Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo các chuyên gia y tế, tình trạng mất ngủ hay còn gọi rối loạn giấc ngủ (RLGN) ngày càng phổ biến và có xu hướng gia tăng ở người trẻ (từ 18 đến 30 tuổi). Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do áp lực cuộc sống, lo âu và nếu không chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nguy hiểm.
1.001 nguyên nhân
Tại phòng khám Bệnh viện (BV) Đại học Y dược 1, chị N.T.N. (45 tuổi, ngụ tại Bình Dương) thở dài kể: “Con gái tôi mới 23 tuổi nhưng bị mất ngủ từ 5 tháng qua. Cứ tối đến là trằn trọc không ngủ được. Bác sĩ chẩn đoán cháu mất ngủ do mắc phải hội chứng rối loạn lo âu. Nguyên nhân gây ra hội chứng này là do người bệnh thường xuyên lo sợ điều xấu sẽ xảy ra bất chợt với mình”.
Khác với cô gái này, em N.T.L (16 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh, TPHCM) bị mất ngủ 3 tháng nay vì áp lực trong học tập. Việc học khiến em mệt mỏi. Suốt ngày vì muốn có điểm cao nên lao vào học, em bị áp lực về điểm số. Nhưng cứ áp lực là điểm lại càng thấp, điểm thấp em lại lo lắng; từ đó đêm nằm không ngủ được.
Mô tả ảnh
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Minh Khuyên, chuyên khoa Tâm thần kinh trị liệu, Phòng khám Đại học Y dược 1, việc thay đổi giấc ngủ sinh lý liên tục cũng gây mất ngủ ở người trẻ tuổi. Có nhiều nguyên nhân để dẫn đến việc thay đổi giấc ngủ sinh lý như bản chất công việc, chơi game… Ví dụ các bạn trẻ thức đêm chơi game, nếu việc này lặp đi lặp lại sẽ làm cho đồng hồ sinh học của các bạn bị thay đổi. Nếu có ngủ lại vào ban ngày thì giấc ngủ cũng chập chờn, ngủ không sâu giấc. Lâu dần, các bạn bị mất ngủ.
“Tình trạng RLGN ở người trẻ tuổi hiện nay chủ yếu do mắc phải hội chứng rối loạn lo âu và stress. Ngoài ra, người bệnh có thể bị mất ngủ do tâm thần phân liệt, dùng các chất kích thích, nghiện game hoặc mắc các bệnh lý khác. Việc sử dụng chất gây nghiện sẽ dẫn đến tình trạng loạn thần, gây RLGN ở giới trẻ”, bác sĩ Trần Minh Khuyên cho hay.
Cẩn trọng với thuốc
Các bác sĩ chuyên khoa tâm thần cho biết, với một người trưởng thành, mỗi đêm cần từ 7 - 8 giờ để ngủ. Khi bị chứng mất ngủ sẽ phát sinh nhiều hệ lụy khác, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, hiệu quả công việc. Người mất ngủ, ngoài việc giảm sút sức khỏe còn thường xuyên cáu gắt với những người xung quanh, làm việc không hiệu quả... Ngoài ra, mất ngủ kéo dài có thể làm tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Hiện một số người bị chứng mất ngủ, khó ngủ đã tự ra tiệm thuốc tây để mua thuốc ngủ, thuốc an thần. Theo các chuyên gia y tế, việc tự ý dùng thuốc như vậy sẽ làm cơ thể lệ thuộc vào thuốc, nếu không uống sẽ không ngủ được. Nếu tự ý dùng thuốc trong thời gian dài, người bệnh sẽ lạm dụng thuốc, mất tập trung, mệt mỏi hoặc rối loạn tâm thần. Vì vậy, khi sử dụng các loại thuốc trên thì phải có sự chỉ định của bác sĩ.
Thậm chí, nhiều trường hợp người bệnh RLGN cho rằng, việc uống rượu bia sẽ dễ ngủ, chữa được bệnh mất ngủ. Thế nhưng, theo các bác sĩ, việc lạm dụng rượu bia để dễ ngủ là sai. Khi sử dụng liên tục và kéo dài sẽ khiến cơ thể trở nên nghiện rượu, ngủ không sâu, sau khi dậy sẽ mệt mỏi, đau đầu.
BS Trần Minh Khuyên tư vấn: “Để điều trị RLGN, chúng ta cần thay đổi thói quen sinh hoạt hợp lý để cơ thể tự điều chỉnh. RLGN được chữa trị bằng cách hướng dẫn cho bệnh nhân tự điều tiết và cân bằng cơ thể để có lại được giấc ngủ sinh lý. Trường hợp không tự điều tiết được thì mới dùng đến thảo dược và cuối cùng bệnh nặng mới bắt buộc dùng tân dược. Để tự điều tiết cơ thể, người bệnh nên tập thói quen ngủ sớm; trước khi ngủ cần giải phóng căng thẳng, áp lực. Trường hợp mất ngủ do stress, chúng ta có thể khắc phục bệnh bằng cách thư giãn trước khi ngủ như nghe nhạc, ngừng suy nghĩ, thư giãn cơ thể”.
Theo thống kê tại BV Đại học Y Dược TPHCM, mỗi ngày BV tiếp nhận 15 - 17 bệnh nhân tới khám, điều trị bệnh mất ngủ. Còn đối với Trung tâm Y tế Medic Hòa Hảo, mỗi tháng phòng khám chuyên khoa mất ngủ này tiếp nhận 500 - 600 bệnh nhân.
Nguồn SGGPO