BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nguyên nhân gây bệnh huyết áp thấp 

Cập nhật ngày: 31/07/2018 - 09:40

Tôi năm nay 32 tuổi, gần đây cảm thấy người mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt khi ngồi xuống đứng lên, thỉnh thoảng còn thấy hồi hộp đánh trống ngực.

Tôi khám bệnh ở trạm y tế, đo huyết áp có chỉ số 105/65mmHg. Vậy tôi có bị bệnh huyết áp thấp? Nguyên nhân gây bệnh và cách phòng tránh?

Nguyễn Xuân(Hà Giang)

Bệnh huyết áp thấp thường tập trung nhiều ở phụ nữ với tỷ lệ mắc cao gấp khoảng 30 lần so với nam giới. Huyết áp được coi là thấp khi chỉ số dưới 100/60mmHg, hoặc giảm hơn 20mmHg so với trị số huyết áp bình thường trước đó. Như vậy, chị cần phải biết chỉ số huyết áp thông thường trước đó của mình là bao nhiêu mới xác định được mình có bị huyết áp thấp hay không.

Ở những người bị tụt huyết áp cấp tính, cơ thể không tự kịp điều chỉnh để cung cấp đủ dinh dưỡng và oxy cho các cơ quan có chức năng quan trọng như não, tim, thận gây tổn thương các cơ quan này. Người bị bệnh huyết áp thấp thường có các biểu  hiện như hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, có cảm giác buồn nôn, tay chân tê, lạnh, hồi hộp, tim đập nhanh, đau đầu, tức ngực, tinh thần mệt mỏi, ngủ không sâu, có lúc thoáng ngất, khó tập trung, dễ nổi cáu.

Ngoài ra, có thể suy giảm khả năng tình dục, da nhăn và khô kèm theo rụng tóc… Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh huyết áp thấp bao gồm sự suy giảm chức năng của các cơ quan như tim, thận, hệ tiêu hóa hoặc do hệ thống thần kinh tự động của cơ thể không tự điều chỉnh được dẫn đến tụt huyết áp tư thế.

Cũng có thể do mắc một số bệnh mạn tính gây thiếu máu hoặc kém dinh dưỡng kéo dài như bệnh huyết học, viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng mạn, suy giáp, lao…

Chị cần đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân gây bệnh và có hướng dẫn điều trị. Khi bị mắc bệnh huyết áp thấp, cần ăn đủ chất, uống đủ nước, tập thể dục, thể thao đều đặn, nhẹ nhàng, giữ tinh thần lạc quan, đồng thời tránh làm việc quá sức, căng thẳng, stress.

Nguồn SKĐS