Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nguồn cung gạo dồi dào 

Cập nhật ngày: 12/04/2020 - 23:50

BTN - Sở Công Thương đã đề nghị các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh chủ động dự trữ gạo và các mặt hàng thiết yếu, đồng thời khẳng định các kịch bản xấu nhất đã được tính tới nên sẽ không có chuyện thiếu nguồn cung các sản phẩm gạo và các mặt hàng thiết yếu.

Nhân viên siêu thị Co.opMart bổ sung gạo.

Trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, một số người dân đổ xô đi mua gạo dự trữ khiến mặt hàng này khoảng 2 tuần trở lại đây có hiện tượng tăng giá ở một số điểm kinh doanh, một số loại gạo cũng bị “cháy” hàng.

Tại một số cửa hàng bán lẻ gạo, một số loại gạo bắt đầu tăng giá từ 500 - 2.000 đồng/kg. Cụ thể, giá gạo hầm châu có giá 13.000 đồng/kg (tăng 1.000 đồng/kg); gạo nàng hoa giá bán 13.500 đồng/kg (tăng 500 đồng/kg); gạo bồ câu 14.000 đồng/kg (tăng 1.500 đồng/kg)…

Nguyên nhân gạo tăng giá được cho là trước đó người dân ồ ạt đi mua hàng tích trữ để hạn chế ra ngoài và do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nên một số cửa hàng bán lẻ “té nước theo mưa”. Hiện tại, người dân đã không còn ồ ạt mua hàng tích trữ nhưng mức giá này vẫn giữ nguyên. Thậm chí, một số tiểu thương còn cho rằng giá gạo có thể sẽ tăng trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, một số đại lý cho rằng việc tăng giá gạo ở thời điểm này là do tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ lấy hàng qua nhiều khâu trung gian tự tăng giá, còn phía công ty và đầu mối chưa báo tăng. Vì vậy, đến thời điểm này ở các cửa hàng, đại lý lớn giá gạo vẫn khá ổn định.

Chủ cửa hàng bán lẻ gạo Đắc Lộc, xã Thái Bình, huyện Châu Thành cho biết: từ sau tết Nguyên đán Canh Tý, nhu cầu gạo của người dân tăng và tăng mạnh trong khoảng 2 tuần gần đây - khi dịch Covid-19 bắt đầu có diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, cửa hàng vẫn bán giá gạo đã được niêm yết từ trước tết đến nay và khẳng định nguồn cung gạo vẫn dồi dào, giá gạo khó tăng mạnh trong thời gian tới.

Chủ cửa hàng bán lẻ gạo Đồng Tâm trên đường Trưng Nữ Vương (thành phố Tây Ninh) cũng cho biết sức mua có tăng nhưng giá bán như cũ. Bởi lẽ, lượng gạo tại kho khá lớn, gạo vẫn đang tiếp tục về kho, chưa kể lúa trên đồng vẫn chưa thu hoạch. Ở các địa phương, người dân vẫn sản xuất liên tục, nơi này xuống giống nơi kia đã thu hoạch nên không sợ thiếu gạo. Do đó, chủ cửa hàng này khuyến cáo người dân chỉ nên mua đủ dùng, không nên mua tích trữ tránh để các thương lái dựa vào đó mà đẩy giá bán tăng lên.

Trong khi đó, gạo bán lẻ (dạng túi 5-10kg) tại nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm trên địa bàn tỉnh đều giữ giá như những tháng trước đó. Nhóm gạo phổ biến như Hương Lài, Thơm Lài, Vua gạo... (thơm - dẻo - mềm) có giá bán 17.000-22.000 đồng/kg tuỳ loại, gạo tấm 18.000-22.000 đồng/kg tuỳ loại và tuỳ nơi bán... Thậm chí, siêu thị Co.opMart, cửa hàng Bách Hoá Xanh còn triển khai nhiều chương trình giảm giá nên một số loại gạo thơm - dẻo - mềm chỉ dao động từ 12.500 - 15.000 đồng/kg.

Gạo bán tại các đại lý vẫn dồi dào.

Hiện nay, Sở Công Thương đã đề nghị các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh chủ động dự trữ  gạo và các mặt hàng thiết yếu, đồng thời khẳng định các kịch bản xấu nhất đã được tính tới nên sẽ không có chuyện thiếu nguồn cung các sản phẩm gạo và các mặt hàng thiết yếu.

Ngành chức năng cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá, trục lợi bất chính... Do đó, người dân chỉ nên mua đủ ăn, không cần tích trữ tránh để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng ảo, tạo điều kiện cho một số tiểu thương đẩy giá tăng cao.

Vũ Nguyệt

Theo các bộ, ngành và Hiệp hội ngành hàng, nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu trên cả nước năm 2020 rất dồi dào: Ước tính sản lượng lúa năm 2020 đạt 43,3 triệu tấn (tương đương 26 triệu tấn gạo), trong khi nhu cầu khoảng 19 - 20 triệu tấn (dư thừa cho xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn). Tổng sản lượng thịt gia súc, gia cầm, dự kiến năm 2020 ước đạt 5,5 - 5,8 triệu tấn thịt các loại; trong đó, thịt heo hơi ước đạt 3,5 triệu tấn; thịt gia cầm 1,36 triệu tấn... 

Tổng sản lượng các loại thịt này sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân, chưa kể đến các mặt hàng thuỷ hải sản đạt khoảng 8,2 triệu tấn mỗi năm. Diện tích rau sản xuất 960 ngàn ha (tương đương năm 2019), sản lượng dự kiến đạt 17,18 triệu tấn (tăng hơn 100 ngàn tấn so với năm 2019); tổng sản xuất các loại rau củ quả đạt khoảng 40 - 50 triệu tấn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.


Liên kết hữu ích