Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nguồn nước thượng nguồn sông Sài Gòn chuyển màu bất thường
Thứ năm: 13:58 ngày 15/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo ông Nguyễn Thanh Tùng- Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, khoảng 1 tuần qua nguồn nước thượng nguồn sông Sài Gòn (khu vực bến Cây Khế) chuyển màu đục hơn, trên mặt nước có bợn. Sau khi nhận được thông tin từ người dân, UBND xã cử cán bộ kiểm tra tìm nguyên nhân dẫn đến nguồn nước bị đục.

Kênh dẫn nước từ thượng nguồn sông Sài Gòn vào trạm bơm đưa về trạm cấp nước xã Tân Hòa nguồn nước cũng chuyển màu có thể thấy bằng mắt thường.

Ông Nguyễn Thanh Tùng nhận định, nguyên nhân nguồn nước sông Sài Gòn có dấu hiệu đổi màu có thể do nhiều nguyên nhân: Có thể do mực nước sông xuống thấp, tàu ghe chạy nhiều nên cũng có thể khiến nước bị đục; không loại trừ khả năng các doanh nghiệp xả nước thải trực tiếp ra sông. Theo ông Tùng, ở phía thượng nguồn sông Sài Gòn (nằm trên địa bàn tỉnh Bình Phước) có 2 công ty chăn nuôi quy mô lớn nhưng do khác địa phận nên không thể kiểm tra.

Ngoài ra, UBND xã Tân Hòa cũng cử cán bộ kiểm tra dọc theo bờ sông nhằm rà soát việc có xả nước thải ra môi trường hay không? Thế nhưng việc này rất khó vì UBND xã không có thiết bị, phương tiện để kiểm tra cũng như đánh giá chất lượng nguồn nước mà chỉ quan sát bằng mắt thường khi thấy nguồn nước sông Sài Gòn có dấu hiệu thay đổi.

Ông Đinh Hùng Danh- Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết, khoảng 1 tuần qua, con kênh lấy nước từ sông Sài Gòn để đưa về trạm cung cấp nước sạch xã Tân Hòa nguồn nước chuyển sang đục bất thường. Vấn đề này cần được cơ quan chức năng quan tâm tìm hiểu. Riêng trung tâm phải tốn kém chi phí xử lý nước để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho người dân đúng quy chuẩn quy định.

Thế nhưng điều khó hiểu tại đầu nguồn sông Sài Gòn nước có dấu hiệu xấu bất thường thì tại khu vực lòng hồ Dầu Tiếng nguồn nước năm nay được nhiều người nhận định tốt hơn mọi năm. Mặt nước tại hồ Dầu Tiếng có thể nhìn bằng mắt thường năm nay trong hơn, không có dấu hiệu đục như những năm trước đây dù hoạt động khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng vẫn hoạt động bình thường và chất lượng nguồn nước hồ Dầu Tiếng năm nay vẫn bảo đảm chất lượng.

Theo Công ty TNHH MTV thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa cho biết, qua thống kê, trên lưu vực hồ Dầu Tiếng có 90 cơ sở sản xuất kinh doanh có hoạt động xả thải với các loại hình hoạt động là chăn nuôi, chế biến tinh bột mì, chế biến mủ cao su, nuôi cá lồng bè, khai thác khoáng sản và nước thải sinh hoạt.

Nguồn nước thượng nguồn sông Sài Gòn ( ấp Cây Khế, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu) những ngày qua có hiện tượng nước chuyển màu bất thường.

Trong đó, địa phận tỉnh Bình Phước có 54 cơ sở, lưu lượng xả thải từ 10 - 9.000 m3/ngày-đêm, tùy quy mô từng cơ sở, huyện Lộc Ninh chiếm nhiều nhất với 37 cơ sở; địa phận tỉnh Tây Ninh có 26 cơ sở, lưu lượng xả thải từ 24 - 2.900 m3/ngày-đêm, tập trung chủ yếu tại xã Suối Ngô, Tân Hòa thuộc huyện Tân Châu; địa phận tỉnh Bình Dương có 10 cơ sở, lưu lượng xả thải từ 20 - 1.000 m3/ngày-đêm, tập trung chủ yếu tại xã Minh Hòa, Minh Thạnh thuộc huyện Dầu Tiếng.

Đối với các cơ sở nhỏ thì có xử lý bằng biogas, các cơ sở lớn đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải và được Sở Tài Nguyên và Môi trường các tỉnh cấp giấy phép. Thực hiện theo Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 có hiệu lực ngày 1.7.2018, Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14.5.2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi, Công ty đã phối hợp với các địa phương xung quanh lòng hồ kiểm tra, rà soát các cơ sở có giấy phép xả thải vào hệ thống công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa để hướng dẫn việc tuân thủ cấp giấy phép xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi theo đúng quy định.

Tuy nhiên, do lưu vực hồ rộng, nên việc đi lại, kiểm soát các hoạt động xả thải gặp nhiều khó khăn, một số cơ sở không phối hợp kiểm tra. Bên cạnh đó một số cơ sở đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép trước đây vẫn còn hiệu lực, nên chưa chuyển đổi thẩm quyền cấp phép theo quy định.

Công ty cũng đã thực hiện dự án "Khảo sát, điều tra các hoạt động sản xuất kinh doanh có xả thải để khoanh vùng ô nhiễm, đề xuất giải pháp bảo vệ nguồn nước phục vụ khai thác đa mục tiêu công trình hồ Dầu Tiếng”. Trong giai đoạn tiếp theo, thực hiện đề án quản lý các hoạt động xả thải bằng hệ thống bản đồ GIS, lắp đặt trạm quan trắc chất lượng nước tự động trên hệ thống truyền dữ liệu online về trung tâm điều hành.

Để đảm bảo môi trường chất lượng nước hồ Dầu Tiếng phục vụ cấp nước cho các nhu cầu dùng nước trong hệ thống, trong thời gian qua, Công ty Dầu Tiếng - Phước Hòa đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, lấy mẫu nước và khoanh vùng ô nhiễm tại các nguồn xả thải vào hồ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan địa phương có liên quan để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Kết quả giám sát, phân tích mẫu nước tại lòng hồ cho thấy chất lượng nước hồ vẫn bảo đảm cấp nước cho các nhu cầu sử dụng nước trên hệ thống.

Mặt nước tại hồ Dầu Tiếng có thể nhìn bằng mắt thường năm nay trong hơn, không có dấu hiệu đục như những năm trước đây. Ảnh chụp ngày 8.4.2021

Dù chất lượng nước hồ Dầu Tiếng vẫn bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên trước dấu hiệu nguồn nước thượng nguồn sông Sài Gòn có dấu hiệu chuyển màu bất thường. Thiết nghĩ các ngành chức năng cần vào cuộc đánh giá tìm ra nguyên nhân nhằm có giải pháp xử lý kịp thời bảo đảm an ninh nguồn nước.

Thế Nhân

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục