BAOTAYNINH.VN trên Google News

Người vẽ chân dung Bác Hồ 

Cập nhật ngày: 21/05/2023 - 22:48

BTN - Hoạ sĩ Võ Đồng Minh lãnh nhiệm vụ vẽ 3 bức, hoạ sĩ Tam Bạch vẽ 6 bức. Số lượng không phải lớn nhưng thời gian quá ngắn. Hoạ sĩ Tam Bạch hiểu rằng phải rất cẩn thận, nghiêm túc khi vẽ chân dung Bác và đây là một thử thách đối với ông.

Hoạ sĩ Tam Bạch vẽ chân dung Bác Hồ trong chiến khu (ảnh tư liệu).

Năm 1990, Đại hội đồng UNESCO quyết định tiến hành kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá xuất sắc của Việt Nam. Đại hội đồng còn đề xuất với các nước thành viên cùng tham gia tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác Hồ, bằng việc tưởng nhớ đến Người qua các hoạt động cụ thể, làm cho mọi người hiểu được tầm vóc to lớn trong những tư tưởng hành động giải phóng của Người.

Nhân sự kiện trọng đại này, cùng với cả nước, tỉnh Tây Ninh đã ra quyết định thành lập Ban Nghiên cứu và biên soạn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ yếu viết về “Bác Hồ với Tây Ninh và lòng dân Tây Ninh đối với Bác Hồ”.

Đây là một công trình lớn của địa phương, huy động đông đảo cán bộ đoàn thể và ngành chức năng tham gia, quyết tâm hoàn thành công trình với mức tốt nhất. Dịp này, Hội Văn học Nghệ thuật Tây Ninh quyết định tham gia công trình bằng cách ra một đặc san lấy tên là “100 năm Hồ Chí Minh” phát hành vào ngày 19.5.1990.

Đặc san đã quy tụ được hầu hết những người làm công tác văn học nghệ thuật ở Tây Ninh, coi đây là việc làm thiết thực nhất tưởng nhớ Bác. Vì thế, đặc san “100 năm Hồ Chí Minh” rất phong phú, đa dạng về bài vở, có rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật giá trị như: Người gặp Bác nhiều nhất trong chúng ta (Vân An), 25 năm trước thầy trò trường Hoàng Lê Kha nhận thư thăm hỏi và động viên của Bác (Lương Hoài Vũ), Sân lễ Cụ Hồ (Xuân Phát), Bức thư gửi Bác xin Bác cho bộ đội về Nam dẹp giặc (Minh Hiếu), Ngày ấy tang lễ Bác Hồ (Phan Vĩnh), Nhà thờ Bác Hồ (Ba Tỷ), Mơ gặp Bác Hồ (Bội Lan), Bác Hồ và miền Nam (Tạ Xuân Thu), Bác Hồ trong ca dao mới (Thẩm Thệ Hà).

Phần thơ gồm những bài thơ của các tác giả: Hi Đạm, Tinh Sắc, Linh Hữu, Phan Phụng Văn, Phan Kỷ Sửu, Nguyễn Quốc Việt, Trần Hoàng Vy, Nguyễn Văn Tài, Thái Bình Trung, Nguyễn Văn Ngọ… Đặc biệt có bài kể “Tôi đã vẽ sáu bức chân dung Bác trong một ngày đêm” của hoạ sĩ Tam Bạch gây xúc động cho nhiều người đọc.

Ngày ấy, ngay khi được tin Bác Hồ qua đời, có chỉ đạo cấp bách của Trung ương Cục miền Nam về kế hoạch tiến hành lễ tang Bác, hoạ sĩ Tam Bạch bấy giờ là Tổ trưởng Tổ hội hoạ của Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ nhận được lệnh trong vòng một ngày phải hoàn thành 9 bức chân dung của Bác phóng to theo khổ một tờ báo để kịp gửi cho các huyện và các cơ quan tổ chức đồng loạt lễ tang Bác Hồ.

Hoạ sĩ Võ Đồng Minh lãnh nhiệm vụ vẽ 3 bức, hoạ sĩ Tam Bạch vẽ 6 bức. Số lượng không phải lớn nhưng thời gian quá ngắn. Hoạ sĩ Tam Bạch hiểu rằng phải rất cẩn thận, nghiêm túc khi vẽ chân dung Bác và đây là một thử thách đối với ông. Bút cọ thiếu, màu mực thiếu nhưng bằng tấm lòng yêu thương Bác, ông đã vượt qua khó khăn để hoàn thành 6 bức chân dung của Bác đạt yêu cầu cao.

Ông kể từ lúc biết cầm cọ, ông chưa bao giờ vẽ say sưa đến quên ăn quên uống như vậy. Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, hoạ sĩ Tam Bạch cho biết ông đã nhiều lần vẽ chân dung Bác. Trong trí nhớ của ông gần như thuộc lòng từng nét vẽ mái tóc, vầng trán, cánh mũi, chòm râu thưa của Bác.

Những chi tiết trong trí nhớ đó cũng nhờ ông thuộc nằm lòng mấy câu thơ của một tác giả, rằng: Trán cha rộng như chiếu trùm thiên hạ/ Tóc cha bạc như đồi non băng giá/ Chống trời cao và đội tuyết cho thế nhân.../ Cha là ngọn hải đăng trong đêm tối/ Cha là sao bắc đẩu giữa đêm trường/ Con là người theo bước vượt trùng dương.

Ngày ấy, các bức chân dung Bác đã phát hành kịp thời gian chỉ đạo. Hoạ sĩ Tam Bạch mệt nhoài nhưng rất vui vì được biểu hiện lòng kính yêu đối với Bác.

Hoạ sĩ Tam Bạch tên thật Nguyễn Ngọc Thừa, thường được gọi là “Ba Trắng”, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh khoá I

 N.V.T