Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Không ai dám nghĩ, một nông dân thuần tuý lại là người đạt giải Nhất hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật năm 2009 của tỉnh, được UBND tỉnh tặng bằng khen. Đó là ông Nguyễn Thanh Tâm (tự Bảy Giá), SN 1954, ở ấp Lộc Tân, xã Lộc Hưng (Trảng Bàng).

Không ai dám nghĩ, một nông dân thuần tuý lại là người đạt giải Nhất hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật năm 2009 của tỉnh, được UBND tỉnh tặng bằng khen. Đó là ông Nguyễn Thanh Tâm (tự Bảy Giá), SN 1954, ở ấp Lộc Tân, xã Lộc Hưng (Trảng Bàng) tuy là một nông dân, nhưng rất thích sáng tạo kỹ thuật, từng suy nghĩ và thiết kế xe cải tiến, xe cần cẩu cứu hộ, máy vun phân bắp, giàn cày vun vồng phủ bạt trồng hoa màu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tâm cho biết, trước đây do hoàn cảnh gia đình khó khăn lại gặp lúc chiến tranh, nên mới học hết lớp 6 ông phải nghỉ học ở nhà lao động phụ giúp gia đình kiếm sống. Sau đó ông được cha mẹ cho theo học nghề sửa máy nổ (chính xác là… máy bơm nước). Những năm đầu miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông tham gia nghĩa vụ quân sự và được đi học lái xe quân sự. Rời quân ngũ, những năm 1980 ông làm ở xưởng cơ khí Bàu Đồn và được lãnh đạo xưởng cho ông đi học nghề đúc gang.
![]() |
Ông Nguyễn Thanh Tâm giới thiệu giàn cày vun vồng phủ bạt |
Sau khi lập gia đình riêng, cuộc sống lúc này gặp nhiều khó khăn, ông nghỉ làm ở xưởng cơ khí và về nhà làm ruộng. Đến khoảng năm 1984, vợ chồng ông được cha mẹ cho ra riêng. Thấy làm ruộng cực khổ mà thu nhập quá thấp, để tăng thêm thu nhập gia đình, ông mua đồ nghề về làm thợ sửa xe đạp và sửa máy bơm nước. Vào thời điểm này chưa có công trình thuỷ lợi, chưa có điện khí hoá, nên máy bơm nước rất thịnh hành ở vùng nông thôn. Vì thế tiệm sửa xe đạp và sửa máy bơm nước của ông Tâm rất đắt khách. Nhờ vậy mà thu nhập không chỉ đủ nuôi sống gia đình, ông Tâm còn có tiền để dành. Khi có nguồn vốn kha khá, ông sắm máy cày về làm đất mướn và gắn rơ -moóc đi kéo mướn cho bà con. Trong quá trình đi kéo mướn, ông thấy máy cày chạy chậm và trọng tải cũng không nhiều, nên ông suy nghĩ làm cách nào đó để có loại xe tải có thể chở hàng nông sản như máy cày kéo rơ -moóc, nhưng chạy nhanh hơn máy cày. Từ suy nghĩ đó, ông đi thành phố Hồ Chí Minh tìm mua một chiếc xe khách cũ về gỡ bỏ mui xe, ông cải tiến lại thùng xe để làm xe tải. Lúc mới cải tiến từ xe khách qua xe tải, do giữ nguyên hộp số xe chở khách nên xe cải tiến của ông Tâm không phù hợp với đường giao thông nông thôn. Khi chạy trên đường trường thì quá nhanh, rất nguy hiểm, còn khi gặp đường lầy thì chạy không nổi. Mà ở địa phương của ông vào thời điểm đó thì hầu hết là đường… lầy. Từ đó, ông cải tiến thêm một bước nữa bằng cách thay đổi hộp số. Nhờ vậy mà xe cải tiến của ông chở được khoảng 5 tấn và rất hợp với đường giao thông nông thôn. Kết quả từ việc làm xe cải tiến bằng máy xe đò, ông Tâm nghiên cứu và làm thêm một xe cải tiến nữa. Lần này ông dùng máy bơm D18 của Trung Quốc làm đầu máy và tự thiết kế thùng xe. Sau đó ông làm thêm mấy chiếc xe cải tiến khác cho anh em trong nhà đi chở mướn. Địa phương ngày càng có nhiều người sắm máy cày, sắm xe “cải tiến”. Trong khi đó vào thời điểm này, hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng chưa được nâng cấp. Hiện tượng xe máy cày, máy kéo, xe cải tiến bị mắc lầy không tự chạy lên được trên đường là chuyện thường xuyên. Từ đó ông Tâm có suy nghĩ làm thế nào đó để có loại xe đưa được các phương tiện giao thông thoát nạn lún lầy.
Khoảng năm 1995, sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, ông mua một chiếc máy bơm D22 về làm xe cải tiến với động cơ mạnh. Xe cải tiến mới này ông gắn thêm một cần cẩu để làm “xe cứu hộ”. Nhờ sáng kiến này, mà ông đã giúp cho nhiều máy cày, máy kéo, xe cải tiến của bà con trong khu vực lên khỏi những bãi sình lầy. Hiện nay xe cần cẩu này vẫn còn được ông sử dụng với chức năng vừa là phương tiện vận tải hàng hoá, vừa là phương tiện “cứu hộ” khi cần thiết.
Cách đây vài năm nhà ông có sản xuất 90 cao bắp. Đến khi vun phân bắp ông phải mướn đến 16 người. Thấy kêu công lao động khó mà chi phí quá cao, nên ông suy nghĩ làm ra máy vun phân bắp. Lúc này nhà ông có một chiếc xe Honda Chaly. Ông tháo lấy máy xe và mua sắt về thiết kế khung làm “máy vun phân bắp”. Máy vun phân bắp của ông làm một buổi được khoảng 1,5 ha, tương đương 18 lao động thủ công. Nếu dùng máy vun phân bắp của ông Tâm sẽ giải phóng được 17 lao động và giảm chi phí được 50% so lao động thủ công.
Không chỉ dừng lại ở máy vun phân bắp, thấy bà con địa phương trồng đồ hàng bông theo cách mới là vun thành vồng rồi phủ bạt lên. Thường thì nông dân thuê trâu cày úp vồng. Qua nghiên cứu thực tế, thấy dùng trâu cày đi chậm và không ngay hàng, ông Tâm suy nghĩ và thiết kế giàn cày úp vồng. Giàn cày gồm 2 chảo cày úp vào nhau, đầu máy kéo vẫn sử dụng đầu máy cày. Máy vun vồng phủ bạt của ông Tâm làm nhanh, tiết kiệm chi phí rất nhiều, nên được bà con địa phương ưa chuộng, nhiều người tìm đến nhà ông đặt làm giàn cắt hàng vun vồng phủ bạt.
Nhờ siêng năng lao động, chịu khó tìm tòi học hỏi, thích sáng tạo kỹ thuật máy móc sử dụng trong nông nghiệp, ông Nguyễn Thanh Tâm thiết kế được nhiều loại máy phục vụ cho nông nghiệp tại địa phương. Từ đó từng bước góp phần giải phóng sức lao động trong nông nghiệp. Hiện ông đang nghiên cứu và sáng tạo một loại máy phục vụ nông nghiệp khác, nhưng “công trình” chưa hoàn thành, nên ông còn giữ “bí mật”.
D.H