắt mình có thể dạy các em để góp phần gìn giữ và phát huy nghệ thuật múa trống Chhay-dăm”. Anh Hoà rất muốn được đi học thêm những kỹ thuật khác để có thể hoàn chỉnh điệu múa.

Ðội trống Chhay-dăm ấp Xóm Tháp hiện có 8 thành viên chủ chốt với 6 trống, 1 chiêng, 1 chập chả, thường xuyên tập luyện và biểu diễn trong các dịp lễ, tết ở cộng đồng dân cư hay địa phương. Anh Hoà cho biết, khi thành lập đội trống, anh cùng già làng phải đi vận động, tuyển chọn những người có khiếu rồi đào tạo. Anh Hoà còn phải thường xuyên đến gia đình các em để vận động phụ huynh yên tâm cho các em tập luyện.

Hiện thành viên chủ chốt của đội là các em lứa tuổi học sinh THCS. Biết việc học rất quan trọng, anh Hoà sau khi hướng dẫn múa trống thường động viên các em cố gắng học tập, nhất là sau mỗi dịp tập trung biểu diễn.

Ðể những điệu múa ngày thêm hoàn thiện, anh Hoà không ngừng học hỏi. Sau mỗi kỳ biểu diễn tại các đợt sinh hoạt văn hoá cộng đồng, anh lại lắng nghe góp ý từ các bậc cha chú để rút ra bài học kinh nghiệm và hướng dẫn lại cho các bạn trẻ. Anh Hoà không giấu được niềm vui: “Từ ngày có đội trống, các dịp lễ hội đông vui hơn vì có nhiều người dân đến xem các bạn trẻ tập luyện, biểu diễn. Qua đó, sẽ có thêm nhiều người quan tâm, muốn tìm hiểu về văn hoá địa phương”.

Nhiều năm gắn bó với việc dạy múa trống Chhay-dăm, anh Hoà ngày càng đam mê và quyết tâm gìn giữ, phát huy nét văn hoá đặc sắc này. Anh chia sẻ: “Một khi đã đam mê thì ai cũng mong muốn ngày càng đạt được thành tích cao hơn. Nhìn tấm gương của các nghệ nhân, tôi càng có thêm động lực để trau dồi, học tập, truyền dạy các điệu múa truyền thống của dân tộc”.

Vi Xuân

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh