Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Trong điều kiện thời tiết xấu, lái xe cần kiểm soát tốc độ phù hợp với điều kiện mặt đường cao tốc để đảm bảo an toàn.
Sau tai nạn trên cao tốc Hạ Long – Vân Đồn và hiện tượng trượt nước (aquaplaning hay hydroplaning), có nhiều ý kiến băn khoăn rằng mưa có nên giảm tốc độ, giảm bao nhiêu, giảm tốc độ dưới tốc độ tối thiểu có bị phạt, tại sao không cắm biển hạn chế tốc độ khi trời mưa, đường cao tốc thì phải đảm bảo chạy với tốc độ thiết kế sao lại phải giảm tốc...
Trên quan điểm của người sử dụng đường, tôi có chia sẻ như sau. Đầu tiên tôi muốn nhấn mạnh, sau vô-lăng là sự an toàn của bản thân, của những người ngồi trên xe cũng như những người tham gia giao thông xung quanh. Không phải ai cũng may mắn như trường hợp trên xe tai nạn trên đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn (xe được hộ lan giữ lại, đường khá vắng nên không ảnh hưởng đến phương tiện khác). An toàn của mình vẫn phải do mình quyết định.
Mưa có nên giảm tốc độ?
Khi mưa, sức bám của bánh xe và mặt đường giảm, nếu trường hợp cần phanh gấp thì quãng đường phanh sẽ dài hơn so với điều kiện đường khô ráo. Tốc độ càng cao thì chiều dài phanh càng lớn. Chiều dài phanh còn phụ thuộc độ nhám của mặt đường, trọng lượng xe, mức độ mòn của má phanh, xe có được trang bị các công nghệ hỗ trợ không. Ví dụ các hệ thống như: phân bổ lực phanh điện tử EBD (Electronic Brake Distribution), hỗ trợ phanh khẩn cấp – Brake Assist, chống bó cứng phanh (ABS - Anti-Lock Brake System), Cân bằng điện tử ESP (Electronic Stability Program)... Ngoài chiều dài phanh, thì khi xe chạy trên mặt đường có màng nước dày do nước đọng trên mặt đường hoặc mưa to chưa thoát kịp, có hiện tượng trượt nước (aquaplaning hay hydroplaning). Hiện tượng trượt nước phụ thuộc vào:
Tốc độ và gia tốc của xe, mức độ phanh và mức độ đánh lái của lái xe.
Chiều sâu rãnh lốp và mức độ mòn của lốp.
Áp suất lốp: Áp suất lốp quá mức có thể khiến lốp xe bị lệch vào bên trong, nâng cao tâm lốp xe và ngăn không cho rãnh lốp thoát nước.
Tỷ lệ chiều dày của lốp so với bề rộng lốp: tỷ lệ này càng nhỏ thì diện tiếp xúc giữa lốp và mặt đường càng dài và càng mỏng thì xe càng ít có hiện tượng trượt nước (lốp mỏng và đường kính lớn thì ít bị ảnh hưởng hơn so với lốp dày và đường kính nhỏ).
Các thông số lốp ôtô.
Trọng lượng xe: Xe có trọng lượng lớn, nếu lốp xe được bơm căng đúng cách sẽ kéo dài diện tích tiếp xúc giữa bánh xe và mặt đường, cải thiện tỷ lệ chiều dày/bề rộng lốp và có thể giảm thiểu hiện tượng trượt nước. Tuy nhiên, trọng lượng có thể có tác dụng ngược lại nếu lốp xe bị non.
Loại phương tiện: Các phương tiện như xe đầu kéo, xe kéo rơ-moóc... có khả năng bị ảnh hưởng nhiều hơn vì tình trạng trượt nước không đồng nhất do phân bố trọng lượng không đồng đều.
Vì các lý do trên, khi mưa người lái xe nên chủ động giảm tốc độ. Tại Việt Nam, Thông tư 31/2019 của Bộ Giao thông Vận tải quy định các trường hợp phải giảm tốc độ, trong đó có "trời mưa; có sương mù, khói, bụi; mặt đường trơn trượt, lầy lội, có nhiều đất đá, vật liệu rơi vãi". Bên cạnh đó, Thông tư còn quy định khi mưa lái xe phải tăng khoảng cách an toàn giữa hai xe.
Giảm tốc độ bao nhiêu là đủ?
Sẽ không có công thức chung cho mọi người vì ngoài rất nhiều yếu tố ở trên nó còn phụ thuộc vào tâm lý, kỹ năng, kinh nghiệm của người lái. Cùng một loại đường, cùng loại xe nhưng có người bị tai nạn, có người không. Do vậy, tốt nhất nên căn cứ điều kiện đường, thời tiết, tình trạng giao thông, loại xe... mà người lái quyết định tốc độ cho phù hợp để bảo đảm an toàn.
Chạy dưới tốc độ tối thiểu có vi phạm và có bị phạt?
Quy chuẩn Việt Nam 41/2019 quy định các phương tiện không được phép chạy với tốc độ nhỏ hơn tốc độ tối thiểu trong điều kiện giao thông thuận lợi và an toàn. Do đó, khi chạy dưới tốc độ tối thiểu trong điều kiện mưa to, hạn chế tầm nhìn là không bị phạt. Hay đơn giản là ví dụ cao tốc có tai nạn, tắc đường thì làm sao bảo đảm tốc độ tối thiểu được.
Sao không có biển quy định hạn chế tốc độ khi mưa?
Trước kia, có một số cao tốc có biển hạn chế tốc độ khi mưa. Nhưng biển này không có trong quy chuẩn Việt Nam. Ngày 18/12/2014, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có văn bản số 6721 về việc rà soát, điều chỉnh biển báo hiệu hạn chế tốc độ, biển cấm dừng, cấm đỗ xe trên đường cao tốc. Văn bản nêu rõ, hiện nay, trên một số tuyến cao tốc và tuyến quốc lộ tổ chức khai thác như tiêu chuẩn đường cao tốc đang lắp đặt các biển cấm đỗ, cấm dừng, biển hạn chế tốc độ khi trời mưa (có hình vẽ đám mây, mưa).
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ 2008, phương tiện lưu thông trên đường cao tốc không được chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu; chỉ được dừng đỗ xe ở nơi quy định. Quy chuẩn QCVN41:2012 "Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ" và Tiêu chuẩn 22TCN 331-2005 "Biển chỉ dẫn trên đường cao tốc" không có biển báo nào quy định hạn chế tốc độ khi trời mưa.
Vì vậy, việc cắm biển báo cấm đỗ, cấm dừng xe, biển quy định hạn chế tốc độ khi trời mưa trên đường cao tốc là không cần thiết, gây nhầm lẫn cho người điều khiển phương tiện và các cơ quan chức năng khi thực thi nhiệm vụ. Tổng cục ĐBVN đề nghị các cơ quan, đơn vị không lắp đặt các biển trên; rà soát, nếu đã lắp đặt thì tháo bỏ.
Hiện các đường cao tốc chỉ dùng biển báo điện tử để cảnh báo các lái xe chú ý giảm tốc độ khi thời tiết xấu mà không có biển hạn chế tốc độ khi mưa. Ở nước ngoài người ta sử dụng biển báo điện tử để thay đổi tốc độ hạn chế tuỳ theo điều kiện thời tiết (VMS – Variable Speed Limits).
Đường cao tốc sao chạy với tốc độ thấp?
TCVN 5729/2012 định nghĩa: Đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định. Đường cao tốc được chia thành các cấp khác nhau tuỳ theo tốc độ thiết kế. Tại Việt Nam hiện chia 4 cấp là cấp 60, 80, 100, 120 ứng với tốc độ thiết kế là 60, 80, 100, 120 km/h.
Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn được thiết kế với tốc độ 100 km/h, được khai thác với tốc độ 100 km/h. Có nghĩa là các yếu tố hình học của tuyến như bán kính cong, độ dốc dọc tối đa... đảm bảo phương tiện có thể chạy an toàn với tốc độ 100 km/h nhưng trong điều kiện thông thường (mặt đường khô ráo, trời không mưa, không có sương mù...). Ví dụ, khi trời mưa rất to hay sương mù dày đặc, tầm nhìn rất hạn chế thì nhiều người phải nói là "bò" về đến nhà an toàn đã là tốt rồi chứ đừng nói đi với tốc độ chậm 30-40 km/h.
Vì không có quy định cụ thể nên hiểu thế nào là tốc độ an toàn trong điều kiện thời tiết bất lợi sẽ tuỳ từng người. Tốc độ tối đa cho phép là 100 km/h mà trời mưa giảm tốc xuống còn 99 km/h vẫn có thể chống chế tôi giảm tốc độ theo thông tư 31/2019 của Bộ GTVT rồi, vẫn không vi phạm. Rồi tại sao cao tốc mà chỉ chạy tốc độ thấp (khi mưa, mưa to tầm nhìn hạn chế). Quyền quyết định vẫn là ở lái xe, nhưng nên nhớ sau tay lái của bạn là tính mạng bản thân mình và người khác.
Khi tham gia giao thông hãy kiểm soát tốt hay biết làm chủ tốc độ của mình. Chạy chậm kiểu rùa bò trên cao tốc trong điều kiện giao thông thuận lợi và an toàn thì lại chưa chắc an toàn nhưng chạy nhanh trong điều kiện thời tiết bất lợi thì nguy cơ mất an toàn rất cao.
Nguồn VNE