BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhà khoa học Nga bác bỏ mọi liên quan đến chương trình hạt nhân Iran

Cập nhật ngày: 10/11/2011 - 01:25

Trong khi bản báo cáo về việc chính quyền Tehran tiếp cận và sở hữu công nghệ sản xuất vũ khí hạt nhân của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA vẫn còn “nóng hổi”, nhà khoa học Nga được cho là đã giúp Iran chế tạo thiết bị kích nổ đã bác bỏ mọi liên quan đến chương trình hạt nhân của quốc gia vùng Vịnh này.

Theo báo cáo của IAEA, Iran đã được sự giúp đỡ của một chuyên gia người nước ngoài giúp đỡ thiết kế thiết bị có tên máy phát R265. Đây là thiết bị gây nổ có độ chính xác cao nhằm kích hoạt phản ứng hạt nhân dây chuyền. Tuy nhiên, tờ Washington Post trích dẫn nguồn tin tình báo cho biết đó là chuyên gia Liên Xô cũ, có tên là Vyacheslav Danilenko, từng được Trung tâm Nghiên cứu vật lý Iran (PRC) ký hợp đồng thuê làm việc trong 5 năm.

Nga cáo buộc báo cáo của IAEA gây thêm căng thẳng tại Trung Đông

Để xác minh thông tin này, tờ Kommersant – một trong những nhật báo hàng đầu ở Nga đã tìm được ông Danilenko, năm nay 76 tuổi. Tờ Kommersant hôm 10.11 cho biết, ông này từng làm việc hàng chục năm cho Trung tâm nghiên cứu vũ khí hạt nhân của Liên Xô cũ có tên là Chelyabinsk-70. “Tôi không phải là nhà vật lý hạt nhân và cũng không tham gia chương trình hạt nhân của Iran” – ông Danilenko nhấn mạnh và từ chối trả lời thêm bất kỳ câu hỏi nào khác của nhật báo Nga.

Kết quả điều tra của tờ Kommersant cho thấy, ông Danilenko là chuyên gia thực hiện các vụ nổ tạo ra các loại kim cương nano dùng cho các sản phẩm từ dầu nhớt đến dược phẩm. Tờ Washington Post khẳng định, ông làm việc cho Viện nghiên cứu Vật lý Kỹ thuật toàn Nga từ thập niên 1950 cho đến khi nghỉ hưu. Trong khi tờ Kommersant cho biết, ông Danilenko cũng từng làm việc cho Công ty kim cương nano Alit của Ukraine từ 1992 – 1996. Giám đốc Công ty này, ông Vladimir Padalko tiết lộ, các quan chức IAEA và chính phủ nhiều lần liên hệ với ông để xác minh thông tin về Danilenko. “Tôi đã nói đi, nói lại với họ nhiều lần công nghệ tạo kim cương nano không ăn nhập gì đến vũ khí hạt nhân. Nhưng họ cứ hỏi mãi, đặc biệt là khoảng thời gian Danilenko làm việc tại Iran.

Ông Padalko xác nhận, ông Danilenko từng đến Tehran khoảng cuối thập niên 1990, chủ yếu là những công việc liên quan đến kim cương nano, thỉnh thoảng cũng có đi giảng bài.

Trước đó, chính phủ Nga kịch liệt chỉ trích bản báo cáo của IAEA là “phá hoại những nỗ lực giảm dần tình trạng căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân của Iran”. Nga nhấn mạnh, báo cáo của IAEA không có gì mới, chỉ gồm những sự thật mà dư luận từng biết đến. Tuy nhiên, các chuyên gia IAEA “đã cố tình xào nấu” để gây ấn tượng rằng, Iran đang có ý định sản xuất vũ khí hạt nhân với động cơ chính trị. “Phương pháp (viết báo cáo) này khó có thể xem là chuyên nghiệp và công bằng. Hay nói khác hơn, mục tiêu chỉ nhằm cáo buộc Iran” – Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga kết luận.

Đ. Hoàng Thái

Theo Reuters/RIAN