Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nguy cơ quá tải xử lý rác thải sinh hoạt thông thường đã hiện hữu
Thứ ba: 10:30 ngày 22/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Những ngày qua, người dân sống gần nhà máy xử lý rác thuộc Công ty cổ phần công nghệ môi trường Tây Ninh phản ánh rất nhiều về việc rác thải sinh hoạt không xử lý kịp bị tồn đọng dẫn đến sập tường rào khu chứa rác, nước rỉ rác thải chảy ra môi trường, vấn đề mùi hôi….

Xe vận chuyển rác thải sinh hoạt đưa rác thải sinh hoạt thu gom tại các địa phương về bãi rác Tân Hưng để xử lý vào ngày 21.8

Một bài toán khó

Rác thải rắn sinh hoạt (RTRSH) trên địa bàn tỉnh ngày một tăng bởi sự phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hoá nhanh cùng với đó là sự phát triển du lịch tỉnh nhà. Báo Tây Ninh đã có nhiều bài viết về vấn đề nguy cơ quá tải xử lý RTRSH do trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 nhà máy xử lý RTRSH là nhà máy của Công ty cổ phần công nghệ môi trường Tây Ninh và nhà máy của Công ty Môi trường xanh Huê Phương.

Tuy nhiên thực tế hiện tại, đại diện nhà máy xử lý RTRSH của Công ty Môi trường xanh Huê Phương cho biết, nơi này đang tiếp nhận và xử lý RTRSH cho thị xã Trảng Bàng và huyện Gò Dầu đã hết công suất xử lý. Do đó dù một số huyện có đề nghị doanh nghiệp này tiếp nhận RTRSH để xử lý nhưng doanh nghiệp này không thể tiếp nhận đủ công suất và không thể nâng cao suất xử lý thêm.

Như vậy, các địa phương còn lại trong tỉnh, với lượng RTRSH phát sinh hằng ngày đều được tập trung về xử lý tại nhà máy xử lý rác của Công ty cổ phần công nghệ môi trường Tây Ninh (Nhà máy xử lý rác Tân Hưng). Do đó, có thể nói, lượng RTRSH  mỗi ngày dồn về Nhà máy xử lý rác Tân Hưng không hề nhỏ trong khi công khi đó công suất nhà máy này cũng không phải trong một thời gian ngắn là nâng cấp dây chuyền, công suất xử lý. 

Vấn đề tồn đọng RTRSH tại Nhà máy xử lý rác Tân Hưng đã được Báo Tây Ninh phản ánh trước đây. Khi đó cũng đã xảy ra tình trạng sập tường rào, rác thải tràn ra bên ngoài và nhà máy cũng đã cùng địa phương xử lý vấn đề này. Khi đó, công suất nhà máy xử lý rác Tân Hưng trung bình khoảng 300 tấn/ngày. Quản lý nhà máy vào thời điểm tháng 4.2023 thừa nhận, vào những ngày lễ, ngày tết, mùa du lịch cao điểm có thể xử lý không dứt điểm dẫn đến rác bị tồn. Thời điểm đó, nhà máy tiến hành xây dựng lại hàng rào cũng như cho biết sẽ khắc phục lượng rác tồn đọng với khối lượng khoảng 40 đến 50 ngàn tấn.

Tuy nhiên qua 4 tháng, đến nay tình trạng trên tái diễn và càng nghiêm trọng hơn. Theo cơ quan có thẩm quyền, hiện Nhà máy Tân Hưng lượng RTRSH còn tồn và chưa xử lý kịp khoảng hơn 100.000 ngàn tấn. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến rác tồn đọng gây sập tường rào, chảy nước rỉ rác thải ra ngoài gây ảnh hưởng đến môi trường. Các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh cũng đã nhanh chóng vào cuộc xử lý vấn đề rác thải tồn đọng tại Nhà máy rác Tân Hưng, trong đó có các khía cạnh liên quan đến môi trường nhằm khắc phục sự số này nhanh chóng không để ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực, môi trường xung quanh.

Thế nhưng, tại sao lượng RTRSH tại Nhà máy xử lý rác thải Tân Hưng không được xử lý dứt điểm một thời gian dài vì vấn đề gì, quả thật là một bài toán khó cần lời giải từ các cơ quan có thẩm quyền trong thời gian tới. Bởi nếu một trong hai điểm xử lý RTRSH bị tạm dừng, không biết lượng rác thải sinh hoạt tại các địa phương trong 1 ngày sẽ mang đi đâu để xử lý khi mà những gì ghi nhận có thể thấy, gần như cả hai nhà máy xử lý RTRSH đã hoạt động hết công suất trong thời điểm này.

Lượng rác tồn đang chờ xử lý tại nhà máy xử lý rác Tân Hưng

Cần sớm có giải pháp hữu hiệu trước việc chất thải rắn sinh hoạt ngày càng tăng

Theo Phòng Quản lý đô thị thị xã Hoà Thành, trung bình mỗi ngày lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn Thị xã mà đơn vị thu gom rác đi thu gom dao động khoảng 70 tấn/ngày, thành phố Tây Ninh lượng rác thải sinh hoạt thu gom khoảng 110 tấn/ngày. Như vậy chỉ riêng thị xã Hoà Thành và thành phố Tây Ninh đã chiếm hơn nửa công suất xử lý của Nhà máy xử lý rác Tân Hưng, chưa kể lượng rác thải sinh hoạt tại các địa phương được thu gom đưa về Nhà máy xử lý rác Tân Hưng xử lý mỗi ngày.

Trong khi đó, hiện nay có thể nói hai địa phương này đang có tốc độ đô thị hoá nhanh và tập trung nhiều khách du lịch đến tham quan. Vì thế, vấn đề CTRTT cần thu gom, xử lý trong thời gian tới chắc chắn sẽ tăng chứ không hề giảm. Rồi vấn đề dân cư tăng tại một số địa phương, các địa phương đều xây dựng nông thôn mới, giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới và đang hướng tới xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại các địa phương sẽ được chú trọng hơn và khối lượng CTRSH tăng là điều tất yếu. Với thực trạng hiện nay, cả hai nhà máy xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh đã hoạt động hết công suất nên có thể cho rằng, nguy cơ quá tải về xử lý CTRSH đã hiện hữu.

Đoạn tường rào nhà máy rác Tân Hưng bị sập khiến rác chưa xử lý tràn ra môi trường

Theo cơ quan có thẩm quyền nhận xét, khu xử lý Tân Hưng đang bị quá tải, lượng rác tồn đọng chưa xử lý lớn (khoảng 110.949 tấn), không khả năng mở rộng, nâng công suất xử lý. Khu xử lý Thạnh Đức vừa xử lý chất thải công nghiệp thông thường (100 tấn/ngày) vừa xử lý CTRSH (200 tấn/ngày) nhưng không có khả năng mở rộng do dân cư sống xung quanh, giá đất cao, không phù hợp định hướng phát triển KTXH địa phương trong thời gian tới.

Quả thật, với nhận định như trên thì vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt ở tỉnh cần có một giải pháp căn cơ lâu dài về hiện tại và cả những năm sắp tới. Một vấn đề cần sự vào cuộc chung tay của cả hệ thống chính trị chứ không phải trách nhiệm riêng của bất cứ sở, ngành nào.

Thế Nhân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục