Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Làng nghề lò rèn ấp Lộc Trác, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, hình thành từ hàng trăm năm và tồn tại đến ngày nay…
Làng nghề lò rèn ấp Lộc Trác, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, hình thành từ hàng trăm năm và tồn tại đến ngày nay. Trước đây, khi công cụ sản xuất nông nghiệp còn thô sơ, lạc hậu, nghề rèn phát triển cực thịnh. Lúc đó ở ấp Lộc Trác gần như nhà nhà có lò rèn, người người tham gia làm nghề rèn. Có thể nói ở Lộc Trác tập trung lò rèn nhiều nhất tỉnh. Thế nhưng hiện nay, nghè rèn ở Lộc Trác đang gặp rất nhiều khó khăn, đe doạ làng nghề có nguy cơ mai một.
Ông Phan Văn Thành, 68 tuổi, hơn 40 năm làm nghề rèn và là một trong những gia đình hiện nay còn lò rèn tại ấp Lộc Trác cho biết, những năm đầu mới giải phóng, ở đây có hơn 220 hộ làm lò rèn. Lúc đó nghề rèn rất “có giá”, sản xuất được bao nhiêu sản phẩm đều bán hết bấy nhiêu. Thậm chí có khi khách hàng còn phải đặt cọc trước mới có hàng. Gia đình nào làm lò rèn đều có cuộc sống ổn định, con cái học hành đến nơi đến chốn, không phải lo cái ăn, cái mặc. Hằng ngày, từ lúc nửa đêm, tiếng búa đe vang lên inh ỏi khắp vùng, đánh thức những gia đình dậy muộn để cùng góp tiếng búa với mọi người. Để tạo điều kiện cho người dân làng nghề rèn phát triển mạnh hơn, Nhà nước đã đầu tư kéo điện, làm đường hoàn chỉnh. Có điện, những bể than được quạt bằng sức người dần thay thế bằng mô tơ điện, năng suất lao động tăng. Nhiều người dân Lộc Trác tưởng chừng như nghề rèn sẽ ngày càng phát triển. Thế nhưng…
Cảnh “tiêu điều” của lò rèn hiện nay |
Năm 1981, hợp tác xã lò rèn ở ấp Lộc Trác ra đời. Với mô hình làm ăn tập thể kiểu mới không ít người phấn khởi tham gia. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân nên chỉ sau một thời gian hoạt động, hợp tác xã làm ăn kém dần và đến năm 1986 buộc phải giải thể. Nguyên nhân chủ yếu nhất dẫn đến kết quả đáng buồn này là sản phẩm rèn ngày càng khó tiêu thụ. Trong nền kinh tế thị trường, yêu cầu công cụ sản xuất nông nghiệp ngày càng chất lượng hơn, hiện đại hơn. Những chảo cày theo máy thay dần những lưỡi cày theo trâu; những máy cắt cỏ thay thế lưỡi liềm; những máy gặt đập liên hợp thay người nông dân cắt lúa, đập lúa… Với các mặt hàng tiêu dùng, do làm thủ công với công nghệ lạc hậu nên chất lượng sản phẩm làm ra không thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Từ đó sản phẩm từ làng nghề lò rèn sản xuất dần vắng người mua. Nếu trước đây, mỗi lò rèn bình quân mỗi ngày làm ra được 10 lưỡi cày, 50 dao, 15 rựa, thì hiện nay có khi cả tháng chỉ làm có bấy nhiêu. Chưa kể do thiếu vốn, người dân phải đến nhận nguyên liệu tại các nhà thầu, sản phẩm làm ra phải bán cho nhà thầu theo giá quy định, lời lãi chẳng bao nhiêu. Tiếng búa dập ở ấp Lộc Trác ngày càng thưa thớt dần. Nghệ nhân rèn ở Lộc Trác ngày càng lâm vào cảnh thiếu việc làm.
Từ thực trạng đáng buồn như vậy, nghề rèn cha truyền con nối ở Lộc Trác bị mai một. Hiện nay, ở làng nghề này chỉ còn khoảng 30 hộ làm nghề rèn, nhưng chỉ có những người từ tuổi trung niên trở lên bám nghề, còn những người tuổi trẻ thì tìm đường đi làm ở công ty, xí nghiệp, chẳng màng đến việc tiếp nối nghề cha, ông. Cụ thể như ông Phan Văn Thành có 9 người con, thì chỉ có 2 người theo nghề rèn. Tâm sự với chúng tôi, ông Thành trăn trở: “Nhà tôi làm nghề này đã ba đời, chắc đến đời tôi là chấm dứt. Sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Trong khi giá nguyên liệu ngày càng cao và ngày càng hiếm, có lúc phải mua từ thành phố HCM. Sản phẩm làm ra có giá thành cao nên rất khó bán. Hơn nữa, sản xuất nông nghiệp ngày càng được đầu tư cơ giới hoá nên sản phẩm công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng bế tắc luôn. Bây giờ, nửa đêm không còn nghe tiếng búa, chúng tôi vừa buồn vừa nhớ ngày xưa”.
Theo ông Nguyễn Văn Hết, Bí thư chi bộ ấp Lộc Trác, để bảo tồn được nghề rèn ở đây, Nhà nước cần đầu tư phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, có chính sách cho vay vốn thông thoáng để người dân dễ dàng tiếp cận, trang bị máy móc phù hợp, đồng thời có đơn vị hỗ trợ nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm. Tất nhiên bản thân người làm nghề rèn cũng phải biết đổi mới công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm. Có như thế may ra làng nghề rèn Lộc Trác mới có thể tồn tại được.
Duy Đức