Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo:

Nguồn lực quan trọng để nhiều hộ bứt phá, vươn lên 

Cập nhật ngày: 10/09/2022 - 00:46

BTN - ó thể khẳng định, đến nay, chính sách tín dụng đối với người nghèo thực sự trở thành nguồn lực tiếp sức cho rất nhiều hộ gia đình nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ổn định và thoát khỏi nguy cơ tái nghèo.

Cán bộ chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh trao vốn vay cho người dân phường 2, thành phố Tây Ninh - ảnh: Minh Dương

Theo chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NH CSXH) Tây Ninh, trong 20 năm qua, chính sách tín dụng đối với người nghèo đã giúp cho 47.375 hộ vay trên địa bàn tỉnh thoát nghèo và thoát cận nghèo, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Chính sách tín dụng đối với người nghèo cũng đã tạo điều kiện chuyển biến nhận thức, thay đổi cách thức làm ăn cho hơn 47.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo. Có thể khẳng định, đến nay, chính sách tín dụng đối với người nghèo thực sự trở thành nguồn lực tiếp sức cho rất nhiều hộ gia đình nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ổn định và thoát khỏi nguy cơ tái nghèo.

Người nghèo được quan tâm, nâng đỡ

Bên cạnh đó, chính sách tín dụng đầu tư cho vay để giải quyết việc làm trong và ngoài nước đã góp phần tích cực giải quyết nhiều việc làm cho địa phương, khôi phục các ngành nghề truyền thống; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình để mở rộng sản xuất, thu hút thêm lao động, tạo việc làm cho gần 81.955 lao động ở địa phương, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập cải thiện đời sống cho người lao động.

Nhờ có nguồn vốn vay đi xuất khẩu lao động mà các hộ gia đình có điều kiện cải thiện cuộc sống. Phần lớn các hộ có con em đi xuất khẩu lao động đều tạo được nguồn thu nhập cho gia đình, có điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập.

Các chương trình tín dụng chính sách cho vay hỗ trợ về nhà ở đã giúp cho các hộ dân nghèo có nhà ở an toàn, ổn định; công nhân, cán bộ công nhân viên có thu nhập thấp… từng bước có nhà ở ổn định, tạo cơ hội cho hàng triệu người thuộc đối tượng chính sách xã hội có mái ấm “an cư lạc nghiệp”, hiện thực hoá ước mơ có nhà riêng để ở, nâng cao mức sống và tiến tới phát triển bền vững.

Tính đến 31.7.2022, tổng doanh số cho vay chương trình cho vay học sinh sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27.9.2007 của Thủ tướng Chính phủ đạt 1.086,3 tỷ đồng, với 53.592 lượt hộ vay vốn cho 57.139 lượt HSSV đi học. Chính sách tín dụng đối với HSSV giúp nhiều hộ gia đình nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn cho con đi học, giảm gánh nặng về chi phí cho hộ gia đình và HSSV không phải bỏ học, góp phần tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước… Chính sách tín dụng này cũng đã tạo sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội, nâng cao trình độ dân trí, góp phần rất lớn trong công tác xoá đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

 Đến cuối tháng 7.2022, tổng doanh số cho vay chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) theo Quyết định số 62/QĐ-TTg ngày 16.4.2004 của Thủ tướng Chính phủ đạt 2.424,5 tỷ đồng, với 189.087 lượt khách hàng vay vốn để xây dựng, sửa chữa 350.000 công trình NS&VSMTNT (trong đó xây dựng, sửa chữa 172.356 công trình nước sạch, 177.644 công trình vệ sinh).

Chính sách tín dụng này đã giúp các hộ gia đình khu vực nông thôn được vay vốn để thực hiện chiến lược quốc gia về cấp NS&VSMTNT, nhằm nâng cao sức khoẻ, cải thiện điều kiện sinh hoạt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, việc thực hiện chương trình tín dụng trong những năm qua đã thu được kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99,2%. Những nơi được đầu tư, tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn từng bước cải thiện, đời sống sinh hoạt, sức khoẻ người dân được nâng cao.

Các chương trình tín dụng chính sách cho vay để đầu tư sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn góp phần thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới... Các chương trình cho vay tại vùng khó khăn giúp các hộ sản xuất kinh doanh khu vực này có vốn để sản xuất kinh doanh, vươn lên làm giàu, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Qua thời gian thực hiện, đến nay trên địa bàn tỉnh Tây Ninh không còn xã thuộc vùng khó khăn, do các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nên không còn được thụ hưởng 2 chương trình tín dụng này.

Đến nay, chương trình cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9.4.2020, Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 của Chính phủ, Quyết định số 15/QĐ-TTg ngày 24.4.2020, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có tổng doanh số cho vay đạt 79,1 tỷ đồng.

Chương trình cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg ngày 27.4.2022 của Thủ tướng Chính phủ có tổng doanh số cho vay đạt 3,1 tỷ đồng, với 37 lượt khách hàng vay vốn. Chương trình cho vay học sinh sinh viên mua máy tính, thiết bị học tập để học trực tuyến theo Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg ngày 4.4.2022 của Thủ tướng Chính phủ có tổng doanh số cho vay đạt 3,2 tỷ đồng, với 317 lượt khách hàng vay vốn. Các chương trình cho vay theo chương trình, dự án khác có tổng doanh số cho vay đạt 49,5 tỷ đồng, với 9.981 lượt khách hàng vay vốn…

Thay đổi tích cực nhờ tín dụng chính sách xã hội

Cũng theo chi nhánh NH CSXH Tây Ninh, trong 20 năm qua, hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NH CSXH cung cấp. Doanh số cho vay từ đầu năm 2002 đến nay là 1.361,8 tỷ đồng, với hơn 105.000 lượt khách hàng được vay vốn. Trong đó: hộ nghèo hơn 89.000 khách hàng với số tiền 961,5 tỷ đồng; hộ cận nghèo gần 16.000 khách hàng với số tiền 400,2 tỷ đồng. Tín dụng chính sách xã hội đã trở thành nguồn vốn quen thuộc với người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao mức sống của người dân, góp phần quan trọng vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững của tỉnh. Trong đó, giảm số xã thuộc vùng khó khăn từ 20 xã cuối năm 2015 xuống còn 0 xã; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,08% vào đầu năm 2016 xuống còn 0% vào cuối năm 2021; tỷ lệ hộ cận nghèo từ 2,09% vào đầu năm 2016 xuống còn 0,5% vào cuối năm 2021.

Song song đó, việc tăng cường nguồn vốn, nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân là nhiệm vụ hàng đầu tại các xã đang xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2012 đến nay, doanh số cho vay tại các xã xây dựng nông thôn mới đạt 4.571 tỷ đồng, với hơn 273.000 lượt hộ vay vốn.

Vốn tín dụng chính sách xã hội giúp các xã đang xây dựng nông thôn mới đạt một số tiêu chí như: về tiêu chí việc làm, vốn tín dụng chính sách giúp thu hút và tạo việc làm hơn 34.000 lao động, với số tiền 638,2 tỷ đồng; về tiêu chí giáo dục và đào tạo, vốn tín dụng chính sách giúp gần 34.000 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập, với số tiền 651,6 tỷ đồng; về tiêu chí giảm nghèo, vốn tín dụng chính sách giúp hơn 63.000 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn, với số tiền 817 tỷ đồng; hơn 113.000 hộ gia đình vùng nông thôn xây dựng được 213.000 công trình nước sạch và công trình hợp vệ sinh, với số tiền 1.454 tỷ đồng; giúp cho 206 hộ gia đình nghèo và các hộ gia đình chính sách có nhà ở...

Những kết quả trên góp phần để tỉnh có 1/9 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tổng số xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đến cuối năm 2021 là 55/71 xã, đạt tỷ lệ 77,5% và có 8/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

An Khang