BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nguy cơ xâm nhiễm bệnh tả heo châu Phi còn rất cao 

Cập nhật ngày: 11/05/2019 - 06:27

BTN - Mới đây, ngày 4.5.2019, hai huyện Nhơn Trạch và Trảng Bom của tỉnh Đồng Nai cũng đã công bố dịch tả heo châu Phi. Đây là nguy cơ rất lớn đối với ngành chăn nuôi của tỉnh ta.

Chốt kiểm dịch tạm thời huyện ở huyện Dương Minh Châu.

Ở Tây Ninh, UBND tỉnh đã sớm triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn dịch tả heo châu Phi vào địa bàn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tham mưu UBND tỉnh xây dựng và ban hành kịch bản ứng phó và thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại những cửa ngõ giáp với các tỉnh, thành phố giáp ranh với Tây Ninh, đồng thời thành lập các đội kiểm tra phòng, chống bệnh tả heo châu Phi. Với nhiều hoạt động tích cực phòng chống dịch bệnh, đến nay, sau hơn 2 tháng triển khai, Tây Ninh cơ bản ngăn ngừa hiệu quả dịch bệnh này.

Tuy nhiên, dịch tả heo châu Phi bùng phát và lây lan nhanh trong nước thời gian vừa qua đã gây nhiều khó khăn cho ngành chăn nuôi heo. Đến nay, đã có gần 30 tỉnh, thành phố công bố dịch. Mới đây, ngày 4.5.2019, hai huyện Nhơn Trạch và Trảng Bom của tỉnh Đồng Nai cũng đã công bố dịch tả heo châu Phi. Đây là nguy cơ rất lớn đối với ngành chăn nuôi của tỉnh ta.

Giá heo tiếp tục giảm

Anh Nguyễn Văn Huy- một hộ chăn nuôi tại ấp Bình Trung, xã Bình Minh cho biết, hai năm qua, giá heo liên tục xuống thấp khiến người nuôi lao đao. Gần đây, người nuôi chưa kịp mừng vì giá heo đã được phục hồi thì thông tin dịch tả heo châu Phi bùng phát tại nhiều địa phương trong nước đã khiến giá heo tiếp tục giảm khá sâu. Theo anh Huy, điều anh lo lắng nhất là dịch heo châu Phi đang có xu hướng lây lan nhanh, trong khi chưa có vắc-xin và thuốc chữa trị sẽ khiến người chăn nuôi lâm cảnh trắng tay nếu xảy ra dịch bệnh.

Ông Thành, chủ gia trại tại ấp Bình Linh, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu cho biết, thông tin dịch tả heo châu Phi lan đến huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai khiến giá heo những ngày đầu tháng 5 liên tục giảm. Hiện giá heo hơi còn chưa đầy 40.000 đồng/kg. Theo ông Thành, với giá này, người chăn nuôi chỉ huề  hoặc lỗ vốn. “Sắp tới, khi bán hết 30 con heo còn lại, tôi sẽ treo chuồng chuyển sang làm việc khác”- ông Thành buồn bã cho biết.

Theo ông Minh Quốc, một thương lái thu mua heo tại TP. Tây Ninh, từ thời điểm cuối tháng 4 đến nay, giá heo liên tục giảm. Đặc biệt, giá heo con giống chỉ còn khoảng 50.000 đồng/kg, giảm hơn 50% so với giá hồi đầu tháng 2 vừa qua. Hiện Campuchia đã ngừng nhập khẩu heo giống nên trong thời gian tới, giá heo có thể sẽ tiếp tục giảm.

Tăng cường nhiều biện pháp an toàn sinh học

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tính đến cuối tháng 4.2019, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh là hơn 177.000 con. Trong đó, 82,7% được chăn nuôi tại các trang trại, gia trại tập trung, bảo đảm an toàn sinh học. Toàn tỉnh có 42 cơ sở giết mổ heo tập trung, công suất trên 1.000 con/ngày.

Từ đầu năm đến nay, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ổn định, chưa phát hiện trường hợp bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như heo tai xanh, cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc và bệnh tả heo châu Phi.

Vừa qua, tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức Thú y thế giới (OIE) cũng công bố huyện Ou Ya Dav, tỉnh Ratanakiri thuộc Vương quốc Campuchia (giáp ranh Gia Lai và Đăk Lăk) đã xuất hiện dịch tả heo châu Phi. Do vậy, có thể nói nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm vào tỉnh là rất cao nên UBND tỉnh tiếp tục nhắc nhở, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương... đề cao cảnh giác, tăng cường phòng ngừa dịch bệnh.

Trước đó, ngày 4.3.2019, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 378/UBND về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh. Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng và ban hành kịch bản ứng phó và thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại những cửa ngõ giáp với các tỉnh, thành phố giáp ranh với tỉnh Tây Ninh.

Hiện trên địa bàn tỉnh đã thành lập 11 chốt kiểm dịch tạm thời hoạt động 24/24 giờ và 6 đội kiểm tra liên ngành lưu động thường xuyên kiểm tra phòng, chống bệnh tả heo châu Phi. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt dự toán ngân sách phòng - chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, bao gồm cả dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm 2019 số tiền hơn 4,3 tỷ đồng.

Người chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại, bảo đảm an toàn sinh học trong chăn nuôi.

Theo ông Nguyễn Thành Thúc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y, hiện các ngành, các cấp có liên quan đang khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch tả heo châu Phi. Tuy nhiên, để công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi và các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác đạt hiệu quả, bản thân người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học như thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun thuốc sát trùng; chủ động tiêm ngừa các loại bệnh nguy hiểm đã có vắc-xin như lở mồm long móng, tai xanh, cúm gia cầm…

Khi thấy heo có các biểu hiện mắc bệnh, người nuôi cần nhanh chóng báo với cán bộ Thú y địa bàn và chính quyền địa phương, tuyệt đối không bán tháo, bán chạy heo bệnh, cố ý giấu dịch.

Đồng thời, người dân không nên hoang mang, không “quay lưng” với thịt heo vì virus gây bệnh tả heo châu Phi chỉ lây lan trên heo, không lây nhiễm và không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

Minh Dương