Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Chủ tịch UBND huyện Tân Châu, ông Tạ Châu Lâm cho biết thêm, trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu người dân liên hệ ngành Khuyến nông, mua giống mì không bị bệnh về trồng, thực hiện tốt việc luân canh trên diện tích đã bị nhiễm bệnh theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp.
Nhân công chặt hom giống mì tại một điểm bán giống cây mì ở xã Tân Phú, huyện Tân Châu.
Thời gian qua, dịch bệnh khảm lá mì hoành hành nhưng chưa có thuốc đặc trị, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân chuyển đổi cây trồng trên diện tích khoai mì nhiễm bệnh, cũng như liên hệ với ngành Khuyến nông để mua giống không nhiễm bệnh canh tác. Tuy nhiên hiện nay, ở một số nơi tại huyện Tân Châu, người dân đổ xô cày đất trồng mì, cây mì giống được bán tràn lan dọc theo đường 785. Từ đó, dấy lên lo ngại nếu không kiểm soát tốt, nguy cơ mất vùng nguyên liệu mì hoàn toàn có thể xảy ra- tương tự như dịch bệnh đã làm mất đi vùng nguyên liệu thuốc lá vàng ở huyện Bến Cầu.
Một cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Bến Cầu cho biết, vào những năm 2008-2010, diện tích canh tác thuốc lá vàng trên địa bàn huyện gần 1.000 ha. Những năm sau đó, diện tích trồng loại cây này ngày càng giảm dần do bị bệnh xoăn đọt mà không có thuốc đặc trị.
Khi đó, ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân cần luân canh, chuyển đổi cây trồng một thời gian trên vùng đất trồng thuốc lá vàng nhiễm bệnh. Tuy nhiên, do lợi nhuận cao nên nhiều người vẫn bất chấp, tiếp tục trồng dẫn đến diện tích nhiễm bệnh ngày càng lớn, người trồng lỗ nặng vì năng suất thấp.
Tính đến vụ mùa thuốc lá vàng năm 2016, cả huyện Bến Cầu chỉ còn khoảng 80 ha thuốc lá vàng được trồng rải rác. Vì thiếu nguyên liệu nên phần lớn các lò sấy thuốc trên địa bàn huyện đóng cửa, chỉ còn vài nơi hoạt động cầm chừng. Từ một vùng nguyên liệu mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người nông dân, đến nay coi như huyện Bến Cầu mất trắng, quả thật là một điều đáng buồn.
Nguy cơ đe doạ vùng nguyên liệu mì
Những ngày qua, người dân Tân Châu đổ xô cày đất, đi tìm mua giống mì để trồng vụ Ðông Xuân, dù ở huyện này, diện tích cây mì bị bệnh khảm lá khá lớn. Dọc theo đường 785, từ xã Tân Hưng lên đến xã Tân Ðông, không khó để bắt gặp những điểm bán cây mì giống ven đường, luôn sẵn sàng cung cấp giống cho nông dân.
Tại một điểm bán giống cây mì ở xã Tân Hưng, bà Trần Thị Thuỳ- ngụ ấp Tân Lợi, xã Tân Phú đang chọn mua giống cho biết, gia đình vừa bị mất trắng 1,5 ha mì do dịch bệnh khảm lá. Vụ Hè Thu, gia đình quyết định chuyển sang trồng đậu, bắp để cải tạo đất, hy vọng sang vụ Ðông Xuân 2017-2018 có thể trồng lại, do vậy gia đình tiếp tục đi mua giống về trồng mì tiếp. Ðiều bà băn khoăn là, dù đã chuyển đổi cây trồng để cải tạo đất, vụ này tiếp tục xuống giống mì không biết có hiệu quả hay không hay lại bị dịch bệnh tấn công như trước.
Hiện tại, tại các điểm bán giống, giá cây mì giống siêu bột tăng gấp đôi. Một người dân cho biết, trước đây chỉ có 10.000 đồng/bó cây giống, giờ tăng lên 20.000 đồng. Người bán giới thiệu lấy giống ở các tỉnh khác về, bảo đảm không có bệnh khảm lá.
Thế nhưng, theo chị Lê Thu Trang- ngụ xã Tân Phú, nghe các cơ quan chức năng khuyến cáo không nên sử dụng lại giống cây mì đã nhiễm bệnh, gia đình chị tìm mua giống mới, người bán quảng cáo là siêu bột, chống dịch bệnh. Sau khi xuống giống trên 2 ha, cây mì vừa có củ non thì hiện tượng xoăn lá tiếp tục xuất hiện, có thể lại mất trắng vì bệnh khảm lá.
Trong khi đó, tại một diện tích đất trồng mì ở xã Tân Phú, người dân cứ vô tư cày đất xuống giống ngay bên cạnh khu đất từng bị nhiễm bệnh khảm lá nặng nề, không hề quan tâm đến nguy cơ lây lan bệnh. Rõ ràng, nông dân vẫn chưa thật sự hiểu rõ nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh, đòi hỏi các ngành chức năng phải vào cuộc, có biện pháp ngăn chặn sớm.
Người dân lựa mua cây mì giống tại một điểm bán giống cây mì ven đường 785, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu.
Không thể kiểm tra bằng mắt thường
Trước nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trở lại trên diện rộng, đe doạ vùng nguyên liệu khoai mì, mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nội dung hướng dẫn luân canh, chuyển đổi cây trồng trên diện tích khoai mì bị nhiễm bệnh khảm lá, và kiểm soát bệnh khảm lá vụ Ðông Xuân 2017-2018.
Sở NN&PTNT cũng yêu cầu chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn kiểm tra, giám sát chặt chẽ các điểm kinh doanh giống khoai mì trên địa bàn, bảo đảm không sử dụng cây mì từ các vùng có dịch, đồng thời đăng ký với Trung tâm Khuyến nông qua Trạm Khuyến nông huyện, thành phố nhu cầu về giống mì của người dân. Ðối với diện tích mì mới xuống giống vụ Ðông Xuân 2017-2018, nếu phát hiện bị nhiễm bệnh, tiến hành tiêu huỷ theo văn bản bản hướng dẫn của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch khảm lá cây mì tỉnh.
Chủ tịch UBND huyện Tân Châu Tạ Châu Lâm cho biết, trước việc người dân cày đất để chuẩn bị xuống giống vụ mì Ðông Xuân năm 2017-2018, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân luân canh, thay đổi giống cây trồng trên diện tích đất đã bị nhiễm bệnh, tìm mua giống mì không nhiễm bệnh, rải vôi khử trùng đất trước khi cày...
Thế nhưng, việc quản lý các điểm bán cây giống hiện nay hết sức khó khăn. Qua làm việc với các thương lái, họ đều trả lời là giống cây mì được mua từ tỉnh Bình Phước, không phải là giống cây ở những khu vực bị nhiễm bệnh trong tỉnh. Ðịa phương không thể kiểm tra hoá đơn nguồn gốc xuất xứ, cũng không thể kiểm tra cây giống bằng mắt thường.
Chủ tịch UBND huyện Tân Châu cho biết thêm, trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu người dân liên hệ ngành Khuyến nông, mua giống mì không bị bệnh về trồng, thực hiện tốt việc luân canh trên diện tích đã bị nhiễm bệnh theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. Ông Tạ Châu Lâm cho rằng, ngành Nông nghiệp cũng cần chủ động đẩy mạnh việc cung cấp giống cây mì không nhiễm bệnh, đáp ứng nhu cầu của nông dân, hạn chế nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh.
THIÊN TÂM