BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nguy cơ lây nhiễm nCoV tại các điểm ùn tắc giao thông 

Cập nhật ngày: 02/06/2021 - 09:56

"Khi tình trạng ùn tắc diễn ra, người dân mặt đối mặt. Thời tiết nắng nóng có thể làm họ kéo khẩu trang, tạo cơ hội cho virus lây lan", bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết.

Từ 0h ngày 31/5, quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) thuộc TP.HCM đã thực hiện Chỉ thị 16. Trong khi đó, các khu vực còn lại của thành phố giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và nâng cao một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Việc thành lập các chốt, trạm kiểm dịch phòng, chống Covid-19 đã dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Trên một số tuyến phố, dòng xe thậm chí kéo dài nhiều km.

Trước tình trạng này, các chuyên gia cho rằng cơ quan chức năng cần nhanh chóng giải quyết, tránh nguy cơ lây nhiễm virus tại chốt kiểm dịch.

Nguy cơ

Trao đổi với Zing, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), đánh giá việc để tình trạng tắc nghẽn giao thông kéo dài tại các trạm kiểm dịch có thể mang đến nguy cơ lây nhiễm virus với người trong khu vực này.

"Lợi thế khi chúng ta ở ngoài trời kết hợp thời tiết nắng nóng, virus không tồn tại lâu trong không khí. Tuy nhiên, khi tình trạng ùn tắc diễn ra, người dân mặt đối mặt, thời tiết nóng thậm chí có thể làm họ kéo khẩu trang xuống, đeo sai cách, từ đó virus có cơ hội lây lan", bác sĩ này giải thích.

 

Việc ùn tắc giao thông tại trạm kiểm dịch phòng, chống Covid-19 gây ra nguy cơ lây nhiễm virus. Ảnh: Duy Hiệu.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội), cho hay khi ùn tắc giao thông, việc đảm bảo khoảng cách giữa người dân sẽ bị hạn chế. Số lượng người tập trung đông tại một điểm cũng làm nguy cơ lây nhiễm cao hơn.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này khuyên người dân không nên quá lo lắng. Theo ông Nhung, người dân đa số di chuyển bằng xe máy nên có thể giữ khoảng cách trong phạm vi 1 m. Ngoài ra, việc di chuyển ngoài đường là không gian mở cũng phần nào giúp hạn chế tình trạng lây nhiễm.

"Ùn tắc giao thông tạo ra nguy cơ lây nhiễm cao hơn cho người dân trong khu vực đó khi họ tiếp xúc lâu với nhau. Dù không gian mở khiến lượng virus trong không khí loãng hơn, chúng ta vẫn cần tránh tiếp xúc quá gần, ít nhất là hơn 1 m", ông Nhung giải thích thêm.

Dù ủng hộ cách làm của TP.HCM, các chuyên gia cho rằng chính quyền cần cố gắng giải quyết sớm tình trạng này.

Dù nguy cơ lây nhiễm không quá lớn nhờ không gian mở và thời tiết nắng nóng, người dân vẫn nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Ảnh: Hoàng Giám.

"Chúng ta cần giải thích kỹ cho người dân trong giai đoạn phong tỏa hiện nay, họ nên di chuyển như thế nào, quy định đối với người đi qua, đến khu vực này ra sao", bác sĩ Khanh nói.

Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cũng cho rằng chúng ta không thể đổ lỗi việc phong tỏa gây ra tình trạng ùn tắc. Các đơn vị liên quan cần nhanh chóng thông báo rõ ràng cho người dân để họ nắm rõ, tránh tập trung đông người, ảnh hưởng cuộc sống.

Bình tĩnh, tuân thủ quy định

Về quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15+ của TP.HCM, ông Nguyễn Viết Nhung hoàn toàn ủng hộ điều này. Nguyên nhân là ổ dịch mới được ghi nhận tại đây rất phức tạp. Đặc biệt là chùm ca bệnh Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.

"Do đặc thù của việc truyền giáo, những người này di chuyển rất nhiều, số lượng người tiếp xúc lớn. Việc khai báo thậm chí có thể chưa đầy đủ. Do đó, mức độ nguy hiểm của ổ dịch này cũng rất lớn", ông Nhung giải thích.

Theo vị chuyên gia này, khi dịch Covid-19 trong cộng đồng không được kiểm soát, giãn cách xã hội là phương pháp quan trọng nhất giúp tránh sự lây nhiễm từ người sang người.

2 tuần giãn cách xã hội là cơ hội tốt để TP.HCM kiểm soát tình hình dịch Covid-19. Ảnh: Hoàng Giám.

"Sau khoảng thời gian này, số ca mắc được ghi nhận dừng lại, thành phố sẽ an toàn. Tuy nhiên, nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, thời gian giãn cách có thể sẽ kéo dài hơn. Đây là biện pháp cuối cùng để thành phố kiểm soát tình hình dịch", ông Nhung nhận định.

Do đó, vị chuyên gia này cho rằng người dân nên thực hiện đúng chỉ đạo của thành phố. "Dù xác định mục tiêu kép, chúng ta cần phân biệt rõ đâu là ưu tiên hàng đầu. Trong trường hợp này, phòng, chống dịch sẽ luôn được đặt lên đầu tiên", ông Nhung chia sẻ.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết 2 tuần tới sẽ giúp TP.HCM vây được các F0, đồng thời truy vết và cách ly toàn bộ F1. Mặt khác, việc người dân hạn chế di chuyển sẽ tránh tạo thêm nguồn lây. Chuyên gia này khuyến cáo người dân nên bình tĩnh và đảm bảo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế.

Từ ngày 27/4 đến nay, theo công bố của Bộ Y tế, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 227 bệnh nhân Covid-19. Các chuỗi lây nhiễm chưa xác định được nguồn lây là chùm ca bệnh gia đình bán bánh canh O Thanh (Nguyễn Đình Chiểu, quận 3), ổ dịch liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng vàhai nhân viên ở Bệnh viện quận Tân Phú.

Nguồn Zing