Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Người trồng xoài điêu đứng 

Cập nhật ngày: 08/06/2021 - 23:47

BTN - Dịch Covid- 19 bùng phát làm ảnh hưởng đến nhiều mặt kinh tế - xã hội. Nông dân liên tiếp gặp thua lỗ trong sản xuất. Không ít nông sản rơi vào cảnh rớt giá, ứ hàng vì đầu ra gặp khó khăn. Ở Tây Ninh, người trồng xoài đang "điêu đứng" vì giá xoài giảm sâu, khó tìm đầu ra

Anh Nhựt thu hoạch xoài.

Bỏ hàng chục tấn xoài tứ quý

Nhiều năm qua, Hợp tác xã (HTX) xoài tứ quý Thạnh Bắc, huyện Tân Biên nổi tiếng với sản phẩm xoài tứ quý. Loại xoài này chủ yếu được tiêu thụ ở các chợ và khu du lịch. Từ khi dịch Covid- 19 bùng phát, việc kinh doanh ở các chợ ế ẩm, người dân ít đi tham quan du lịch nên lượng xoài HTX bán ra giảm đáng kể.

Sáng 25.5, mưa như trút nước, nhưng 4 thành viên HTX vẫn dầm mưa thu hoạch xoài chở về địa điểm thu mua. Những trái xoài đạt chất lượng được chất thành đống, mở quạt máy thổi cho khô rồi đóng vào thùng giấy, chờ chuyển đi giao cho đầu mối.

Xoài chín vàng, hoặc bị thẹo vết, nứt nẻ bị vứt sang phần đất trống bên cạnh. Chị Võ Thị Nuôi- Chủ nhiệm HTX xoài tứ quý Thạnh Bắc giải thích: “Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, xoài ế ẩm quá. Bữa nay có người đặt mua 2 tấn, anh em mừng quá nên dầm mưa đi bẻ luôn”.

Theo lời chị Nuôi, những năm trước, thời điểm này, xoài của HTX không đủ cung ứng cho thị trường. Xoài bán về TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc, bình quân mỗi ngày bán được 4 - 5 tấn. Lúc cao điểm, giá bán ra từ 20.000- 25.000 đồng/kg.

Năm nay, dịch Covid- 19 bùng phát dữ dội, giá xoài sụt xuống chỉ còn 3.000- 4.000 đồng/kg. Dịch bệnh kéo dài, nhiều người bị lỗ, chán nản nên chuyển sang trồng cây khác. Tổng diện tích xoài của HTX vì thế cũng giảm, từ 22,4 ha xuống còn gần 17,9 ha.

Gia đình chị Nuôi có 4 ha xoài tứ quý, chỉ tính riêng 1,1 ha xoài gần đây, từ đầu mùa vụ đến nay chị đã bỏ hơn 7 tấn xoài chín, vì ít người mua. Mới đây, chị Nuôi ký được hợp đồng với một công ty ở Bình Dương với sức tiêu thụ dao động từ 100 - 200 kg/lần, cách một ngày bán cho công ty 1 lần.

Chị Nuôi bộc bạch: “Có người mua 50 hay 100kg tôi đều chịu khó chở xoài đi giao. Trong tỉnh và trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, tôi giao tận nơi, hy vọng giải quyết phần nào số lượng xoài đã thu hoạch cho bà con”.

Chị Nuôi còn dự định sang năm sẽ đầu tư chi phí xây một căn phòng dùng làm nơi sản xuất rượu xoài và mua máy về sản xuất xoài sấy khô, xoài sấy dẻo để bán lẻ cho các trường học. “Chưa biết có tiêu thụ được các sản phẩm mới này hay không, nhưng để xoài chín rụng đầy vườn, đau lòng quá”- chị Nuôi tâm sự.

Ông Nguyễn Thanh Hoà- một thành viên HTX xoài tứ quý Thạnh Bắc cho biết, trước đây, ông sang nhượng 2 ha đất vườn và thuê thêm 3 ha đất để trồng xoài tứ quý. Hai năm gần đây, do dịch Covid- 19, xoài tứ quý rớt giá thê thảm, ông bị lỗ nặng. Năm ngoái, gia đình ông bỏ khoảng 30 - 40 tấn xoài chín tại vườn.

Bị lỗ nặng, ông Hoà phải bán nhà để trả nợ, sau đó dọn đến ở nhờ trong khu nhà tập thể của công nhân cao su. Năm nay, vườn xoài của ông Hoà rụng hơn 10 tấn. Người nông dân này lắc đầu ngao ngán: “Ngoài việc nhờ HTX thu mua xoài, tôi phải lặn lội đi tìm thương lái để họ tiêu thụ giúp, nhưng không giải quyết được bao nhiêu”.

Xoài rụng đầy núi

Quần thể núi Bà Ðen được bao phủ bởi một màu xanh thẳm của cây trái. Trong đó có nhiều vườn cây ăn trái như xoài, chuối, mãng cầu… Khí hậu và thổ nhưỡng đặc trưng của núi rừng khiến các loại trái cây ở quần thể núi này nổi tiếng thơm, ngon.

Trên sườn núi Heo- nơi có nhiều vườn xoài trong quần thể núi Bà Ðen- mặt đất gần như được nhuộm một màu vàng của xoài chín rụng. Mỗi bước chân là có thể dẫm phải một trái xoài chín. Trên cành, nhiều trái khác to bằng bắp tay chín vàng, thòng xuống sát mặt đất mà không ai thèm hái.

Tìm cả buổi sáng tôi mới gặp được một gia đình đang thu hoạch xoài. Vừa vác 2 thùng xoài trên núi xuống tới đất, anh Lĩnh- chủ vườn xoài ở đây buồn bã kể, gia đình anh ở xã Cẩm Giang (huyện Gò Dầu) lên đây trồng được 1 ha xoài, những năm trước bán được giá, từ 10.000 - 11.000 đồng/kg.

Năm nay, tình hình dịch bệnh hết sức phức tạp, các vựa trái cây đóng cửa, không thu mua, vợ chồng anh đành tự tìm đầu ra. “Khoảng 4- 5 ngày tôi hái xoài một lần, mỗi lần chỉ từ 400- 500 kg, rồi chở về chợ Cẩm Giang, nhờ người chị bán lẻ với giá 4.000-5.000 đồng/kg. Những năm trước, trung bình mỗi vụ tôi thu hoạch được hơn 10 tấn, năm nay, đến thời điểm này đã gần cuối vụ mà chỉ thu hoạch được khoảng 4 tấn, chưa bằng phân nửa so với trước”- anh Lĩnh nói.

Trong Khu du lịch núi Bà Ðen có nhiều vườn xoài. Những năm trước, khi khách du lịch tham quan nhiều, chủ vườn chỉ cần hái xoài bày bán ven lối đi nội bộ trong Khu du lịch cũng có thu nhập. Năm nay, trên lối đi bên cổng phụ Khu du lịch, xoài chín rơi rụng khắp khu vực nhưng không ai thèm nhặt.

Anh Nhựt, ngụ phường Long Hoa (thị xã Hoà Thành) có 1 ha đất trồng xoài trong Khu du lịch, nhẩm tính, tiền thuê nhân công thu hoạch xoài 400.000 đồng/buổi, trong khi đó, giá bán ra chỉ có 3.000 - 4.000 đồng/kg.

Trừ chi phí thuê nhân công với số lượng xoài thu hoạch, hôm nay, chủ vườn này lỗ gần 100.000 đồng. “Biết bị lỗ nhưng vẫn ráng thu hoạch, vì nhìn thấy xoài rụng đầy vườn, xót ruột không chịu được”- anh Nhựt bộc bạch.

Anh Nhựt cho biết thêm, để vườn xoài có trái sum suê, trung bình mỗi năm anh đầu tư chi phí khoảng 20 triệu đồng. Nay gần cuối vụ, thu hoạch đợt xoài này nữa là anh bỏ luôn. Tính ra, từ đầu vụ tới nay, gia đình anh thu nhập từ bán xoài được hơn 3 triệu đồng.

Chưa tính tiền thuê công lao động và công sức của gia đình, anh bị lỗ gần 17 triệu đồng. Người nông dân này tâm sự, không chỉ riêng gia đình anh mà hầu hết nhà vườn khác trên núi đều thua lỗ. Những hộ dân có vườn xoài gần dưới chân núi ít tốn công bốc vác thì lỗ ít, những vườn xoài từ lưng chừng núi trở lên, hầu hết đều bỏ trắng, vì chi phí thuê nhân công thu hoạch và vác xuống tới đất nhiều hơn thu nhập từ việc bán xoài.

Dịch Covid- 19 vẫn diễn biến phức tạp, e rằng những người trồng cây ăn trái sẽ còn tiếp tục đối mặt với vô vàn khó khăn.

Ðại Dương