Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Người và việc: Đa đoan việc xóm làng
Thứ sáu: 09:17 ngày 09/10/2009

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chị đã là mẹ của ba đứa con, là bà nội của hai đứa cháu và hiện là chi hội trưởng chi hội phụ nữ ấp Phước An, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu.

Chị đã là mẹ của ba đứa con, là bà nội của hai đứa cháu và hiện là chi hội trưởng chi hội phụ nữ ấp Phước An, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu. Tính chị vốn hay cười hay nói, dù ánh mắt đôi lúc thoáng nét ưu tư.

Cái chết đột ngột của đứa con trai hai mươi bảy tuổi cuối năm 2008 khiến chị như rơi vào khoảng không, tưởng không đủ sức làm nổi bất cứ một việc gì. Chính lúc đó, tình cảm của bà con ấp Phước An vực chị dậy. Chẳng to lớn gì, chỉ là một buổi sáng, một phụ nữ trẻ ghé nhà đưa bó đậu đũa, chị tưởng người bán rau như mọi ngày nên đưa tiền thì người phụ nữ trẻ ấy vội vã: “Dạ, không phải đâu, đậu vườn nhà, em sang biếu chị, mà sao lâu quá chị Phụng không sang bên em sinh hoạt tổ phụ nữ?”. Còn hai bà già ở xóm bên, ngày thường hay la rầy nhưng hay tin con trai chị mất thì dìu nhau vượt mấy quãng đường sang ngồi khóc với chị. Rồi còn hai vợ chồng nhà bán mãng cầu, mỗi sáng mỗi chiều lầm lũi đi về trên con đê hồ Dầu Tiếng, tưởng có bao giờ nhìn thấy chị đâu nhưng chiều nọ lại tạt vào dúi vào tay chị bọc mãng cầu, bối rối: “Cái này không phải ế mà tụi tôi để dành cho chị”.

Người dân quê là vậy, có khi thô lỗ, cộc cằn nhưng chơn chất, thật thà và dạt dào tình cảm. Chính cái tình của người dân quê Phước An đã giúp chị đứng dậy sau những cú ngã của cuộc đời!

Cô giáo Phụng (tóc bím) đang dạy học.

Chị theo chồng về xóm ven hồ này từ  đầu năm chín mươi khi tóc còn thắt bím (lúc đó còn gọi là ấp B4, xã Phước Minh, năm  2005 mới nhập về ấp Phước An, xã Phước Ninh). Phước An nằm ven hồ Dầu Tiếng. Đa số người dân là Việt kiều Campuchia, sinh sống bằng nghề chài lưới, làm thuê làm mướn nên “nghèo sao mà nghèo!”. Nhà cửa lụp xụp, thưa thớt, từ đầu ấp đến cuối ấp chỉ có hai nhà vách ván lợp tôn, là nhà chị và nhà ông tổ trưởng. Trẻ con ở truồng chạy long nhong hoặc dầm nước mò cua bắt ốc. Vợ chồng chị trồng đậu phộng, đến mùa, thuê nhân công đến lặt đậu. Trong số người lặt đậu thuê, có vài đứa trẻ mười hai, mười ba, chị hỏi: “Mấy đứa học lớp mấy?”. Mấy đứa nhỏ thẹn thùng: “Chưa học lớp nào!”- “Vậy làm sao biết chữ?” “Thì…đâu có biết chữ!”- “?!?!” Sau một đêm suy nghĩ, bàn bạc với chồng, chị lại tỉ tê với tụi nhỏ: “mấy em có muốn học chữ không, nếu muốn thì chiều ăn cơm xong tới đây, chị dạy cho”. Ai ngờ tụi nhỏ tới đông ơi là đông, hơn ba mươi đứa ùn ùn kéo đến, lớn có, nhỏ có. Vợ chồng chị cấp tốc cải tạo căn nhà gỗ, thu hẹp diện tích sinh hoạt gia đình, lấy chỗ cho hai lớp học bất đắc dĩ: nhà trên dành cho lớp vỡ lòng lớn tuổi, nhà dưới cho vỡ lòng nhỏ tuổi, và chị cũng là cô giáo “bất đắc dĩ” từ đó!

Lớp học chật chội, tụi nhỏ đều là nhà nghèo nên phải vừa học vừa chạy gạo phụ cha mẹ nhưng vẫn đều đặn đến lớp. Từ ê a vỡ lòng đến tập làm văn, giải toán đố… những đứa trẻ dần lớn lên, có đứa lấy chồng, lấy vợ vẫn gọi chị cô ơi, cô hỡi. Mỗi năm bà con ấp Phước An lại dẫn con cháu đến xin vào “lớp học tình thương cô Phụng”, đến lúc này chị lại phải xin bà con “Đừng làm thế, tụi nhỏ cần phải học hành bài bản, có bằng có cấp để có tương lai. Nếu chỉ cần biết đọc biết viết thì lớn lên chúng lại chài lưới trên lòng hồ hoặc làm thuê làm mướn, vậy Phước An ngày nào mới khá nổi”. Sự thuyết phục ấy chẳng dễ dàng gì, vì bà con cứ muốn: “Chỉ cần lũ trẻ biết viết tên mình là được rồi” nhưng cuối cùng đến năm 2008 chị cũng “giải tán” được lớp học tình thương. 100% trẻ con trong ấp Phước An đều được đến lớp phổ thông, “Đó là thắng lợi lớn nhất của tôi” – chị cười rạng rỡ.

Về sống ở Phước An, bên cạnh chuyện học hành của tụi nhỏ, chị Phụng còn nhận thấy: sao từ trên đến xóm dưới chỉ có hai nhà có mái lợp tôn, còn lại là nhà tạm bợ, mưa gió đã khiến những mái nhà tả tơi. Chị bàn với bà con “tôn hoá” nhà ở, họ tròn mắt: muốn lắm nhưng tiền đâu mà mua? chị gợi ý: hay mình mua trả góp? Người dân cúi đầu: mình nghèo vầy ai cho mình vay! Thì cứ thử!

Nói là làm. Chị đạp xe ra Phước Minh, gõ cửa cửa hàng vật liệu xây dựng Thanh Thuỷ xin đứng tên mua tôn thiếu cho bà con. Chẳng dè, chị chủ cửa hàng gật đầu cho thiếu thật. Chị Phụng kể “Không chỉ vậy, hàng năm chị ấy còn mang gạo vào cho người nghèo trong ấp nữa, thiệt là một người tốt!”. Tôi hỏi chị Phụng: “Chị mua thiếu cho bao nhiêu người, có người nào không trả không?”. Chị đáp: “Chẳng nhớ nổi đã mua cho bao nhiêu người, chỉ biết là từ đầu trên đến xóm dưới nhà nào cũng lợp tôn hết rồi. Còn giựt nợ thì không đâu, bà con uy tín lắm,  không ai để thiếu đồng nào đâu, em ơi”!

Có mái nhà che mưa che nắng, chị Phụng lại thấy nhiều người dân ở xóm sinh hoạt còn… mất vệ sinh quá, ăn không chín, uống không sôi, đã xả rác bừa bãi đã đành, đến việc “đi” họ cũng không cần tìm chỗ mà “đi” luôn xuống hồ Dầu Tiếng khiến ô nhiễm khắp xóm. Thế là chị Phụng hết chạy đôn, chạy đáo tuyên truyền, hướng dẫn ăn chín uống sôi, giữ gìn an toàn vệ sinh thực phẩm rồi chạy đến liên hệ Hội Phụ nữ xã, Ngân hàng Chính sách Xã hội cho bà con vay tiền xây hố xí tự hoại.

Điều đáng mừng nhất là hiện nay hầu hết phụ nữ ở Phước An đều đã vào tổ chức Hội Phụ nữ, trẻ em được đến trường, đời sống bà con ngày càng ổn định. Nhưng đáng lo là vẫn còn một số bà con Việt kiều đang lênh đênh trên lòng hồ, cuộc sống bấp bênh thiếu ổn định “Bà con còn khổ, mình còn day dứt quá!”. Và vì còn day dứt nên chắc chắn chị chi hội trưởng chi Hội Phụ nữ ấp Phước An tên Nguyễn Thị Kim Phụng sẽ còn lao vào cuộc để cố sức giúp bà con trong ấp bớt khổ!

THANH NAM

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục