Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ở ấp Long Cường, xã Long Khánh, huyện Bến Cầu, bà Sáu Hiệp là tấm gương tiêu biểu trong phong trào hiến máu nhân đạo và nhiều phong trào xã hội khác.
Bà Sáu Hiệp chăm sóc đàn bò của gia đình
Tên đầy đủ của bà là Võ Thị Hiệp, năm nay 63 tuổi. Bà Sáu có tác phong nhanh nhẹn, tính tình niềm nở, hiền từ. Chồng mất sớm, cô con gái lớn cũng dở dang chuyện hôn nhân, đi làm ăn xa nên bà Sáu Hiệp phải gồng gánh nuôi các con và hai đứa cháu ngoại ăn học đến khôn lớn.
Bà kể: “Tôi mới lên thăm đứa cháu ngoại tại một đơn vị biên phòng ở huyện Châu Thành. Còn đứa nữa học trường nghề chuẩn bị ra trường, tôi khoẻ rồi!”. Nhiều năm qua, bà Sáu vất vả, dãi nắng, dầm mưa làm thuê, làm mướn, cấy lúa, trồng khoai.
Bà thuê hơn 1 mẫu đất để trồng thuốc lá vàng, trồng bắp. Tích luỹ dần, bà Sáu mua được 1 con bò giống về nuôi để tăng thu nhập. Hiện nay, đàn bò của bà Sáu có đến 7 con.
Dù việc nhà bận rộn nhưng bà Sáu rất tích cực tham gia hoạt động xã hội tại địa phương. Bà Sáu hiến máu hơn 45 lần và vận động người thân hiến hơn 100 lần. Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã, tổ trưởng tổ vay vốn, tổ trưởng tổ hoà giải, tổ trưởng tổ tuần tra biên giới, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Long Cường, bà Sáu luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Ðiển hình là trong thực hiện cuộc vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, bà Sáu luôn tích cực, nâng cao chất lượng hoạt động của chi hội do mình đảm trách. Trước đây, hội viên phụ nữ ở địa phương rất ít, chi hội hoạt động cầm chừng, nay nhờ bà Sáu Hiệp giỏi tuyên truyền vận động, quần chúng phụ nữ đăng ký vào Hội ngày càng đông. Ðến nay, chi hội đã có hơn 100 hội viên, luôn có tinh thần tương thân, tương ái giúp đỡ nhau lúc khó khăn.
Chẳng hạn như trường hợp chị Lê Thị Kim Hồng, 32 tuổi, gia cảnh nghèo khó, nhà cửa ọp ẹp. Bà Sáu giúp chị Hồng được vay vốn 30 triệu đồng để chăn nuôi bò. Ðến nay, chị đã trả xong nợ vay, có đàn bò 5 con, cất nhà ở ổn định và lo cho các con ăn học đầy đủ.
Tương tự là trường hợp chị Lê Thị Thoa, 34 tuổi, cũng được vay nguồn vốn 30 triệu đồng do Chi hội Phụ nữ giới thiệu. Chị Thoa đầu tư nuôi bò sinh sản. Nhờ vậy, chị đã có điều kiện lo cho con cái ăn học đàng hoàng.
Bà Sáu Hiệp còn vận động chị em hội viên chăm lo nhau khi gia đình có hữu sự. Bà Sáu luôn gần gũi với chị em hội viên, người dân để kịp thời hoà giải những mâu thuẫn nhỏ ở xóm ấp, không để xảy ra mất trật tự hay khiếu kiện về trên.
Bà Sáu Hiệp còn vận động chị em hội viên, người dân tham gia, đóng góp sửa chữa đường sá, tạo điều kiện đi lại dễ dàng. Con đường gập ghềnh từ tổ dân cư số 10 đi đến trục lộ chính của ấp dài hơn cây số, bà Sáu Hiệp đứng ra vận động hội viên, bà con đóng góp hơn 40 triệu đồng để nâng cấp con đường này bằng sỏi đỏ, tạo điều kiện đi lại dễ dàng. Hơn thế, bà Sáu Hiệp gương mẫu hiến hơn 450m2 đất và vận động nhiều chị em hội viên, bà con hiến nhiều phần đất để mở rộng con đường này.
Mới đây, đầu năm 2018, bà vận động đóng góp hơn 12 triệu đồng để sửa chữa nâng cấp con đường từ tổ dân cư số 10 (còn gọi là Bến Bửng) đi qua xóm Bến Trại, giáp Trường tiểu học Long Khánh B, cũng thuộc ấp Long Cường, dài hơn 900m, tạo điều kiện cho bà con đi lại, vận chuyển lúa thóc.
Bà con xóm ấp hay chị em hội viên còn thường xuyên rong phát cây cối cho đường làng ngõ xóm sạch sẽ, thông thoáng. Việc xây dựng gia đình văn hoá, bà Sáu đã triển khai cho hội viên ngay từ đầu năm. Hằng năm, số gia đình ở ấp được công nhận gia đình văn hoá đạt từ 98% trở lên.
Hơn 10 năm qua, ấp Long Cường giữ vững danh hiệu ấp văn hoá. Bà Sáu Hiệp tâm sự: “Muốn vận động phong trào đạt hiệu quả, trước hết tôi phải gương mẫu đi đầu”. Những lời bộc bạch chân tình ấy đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết vì cộng đồng của một người phụ nữ vùng nông thôn biên giới.
THUỲ DUNG