Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Người Tà Mun được xem là nhóm người có số dân đứng hàng thứ tư sau Hoa, Khmer, Chăm; có những nét văn hoá đặc thù, góp phần làm phong phú bản sắc văn hoá dân tộc Tây Ninh.
Nhà truyền thống dân tộc Tà Mun ở xã Suối Đá (Dương Minh Châu). |
Tây Ninh là địa phương có sự giao thoa, hội tụ văn hoá của 22 dân tộc sống cộng cư trên địa bàn tỉnh. Trong đó, người Tà Mun được xem là nhóm người có số dân đứng hàng thứ tư sau Hoa, Khmer, Chăm; có những nét văn hoá đặc thù, góp phần làm phong phú bản sắc văn hoá dân tộc Tây Ninh.
Theo số liệu thống kê, tính đến thời điểm năm 2009, có khoảng 1.680 người Tà Mun cư trú trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, tập trung chủ yếu ở: Thị xã, Tân Biên, Tân Châu và Dương Minh Châu. Ngoài Tây Ninh, hiện nay người Tà Mun còn sinh sống ở Bình Phước với khoảng trên 500 người sống ở Sóc 5, xã Minh Hoà, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước.
Về nguồn gốc và thành phần dân tộc của người Tà Mun hiện nay đang là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, người Tà Mun vốn là một nhóm nhỏ của người Stiêng cư trú tách biệt và chịu ảnh hưởng văn hoá và ngôn ngữ của người Khmer. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, người Tà Mun vốn được tách ra từ nhóm người Châu Ro. Một ý kiến khác mang tính “dung hợp” hai ý kiến trên đây cho rằng người Tà Mun là một cộng đồng người hỗn hợp Stiêng - Châu Ro, đã tiếp thu sâu sắc sinh hoạt văn hoá của người Khmer trước đây và của người Việt trong vài chục năm gần đây… Trong “Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam” thì không có dân tộc Tà Mun nhưng trong một số công trình nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước đều có đề cập đến nhóm người này.
Hiện tại đã có một vài công trình nghiên cứu về người Tà Mun ở Tây Ninh. Chẳng hạn như: Lễ hội của người Tà Mun Tây Ninh do ông Võ Thành Thái, chuyên viên Sở Văn hoá - Thông tin Tây Ninh thực hiện năm 1998 - 1999, hay Địa chí Tây Ninh do Sở Văn hoá- Thông tin Tây Ninh thực hiện năm 2006 cũng có một số chi tiết đề cập đến người Tà Mun. Trong Bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá của các dân tộc thiểu số ở Tây Ninh do Sở Khoa học Công nghệ Tây Ninh phối hợp Hội Dân tộc TP.HCM thực hiện năm 2008 cũng có đưa ra vấn đề về người Tà Mun ở Tây Ninh. Hoặc như Báo cáo kết quả điều tra xác định thành phần dân tộc người Tà Mun năm 2005 của nhóm nghiên cứu Viện Dân tộc học tỉnh Bình Phước (theo đó, người Tà Mun là nhóm người thiểu số nói ngôn ngữ Môn-Khmer nam di cư từ tỉnh Tây Ninh lên xã Tân Hiệp, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước). Ngoài ra, ông La Ngạc Thuỵ, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh cũng có bài viết trên Báo Tây Ninh: Văn hoá dân gian dân tộc Tà Mun ở Tây Ninh trước nguy cơ bị mai một và một số bài viết trên các báo, tạp chí khác cũng đã có giới thiệu về nhóm tộc người Tà Mun. Tuy nhiên, hầu hết các công trình, tư liệu đã có đều chưa tập trung chuyên sâu, chưa được nghiên cứu một cách hệ thống. Việc xác định nguồn gốc thành phần dân tộc cũng như các giá trị bản sắc văn hoá của người Tà Mun chưa được đào sâu, vẫn còn nhiều vấn đề bỏ ngõ.
Kết quả khảo sát thực tế một số địa phương có người Tà Mun đang sinh sống do Vụ Dân tộc, Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch phối hợp cùng các cơ quan, ban ngành trong tỉnh thực hiện vào cuối tháng 11 năm 2010 cho thấy, đa số đời sống kinh tế của người Tà Mun còn gặp nhiều khó khăn, các tập tục cổ truyền cũng như bản sắc văn hoá đã dần dần mai một theo thời gian, người Tà Mun không có chữ viết, chỉ lưu giữ được tiếng nói riêng của mình. Mong muốn của bà con người Tà Mun là được quan tâm khôi phục lại các tập tục cổ truyền và được khẳng định mình là dân tộc Tà Mun chứ không phải là Stiêng hay Khmer như nhiều người đã nghĩ.
Trẻ em Tà Mun ở ấp Tân Định 2, xã Suối Đá (Dương Minh Châu). |
Từ thực tế trên cho thấy, công tác nghiên cứu, xác định nguồn gốc thành phần dân tộc người Tà Mun cần được khẩn trương thực hiện, đặc biệt là việc xác định xem người Tà Mun có tên trong 54 dân tộc anh em hay không?
Văn hoá các dân tộc thiểu số là tài sản quý giá góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng mà thống nhất của văn hoá Việt Nam nói chung, của tỉnh Tây Ninh nói riêng. Giữ gìn bản sắc và sự đa dạng của văn hoá các dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn ở kỷ nguyên toàn cầu hoá. Có thể nói, thực chất của vấn đề dân tộc là vấn đề văn hoá. Do đó, nghiên cứu và đề ra các chính sách, giải pháp cụ thể nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số được xem là một trong những mục tiêu của chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2020.
HỒNG HẠNH