Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Nhà, chòi cất trái phép trên đất lâm nghiệp: Tiến độ xử lý còn chậm
Chủ nhật: 11:17 ngày 29/05/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Huyện Tân Châu có số hộ xây cất nhà trái phép trên đất lâm nghiệp nhiều nhất với tổng số là 841 hộ thuộc khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng.

Tình trạng cất nhà, chòi, xây dựng công trình trái phép trên đất quy hoạch lâm nghiệp là vấn đề tồn tại song song với tình trạng bao, chiếm đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích. Giữa tháng 5 năm 2009, UBND tỉnh ký Quyết định số 875/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch giải quyết tình trạng bao, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh Tây Ninh- trong đó có việc xử lý cả các trường hợp cất nhà, chòi trái phép trên đất quy hoạch lâm nghiệp.

Theo Ban chỉ đạo giải quyết tình trạng bao, lấn chiếm đất lâm nghiệp sử dụng không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là BCĐ 1070) thì sau 2 năm triển khai thực hiện Quyết định 875 của UBND tỉnh, tổng số diện tích đất lâm nghiệp bị bao chiếm sử dụng sai mục đích được xử lý thu hồi là 2.635 ha, đạt tỷ lệ gần 60% tổng diện tích bị bao chiếm sử dụng sai mục đích. Trong đó có 1.077,6 ha cây cao su, 688,4 ha cây ăn trái và 869 ha cây nông nghiệp ngắn ngày. Địa phương có tỷ lệ xử lý cao nhất là huyện Tân Biên, đã xử lý được 923,2 ha, đạt hơn 76% tổng diện tích bao chiếm. Kế đến là huyện Dương Minh Châu đã xử lý 88,5 ha, đạt 54,7% diện tích phải xử lý. Còn huyện Tân Châu cũng đã xử lý được 847,2 ha, đạt tỷ lệ 45,4% diện tích phải xử lý. Đây là kết quả của sự nỗ lực lớn ở các địa phương có rừng, đặc biệt là trong năm 2010 khi tất cả các địa phương đều phải tập trung cho đại hội Đảng các cấp. Tuy toàn tỉnh vẫn còn đến hơn 1.800 ha đất lâm nghiệp bị bao chiếm sử dụng không đúng mục đích phải tiếp tục xử lý, nhưng tiến độ thực hiện so với những khó khăn thực tế thì kết quả như vậy đã là khá khả quan.

Một số nhà cất trái phép trên đất lâm nghiệp nhưng đã sống tập trung, ổn định

Thế nhưng công tác xử lý tình trạng cất nhà, chòi trái phép trên đất quy hoạch lâm nghiệp thì lại triển khai thực hiện quá chậm. Ngay từ khi triển khai thực hiện Quyết định 875, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng liên quan và các huyện có rừng tiến hành thống kê, phân loại các đối tượng cất nhà, chòi trái phép để có giải pháp di dời dứt điểm. Tuy nhiên, do phải tập trung thực hiện nhiều việc cùng một lúc nên tiến độ triển khai công tác xử lý nhà, chòi cất trái phép trên đất lâm nghiệp chậm hơn rất nhiều so với công tác xử lý tình trạng bao chiếm. Do đó sau 2 năm triển khai, đến nay các địa phương có rừng chỉ mới thực hiện xong bước thống kê, phân loại các đối tượng cất nhà, chòi trái phép trên đất quy hoạch lâm nghiệp. Trong đó huyện Tân Châu có số hộ xây cất nhà trái phép trên đất lâm nghiệp nhiều nhất với tổng số là 841 hộ thuộc khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Kế đến là huyện Tân Biên, có 173 hộ cất nhà trái phép trên đất quy hoạch lâm nghiệp, trong đó có 133 hộ thuộc địa bàn Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát và 40 hộ thuộc địa bàn Khu rừng Văn hoá- Lịch sử Chàng Riệc. Riêng huyện Dương Minh Châu cũng có 47 hộ cất nhà trái phép trong Tiểu khu 65 rừng lịch sử thuộc xã Phước Ninh.

Theo kế hoạch thì sau khi thống kê, phân loại, các địa phương có rừng lập phương án di dời phù hợp và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có huyện nào lập xong phương án di dời. Bởi vì muốn có phương án phù hợp phải điều tra thực trạng của từng hộ cất nhà trái phép trên đất quy hoạch lâm nghiệp như có nơi định cư hoặc có đất đai nơi khác hay không? Điều kiện kinh tế hiện tại ra sao? Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho công tác di dời nhà, chòi cất trái phép trên đất quy hoạch lâm nghiệp bị chậm đi.

Để đẩy nhanh tiến độ, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện có rừng tiếp tục tổ chức thống kê, phân loại và lập phương án di dời nhà cất trái phép trên đất quy hoạch lâm nghiệp. Cụ thể, đối với những hộ có điều kiện, có đất nơi khác thì địa phương vận động họ tự di dời ra khỏi đất lâm nghiệp. Đối với những hộ không có đất đai ở nơi nào khác để di dời thì địa phương phối hợp các ngành chức năng liên quan lập phương án di dời trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện. Còn đối với những trường hợp dân cư đã sống tập trung, ổn định, có nhà cửa xây dựng kiên cố, có cơ sở hạ tầng như: đường, điện, trường học… thì địa phương báo cáo, đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương điều chỉnh đất quy hoạch lâm nghiệp để bố trí ổn định dân cư, không phải di dời.

SƠN TRẦN

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục