Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nguyên nhân 16 tiểu bang nhất trí kiện Tổng thống Mỹ Joe Biden
Thứ sáu: 16:57 ngày 22/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Vụ kiện được khởi xướng với lập luận rằng Nhà Trắng đang đi ngược lại ý định của Quốc hội và chính sách đã có từ hàng thập kỷ của Mỹ.

Texas – nhà sản xuất dầu thô và khí đốt tự nhiên hàng đầu của Mỹ, cùng 15 tiểu bang khác do Đảng Cộng hòa lãnh đạo, hôm 21/3 đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang ở Louisiana để phản đối việc chính quyền Biden đình chỉ phê duyệt các dự án xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới.

Vụ kiện chống lại Tổng thống Joe Biden và Bộ Năng lượng Mỹ đã được khởi xướng với lập luận rằng Nhà Trắng đang đi ngược lại ý định của Quốc hội và chính sách đã có từ hàng thập kỷ của Mỹ.

“Lệnh cấm sẽ đẩy hàng tỷ USD đầu tư ra khỏi Texas, cản trở khả năng tối đa hóa doanh thu của chúng tôi cho các trường công lập, buộc các nhà sản xuất ở Texas phải đốt khí đốt tự nhiên dư thừa thay vì đưa nó ra thị trường và triệt tiêu các công việc quan trọng”, Tổng chưởng lý Texas Ken Paxton cho biết trong một tuyên bố.

Bộ Năng lượng Mỹ đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận từ Bloomberg. LNG là khí đốt đã được làm lạnh đến mức chuyển thành chất lỏng để có thể được chất lên các tàu chở hàng lỏng và vận chuyển đi khắp thế giới theo các hải trình.

Chính quyền Biden tuyên bố hồi cuối tháng 1 rằng họ đang tạm dừng cấp phép cho các dự án xuất khẩu LNG mới để đánh giá xem lĩnh vực này ảnh hưởng như thế nào đến biến đổi khí hậu, nền kinh tế và an ninh quốc gia.

“Việc tạm dừng phê duyệt các dự án LNG mới là để thấy cuộc khủng hoảng khí hậu thực chất là gì: Mối đe dọa hiện hữu của thời đại chúng ta”, ông Biden nói vào thời điểm đó.

Cơ sở xuất khẩu LNG Sabine Pass của Cheniere Energy Inc. ở Louisiana, Mỹ. Ảnh: Power Engineering

Mỹ chỉ bắt đầu xuất khẩu LNG vào năm 2016 nhưng nhanh chóng trở thành nhà cung cấp lớn nhất thế giới, một phần do châu Âu quay lưng với khí đốt qua đường ống của Nga kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hơn 2 năm trước.

Động thái đình chỉ cấp phép của Nhà Trắng đánh vào tâm điểm của cuộc tranh luận về tương lai của năng lượng. Trong khi những người ủng hộ cho rằng khí đốt rất quan trọng trong việc hạn chế sử dụng than đá ở các quốc gia đang phát triển, các nhà môi trường cảnh báo rằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh LNG sẽ khiến nó được sử dụng trong nhiều thế hệ mai sau.

Việc tạm dừng sẽ “làm gián đoạn quá trình phát triển và sản xuất khí đốt tự nhiên và khiến chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nhờ đến tòa án để thực thi luật pháp”, Tổng chưởng lý Louisiana Liz Murrill cho biết trong một tuyên bố sau khi nộp đơn kiện.

Lệnh đình chỉ phê duyệt các dự án xuất khẩu LNG mới được đưa ra khi ông Biden tìm cách thu hút sự ủng hộ từ các cử tri trẻ vốn hăng hái với các vấn đề môi trường trong cuộc tái đấu cam go ở Nhà Trắng.

Ông có thể sẽ phải đối mặt với ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump, người gọi hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người gây ra là một “trò lừa bịp” và đã tuyên bố sẽ phá hủy chương trình nghị sự về khí hậu của đối thủ Đảng Dân chủ.

Theo kế hoạch của ông Biden, các đơn đăng ký xuất khẩu LNG mới sẽ phải được xem xét trong khoảng thời gian không xác định, có tính đến khí hậu cũng như các tác động kinh tế và môi trường rộng hơn.

Sự đình chỉ này sẽ gây nguy hiểm cho tương lai của hơn chục cơ sở xuất khẩu LNG đã được lên kế hoạch.

Các nhà khoa học và nhà hoạt động môi trường hoan nghênh động thái của chính quyền Biden, vốn loại trừ các nhà máy đã được phê duyệt nhưng chưa được xây dựng và có ngoại lệ đối với các trường hợp khẩn cấp về an ninh quốc gia.

Nguồn nguoiduatin.vn

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục