Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nguy cơ bùng phát làn sóng dịch Covid-19 thứ hai: Mối nguy hiểm cận kề
Thứ tư: 10:01 ngày 13/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong bối cảnh nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, việc phát sinh các ổ dịch mới kèm theo sự gia tăng trở lại các ca nhiễm làm dấy lên nỗi lo sợ về làn sóng lây nhiễm thứ hai. Đây cũng là mối nguy hiểm thách thức giới chức các nước khi mở cửa trở lại nền kinh tế sau thời gian phong tỏa.

Lực lượng chức năng phun khử trùng tại khu phố Itaewon, thủ đô Seoul (Hàn Quốc), nơi có nhiều trường hợp được xác nhận nhiễm Covid-19.

Đức và Hàn Quốc là hai quốc gia được ca ngợi như tấm gương điển hình trong cuộc chiến đối phó với dịch Covid-19 khi số lượng ca tử vong có tỷ lệ tương đối thấp so với số ca mắc bệnh. Ngay từ đầu, hai nước đã triển khai việc xét nghiệm quy mô lớn. Sau khi được cho là vượt qua đỉnh dịch, hai nước tuyên bố dần nới lỏng một số biện pháp hạn chế. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới tăng đột biến trở lại cho thấy chính quyền hai quốc gia này vẫn gặp khó khăn khi tìm cách cân bằng giữa kiểm soát dịch bệnh và khôi phục nền kinh tế.

Ngày 12-5, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) đã báo cáo 93 trường hợp mắc Covid-19 có liên quan tới một nam giới 29 tuổi, người đã đi đến 3 câu lạc bộ đêm ở khu phố Itaewon, Seoul trước khi được xác nhận dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Đây là số lượng ca nhiễm Covid-19 trong ngày cao nhất kể từ đầu tháng 4 đến nay, làm thay đổi toàn bộ cục diện nới lỏng lệnh phong tỏa ở nước này. Hậu quả là hơn 2.100 quán bar và hộp đêm tại Hàn Quốc phải đóng cửa, trong khi các nhân viên y tế phải truy tìm ít nhất 1.940 người đã đến 3 câu lạc bộ trên và các tụ điểm xung quanh.

Trong khi đó, chỉ vài ngày sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, những số liệu mới cho thấy Đức dường như đang chứng kiến sự tăng tốc trở lại của dịch Covid-19. Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm Robert Koch của Đức cho biết, tỷ lệ lây nhiễm ở nước này đã tăng lên 1,1, nghĩa là 10 người nhiễm bệnh lây trung bình cho 11 người khác.

Tuy nhiên, nếu muốn khống chế dịch bệnh, con số này phải ở mức dưới 1. Đặc biệt, số ca nhiễm cục bộ liên quan đến các lò mổ và nhà dưỡng lão tăng vọt. Tại một lò mổ ở Coesfeld, ít nhất 180 công nhân được xác định dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Tình hình dịch Covid-19 ở Trung Quốc cũng có xu hướng tăng trở lại. Ít nhất 11 ca nhiễm Covid-19 đã được ghi nhận cuối tuần qua tại thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm, Đông Bắc Trung Quốc. Đáng chú ý là ngày 11-5, Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc cho biết thành phố Vũ Hán đã ghi nhận thêm 5 ca nhiễm mới. Tương tự, giới chức Iran đã cảnh báo khả năng bùng phát làn sóng dịch Covid-19 thứ hai ở nước này khi có thêm 51 ca tử vong sau gần một tháng bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc.

Trên thực tế, thành công của nỗ lực kiềm chế dịch Covid-19 lây lan cần sự hợp tác rất lớn từ người dân. Khi dân chúng đánh giá cao mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, họ sẽ có ý thức bảo vệ chính mình và cộng đồng. Tuy nhiên, khi tỷ lệ lây nhiễm giảm, kết hợp với việc các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, người dân dễ có tâm lý chủ quan. Thế nhưng, khi vi rút SARS-CoV-2 vẫn đang tồn tại trong cộng đồng thì bất kỳ sự bất cẩn nào đều có nguy cơ dẫn đến sự gia tăng các ca nhiễm.

Để đối phó với mối đe dọa trên, một số chính phủ cảnh báo sẽ áp dụng lại các biện pháp kiểm soát nếu như người dân không tuân thủ các quy định giãn cách xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo điều này nếu xảy ra thậm chí sẽ gây tổn hại nghiêm trọng hơn cho nền kinh tế so với lần phong tỏa đầu tiên. Do vậy, Tổ chức Y tế thế giới đã nhiều lần khuyến cáo các quốc gia cần nới lỏng phong tỏa một cách thận trọng để bảo vệ những thành quả đạt được trong cuộc chiến khó khăn chống dịch bệnh.

Nguồn hanoimoi

Tin cùng chuyên mục