Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Dựng cầu tạm qua kênh:
Nguy hiểm chực chờ
Thứ bảy: 07:17 ngày 14/07/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, tình trạng người dân làm cầu tạm bắt qua kênh mương thuỷ lợi diễn ra khá phổ biến, mặc cho nguy hiểm rình rập…

Dựng cầu tạm qua kênh mương thuỷ lợi.

MUÔN KIỂU CẦU QUA KÊNH

Ði dọc theo kênh Tân Hưng (đoạn qua xã Mỏ Công, huyện Tân Biên) chừng khoảng 1km, sẽ gặp một chiếc bè nổi trôi lênh đênh giữa dòng nước. Chiếc bè tạm bợ được làm từ 5 miếng ván gỗ đặt trên 2 thùng phuy lớn, có dây kéo giăng ngang và cố định cọc ở hai bờ. Ðể di chuyển qua lại giữa hai bên bờ kênh, người dân đứng trên bè, tay nắm chặt dây thừng, dùng sức kéo để bè chuyển động, đưa người đi.

Ðiều khiển thử chiếc bè, chúng tôi không khỏi rùng mình khi cảm nhận sự bấp bênh, bề mặt bè khúc nổi, khúc chìm trông rất chênh vênh. Biết việc đi lại bằng bè tự chế tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng người dân trong khu vực vẫn, phải sử dụng mỗi ngày. Theo người dân, đây là “con đường” ngắn nhất dẫn từ nhà sang vườn, rẫy của họ.  

Cũng tại dòng kênh Tân Hưng, chúng tôi thấy có nhiều cây cầu được làm tạm bợ bắc ngang kênh. Có cây cầu khá kiên cố (so với các cầu tạm bợ khác) theo cách ghép nhiều tấm ván gỗ với nhau tạo thành bề mặt cầu.

Những tấm ván gỗ này không đồng nhất, chắp nối nhau. Lan can cầu là những dây thép mỏng đã hoen gỉ. Khi có phương tiện chạy qua, cầu rung lên và phát ra âm thanh “rắc rắc”.Tại đây, còn có cây cầu khỉ xiêu vẹo trên dòng nước, nhiều người vẫn vô tư qua lại liên tục.

“Những cây cầu này do người dân tự làm nên không được chắc chắn. Có nhiều người qua cầu, do không cẩn trọng nên bị té xuống kênh. Phần lớn các trường hợp tai nạn chỉ gây xây xát nhẹ, chấn thương phần mềm. Khi cầu “xuống cấp”, để đảm bảo an toàn, người dân cũng thường sửa chữa, thay thế mặt cầu, làm lan can hai bên, cắm biển cảnh báo.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Nếu không phải là người địa phương, đi qua cầu không quen rất dễ xảy ra tai nạn!”, một người dân ngụ xã Mỏ Công kể.

Tại kênh 21, đoạn qua xã An Cơ, huyện Châu Thành, nhiều hộ dân dùng một thân cây dừa đặt ngang dòng nước để làm con đường đi lại giữa hai bờ kênh. Một số người dân cho biết, trước đây, mọi người có dựng thêm lan can trên cầu, sau này thân cây thường xuyên bị mục, phải liên tục thay mới, nên cuối cùng chỉ dựng hờ 1 phần thân dừa cho thuận tiện”.

Tình trạng người dân vô tư bắc cầu tạm qua kênh mương thuỷ lợi không chỉ gây mất an toàn, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, mà còn ảnh hưởng đến việc dẫn nước, gây khó khăn cho quá trình cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp.

ÐÂU LÀ GIẢI PHÁP?

Trao đổi về thực trạng nêu trên, đại diện UBND xã Mỏ Công, huyện Tân Biên cho hay, các hộ dân sinh sống gần khu vực kênh Tân Hưng hầu hết đều sản xuất nông nghiệp. Ðể qua bờ kênh đối diện, người dân phải đi một đoạn đường mới gặp cầu bê tông do đơn vị thi công tuyến kênh Tân Hưng xây dựng.

Trước đây, tại khu vực chiếc bè nổi nêu trên, người dân có xây dựng cầu tạm. Nhưng khoảng 3 năm trước, nơi đây xảy ra một vụ tai nạn do uống rượu bia đi qua cầu bị trượt chân rớt xuống kênh tử vong.

Chính quyền địa phương đã cử cán bộ trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra, yêu cầu người dân tự tháo bỏ cầu tạm để bảo đảm an toàn. Sau này, khi nhu cầu đi lại ngày càng tăng, người dân lại tiếp tục làm bè nổi để di chuyển qua kênh.

Ðại diện UBND xã Mỏ Công cũng cho biết, chính quyền đã nắm tình hình, sẽ tiếp tục vận động người dân tháo dỡ bè nổi. Thời gian tới, địa phương vận động các mạnh thường quân đầu tư xây dựng cầu bê tông thay thế cầu tạm để đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá, nông sản của người dân.

Theo một lãnh đạo UBND xã An Cơ, huyện Châu Thành, đa số các cây cầu tạm do người dân tự dựng làm lối đi chung cho vài ba hộ gia đình để đi tắt, hoặc rút ngắn thời gian ra ruộng, rẫy. Trên các tuyến đường giao thông chính, chính quyền địa phương cơ bản đã xử lý hết những cây cầu tạm bợ. Ðối với những công trình cầu, bè nổi mới phát sinh, UBND xã sẽ vận động, yêu cầu người dân tháo dỡ, giảm thiểu tai hoạ.

Theo đại diện Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh, hiện nay, Công ty đang quản lý 1.675 công trình thuỷ lợi. Việc bố trí xây dựng cầu bê tông kiên cố phải dựa theo tình hình địa bàn dân cư; nếu có kiến nghị của địa phương về việc xây dựng thêm cầu, phía Công ty sẽ xem xét và thực hiện.

Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng các công trình khác trên tuyến kênh đều phải có sự đồng ý của Công ty. Tuy nhiên, một số hộ dân sống gần khu vực kênh mương đã tự đầu tư chi phí, xây dựng cầu tạm bắc qua kênh mương.

Trường hợp này là vi phạm các quy định liên quan đến công tác bảo vệ công trình thuỷ lợi. Mặt khác, các cây cầu tạm được xây dựng có quy mô nhỏ, không có lan can bảo vệ… tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.

Thời gian qua, Công ty gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý các trường hợp vi phạm. Hiện nay, theo quy định, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực công trình thuỷ lợi là viên chức, công chức Nhà nước.

Nhân viên Công ty không có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, mà chỉ có thể lập biên bản hiện trạng vi phạm, chuyển giao cho UBND xã, nơi có cá nhân vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật.

Nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về việc xây dựng cầu tạm trên kênh mương thuỷ lợi, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiên quyết xử lý mọi hành vi dựng cầu trái phép để đảm bảo an toàn, tính mạng cho người dân.

PHƯƠNG THẢO - THIÊN DI

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục