Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Người trồng rau ngại đăng ký chứng nhận VietGAP
Thứ tư: 04:42 ngày 21/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để đạt được tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất rau màu, người nông dân phải bảo đảm thực hiện đạt nhiều chỉ tiêu với hàng chục xét nghiệm, đánh giá, lấy mẫu phân tích khác nhau... với chi phí cao. Quan trọng hơn cả là lợi nhuận từ việc sản xuất rau VietGAP hiện không cao hơn so với rau được sản xuất theo hướng thông thường.

kinhte1.JPG

Thu hoạch rau quả tại HTX RAT Long Mỹ, xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành.

VietGAP được xem là điều kiện để đưa nông sản Việt ra thị trường ngoài nước với giá bán cao hơn, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững. Tiêu chuẩn VietGAP chính thức được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành vào năm 2008. Tuy nhiên, cho đến nay, diện tích sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh còn thấp.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, khó khăn lớn nhất trong việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và đăng ký giấy chứng nhận VietGAP là triển khai quy hoạch vùng sản xuất ở các địa phương còn chậm, thậm chí, nhiều địa phương vẫn chưa quy hoạch được vùng sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, hoặc quy hoạch còn rất manh mún, nhỏ lẻ. Đến nay, toàn tỉnh chỉ có 69 ha sản xuất rau và 16 cơ sở đăng ký giấy chứng nhận VietGAP, nhưng phần lớn đã hết hạn và rất ít người sản xuất đi đăng ký lại.

Một HTX sản xuất rau an toàn trên địa bàn huyện Gò Dầu cho biết, mỗi giấy chứng nhận VietGAP có thời hạn 2 năm, chi phí đăng ký rất cao- khoảng 20-50 triệu đồng tuỳ theo quy mô sản xuất. Nếu không được sự đồng thuận của tất cả các thành viên tham gia sản xuất trong HTX, người đứng đầu HTX không thể tự đăng ký giấy chứng nhận VietGAP.

Để đạt được tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất rau màu, người nông dân phải bảo đảm thực hiện đạt nhiều chỉ tiêu với hàng chục xét nghiệm, đánh giá, lấy mẫu phân tích khác nhau... với chi phí cao. Quan trọng hơn cả là lợi nhuận từ việc sản xuất rau VietGAP hiện không cao hơn so với rau được sản xuất theo hướng thông thường. Điều này đã khiến người nông dân quay lưng lại với VietGAP.

Để tiếp tục triển khai thực hiện đề án sản xuất, sơ chế và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh năm 2018 đạt hiệu quả cao, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật  xây dựng kế hoạch phân bổ cho trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật các huyện, thành phố và đơn vị liên quan cùng triển khai thực hiện tổ chức tập huấn, tư vấn hướng dẫn nông dân thực hiện VietGAP, GlobalGAP; xây dựng các mô hình trình diễn giống, kỹ thuật sản xuất an toàn; triển khai mô hình trồng rau công nghệ cao, và nhân rộng trên địa bàn.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, việc hỗ trợ các dự án đầu tư vào sản xuất, sơ chế và tiêu thụ rau an toàn sẽ hình thành nên các chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, nâng cao giá trị cây rau, tăng thu nhập, lợi nhuận cho người sản xuất, bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm nông sản, bảo vệ môi trường nông nghiệp nông thôn. Phòng Trồng trọt thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ hỗ trợ sản xuất và chi phí chứng nhận VietGAP, GlobalGAP cho các điểm đã đăng ký năm 2017 với diện tích 100 ha.

Đồng thời, VietGAP hiện đang được thực hiện rộng rãi tại nhiều địa phương và hướng tới sẽ hoà nhập với GlobalGAP. Vì vậy, các ngành liên quan cần xác định lại những loại rau, quả nào ưu tiên để áp dụng VietGAP, sau đó sẽ phát triển sang các loại cây khác.

NHI TRẦN

Tin cùng chuyên mục