BAOTAYNINH.VN trên Google News

Người trí thức yêu nước hy sinh trong những ngày đầu kháng Pháp

Cập nhật ngày: 17/08/2010 - 09:54

Kể từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam- dưới ánh sáng của Đảng đến Cách mạng Tháng Tám, tại Tây Ninh, rất nhiều trí thức yêu nước nghe theo tiếng gọi của Mặt trận Việt Minh tham gia cướp chính quyền, giành độc lập. Trong số những trí thức đó, có người sau này trở thành lãnh đạo tỉnh như ông Phan Văn, ông Dương Minh Châu… và cũng có người đã ngã xuống ngay trong những ngày đầu thực dân Pháp quay trở lại đánh chiếm Nam bộ lần thứ hai, đó là ông Lê Văn Cho – Trưởng đồn Thuỷ lâm Tây Ninh, đóng tại Bến Kéo.

65 năm đã trôi qua, ông Lê Việt Hùng (tên thật là Lê Văn Danh, nguyên Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Tư pháp Tây Ninh) vẫn nhớ như in ngày ông cùng một người chị, nước mắt lưng tròng, quẫy mạnh tay chèo dọc theo sông Vàm Cỏ Đông để tìm xác cha mình. Ông kể, trước Cách mạng Tháng Tám, cha ông làm Trưởng trạm Thuỷ lâm đóng ở làng Trường Hoà cũ (bây giờ là xã Trường Đông), tính tình hiền lành, hay giúp người nên được nhân dân vùng này gọi là ông Vệ Cho. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Mặt trận Việt Minh giành chính quyền, ông tình nguyện tiếp tục tham gia công tác thuỷ lâm và được bổ nhiệm là Trưởng đồn Thuỷ lâm tỉnh, đóng tại Bến Kéo. 

Ông Lê Việt Hùng (Lê Văn Danh) hồi tưởng lại những ngày lặn lội đi tìm xác cha

Ông Danh hồi tưởng: “Khi ấy, tôi mới 17 tuổi, làm công nhân đứng máy tiện của xưởng cơ khí ở Hãng đường Thanh Điền. Khi Nhật đảo chính Pháp, công nhân Hãng đường Thanh Điền nổi dậy, tham gia phong trào cướp chính quyền. Lúc này, xưởng cơ khí của Hãng đường ngày đêm làm việc, rèn giáo mác, súng gươm để trang bị cho lực lượng võ trang khởi nghĩa, chúng tôi hầu như ăn ngủ tại nơi làm việc. Cha tôi đi làm xa, đóng chốt tận mạn Bến Kéo, vì thế cha con tôi cũng ít có thời gian gần gũi.

Cha tôi hy sinh vào ngày 8.11.1945. Vào thời điểm này, giặc Pháp từ Sài Gòn lên, từ Campuchia sang, hợp quân tại Gò Dầu, theo quốc lộ 22, tiến về phía mặt trận Bến Kéo. Một người cùng làm với cha tôi kể lại, hôm đó ông cưỡi ngựa đi kiểm tra rừng như lệ thường, ông mặc bộ kaki đen của ngành thuỷ lâm. Vừa rời khỏi đồn được một quãng thì gặp hàng đoàn xe chở binh lính Pháp ào tới. Thấy cha tôi mặc bộ đồ kaki, nai nịt gọn gàng, lại cưỡi ngựa, mang gươm, bọn lính Pháp reo mừng vì cứ tưởng là bắt được chỉ huy Việt Minh. Trước khi bị giải đi, ông còn gởi con ngựa lại cho người quen.

Thừa lúc chúng sơ ý, ông vụt chạy vào bìa rừng nhưng không thoát. Giặc Pháp nã đạn như mưa, ông ngã xuống. Tàn bạo hơn, sau khi bắn chết cha tôi, chúng mang xác ông thả xuống cầu tàu Bến Kéo.

Mãi đến chiều tối, tôi mới hay tin ông hy sinh, tôi từ Thanh Điền hộc tốc chạy về nhà. Sáng hôm sau, tôi cùng người chị chèo ghe dọc theo sông Vàm Cỏ Đông để tìm xác ông. Suốt một ngày trời tìm kiếm trong nước mắt và hận thù, không thấy xác ông đâu.

Đến sáng ngày 10.11, chị em tôi tìm thấy xác ông vướng vào một bụi dừa nước ở mạn Rạch Rể Dưới, đối diện với Trạm Thuỷ lâm ở làng Trường Hoà (nơi ông từng làm việc trước kia)".

Sử sách Tây Ninh ghi lại rằng: Ngày 8.11.1945, được tin quân Pháp tấn công theo hai hướng Sài Gòn lên và từ Campuchia sang, hợp điểm tại Gò Dầu rồi theo quốc lộ 22 tiến đánh Thị xã, Tỉnh uỷ Tây Ninh chỉ đạo các LLVT tỉnh nhanh chóng di chuyển đến Mặt trận Bến Kéo.

Đoàn xe cơ giới của Pháp từ Sài Gòn lên đến Suối Sâu thì gặp các chướng ngại vật của mặt trận Suối Sâu – phòng tuyến được thiết lập theo kiểu hình nanh sấu. Quân Pháp dùng xe tăng đi đầu ủi phá các chướng ngại vật, LLVT cách mạng ném lựu đạn, chai xăng và bắn nhiều phát súng trường, tên ná vào địch. Đây là những phát súng đầu tiên mở màn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai ở Tây Ninh. Tuy nhiên, do lực lượng cách mạng trang bị thô sơ lại thiếu kinh nghiệm chiến trường nên mặt trận Suối Sâu bị vỡ, giặc Pháp vượt qua Trảng Bàng lên Trâm Vàng.

Tại Trâm Vàng (Gò Dầu), LLVT địa phương phục kích đốt cháy mủ cao su ngăn đường nhằm chặn bước tiến của địch. Quân ta dùng trung liên bắn chết tên lái xe và vài tên địch, xe bị lật nhưng đoàn xe địch vẫn vượt qua phòng tuyến chạy đến thị trấn Gò Dầu thì dừng lại chờ cánh quân hợp điểm tại đây, sắp xếp lại đội hình cùng theo quốc lộ 22 lên Thị xã.

Đoàn xe cơ giới của Pháp gồm 75 chiếc, trong đó có 2 xe tăng đi đầu và 73 chiếc GMC chở đầy lính nối đuôi nhau đến phía dưới khu rừng Bến Kéo, gặp chướng ngại vật gồm những cây to do lực lượng cách mạng đốn ngã để ngăn đường. Chúng phải dùng xe ủi phá mở đường. Đến khoảng 10 giờ, đoàn xe địch tiến vào mặt trận Bến Kéo. Tại đây, LLVT của ta chiến đấu rất dũng cảm, bắn chết nhiều địch nhưng quân Pháp vẫn phá vỡ được phòng tuyến Bến Kéo.

Sau khi phòng tuyến Bến Kéo bị vỡ, LLVT tỉnh rút ra vùng Tà Hụp, xã Thanh Điền, các cơ quan lãnh đạo của tỉnh cũng rút ra vùng nông thôn, vừa để bảo toàn lực lượng tránh mũi nhọn truy diệt của địch, vừa để chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến tiếp theo. Uỷ ban hành chính rút ra vùng Suối Đá rồi qua vùng Núi Cậu cặp sông Sài Gòn. Vào đầu năm 1946, UB kháng chiến được thành lập theo chủ trương của trên, rút xuống Bàu Đồn, qua Bến Củi. Cơ quan tuyên truyền tỉnh rút xuống vùng Trảng Bàng. Một bộ phận của Quốc gia tự vệ cuộc rút qua vùng Bến Cầu.

Mãi lo tang cha, Pháp lại đánh chiếm Thị xã, ông Danh hoàn toàn mất liên lạc với anh em xưởng cơ khí vì lúc này họ đã chuyển máy móc vô chiến khu ở rừng Tầm Đinh, lập xưởng sản xuất vũ khí.

Thành Săn-đá, nơi đồn trú của quân Pháp tại Tây Ninh

“Dòng họ tôi thù Pháp đến tận xương tuỷ, đời ông cố tôi đã bị chúng bắt đày đi Côn Đảo, chết mất xác ngoài đó. Giờ đến cha tôi” – ông khẻ dằn hai cánh tay xuống bàn đá.

Gần 80 năm trước, ông Lê Văn Hùng - ông cố của ông Danh – một vị quan nhỏ của triều đình nhà Nguyễn, phẫn uất trước việc triều đình Huế cắt lục tỉnh Nam kỳ cho Pháp, ông tổ chức khởi nghĩa, đóng cứ dọc theo con suối ở vùng Truông Mít, Lộc Ninh (huyện Dương Minh Châu bây giờ), vì thế người dân khu vực này đặt tên là Suối Ông Hùng. Nghĩa quân trang bị thô sơ nên nhanh chóng bị giặc Pháp đàn áp, ông Hùng bị bắt giữ đưa về Gia Định rồi bị chúng đày đi Côn Đảo, mất tích luôn từ đó.

Tháng 3.1946, bắt liên lạc được với lực lượng của ta ở khu vực Xóm Hố, ông Danh tham gia Quốc gia tự vệ cuộc, rồi gia nhập Ban công tác thành của Bộ đội Hải ngoại số 1. Để giữ bí mật, ông lấy tên Lê Hùng Sơn, sau này bị lộ, ông lại đổi thành Lê Việt Hùng và giữ nguyên cái tên này cho đến ngày nay. Đến tháng 9.1948, Bộ tư lệnh Quân khu 7 củng cố và tăng cường quân số cho Bộ đội Hải ngoại số 1 để đi làm nghĩa vụ quốc tế giúp cách mạng Campuchia với cái tên mới là Bộ đội tình nguyện Si-vô-tha khu Đông Bắc Campuchia do Anh hùng – liệt sĩ Ngô Thất Sơn chỉ huy, hoạt động chủ yếu ở tỉnh Kampong Cham. Một người em cũng là đồng đội của ông Danh là Lê Văn Phận tham gia Bộ đội Si-vô-tha, hy sinh ngày 11.8.1952, tại Campuchia.

Sau hiệp định Genève, ông Lê Văn Danh tập kết ra Bắc, đến tháng 5.1958 thì được tin Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định công nhận liệt sĩ cho cha ông.

Đặng Hoàng Thái