Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Người trồng củ sắn “tắc” đầu ra 

Cập nhật ngày: 11/09/2021 - 20:40

BTNO - Hiện nay, nhiều diện tích sắn trên địa bàn hai huyện Tân Châu và Tân Biên đã đến kỳ thu hoạch nhưng chưa có nơi tiêu thụ. Chị V.A (ngụ xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu) cho biết, theo lời giới thiệu về hiệu quả kinh tế của một số người trồng củ sắn gần nhà, cách đây 5 tháng, chị thuê hơn 3 ha đất ở địa phương và xã Thạnh Bình (huyện Tân Biên) đầu tư trồng sắn.

Củ sắn được vận chuyển đi tiêu thụ “nhỏ giọt”.

“Từ khi trồng đến khi thu hoạch sắn là khoảng bốn tháng rưỡi. Trồng sắn không tốn nhiều vốn về cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, chi phí nhân công chăm sóc sắn lại cao. Bình quân, từ khi trồng đến khi thu hoạch, mỗi ha sắn tốn chi phí khoảng 80 triệu đồng”- chị V.A cho biết thêm.

Cũng theo chị V.A, do mới trồng lần đầu, chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên năng suất sắn ở rẫy của chị chỉ đạt từ 25-30 tấn/ha. Trong khi đó, những người trồng, chăm sóc sắn đúng kỹ thuật đạt năng suất từ 40-50 tấn/ha.

Nhân công thu hoạch củ sắn.

Vụ thu hoạch này, chị V.A và những người trồng sắn khác gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ do ảnh hưởng dịch Covid-19. “Thị trường tiêu thụ tại các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh bị ngừng trệ nên thương lái không đi thu mua sắn như mọi khi; nếu kéo dài thêm 1 tháng nữa, củ sắn sẽ già, chai sượng. Tôi phải thuê nhân công thu hoạch rồi bán lẻ qua mạng xã hội; có lúc bán cho các nhóm thiện nguyện với giá chỉ 3.000 đồng/kg”.

Trong khi đầu ra bị “tắc” thì việc thu hoạch, vận chuyển củ sắn lại gặp nhiều khó khăn do chi phí thuê xe tải, nhân công thu hoạch đều tăng. Nguyên nhân là nhiều người không dám ra đồng làm vì sợ lây Covid-19. Với hơn 3 ha sắn, chị V.A đã đầu tư khoảng 250 triệu đồng. Đến nay, chị chỉ mong có nơi tiêu thụ để thu hồi số vốn trên.

An Khang