Nhà làng là kiến trúc độc đáo không chỉ là sản phẩm văn hoá đã được các dân tộc trên vùng Trường Sơn - Tây Nguyên sáng tạo từ lâu đời mà nó còn mang sắc thái đặc thù lãnh thổ rất rõ rệt và là biểu tượng của mỗi dân tộc cùng sinh sống trên vùng Trường Sơn - Tây Nguyên bao la và rộng lớn.
Cũng như các dân tộc trên vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, các dân tộc thiểu số vùng núi Quảng Nam như dân tộc Xơ Đăng (gồm các nhóm: Xơteng, Cadong...) gọi ngôi nhà làng (Rông) truyền thống của mình là Dôông, dân tộc Giẻ - Triêng (gồm các nhóm: Bh’noong, Ve, Triêng) gọi là 'Triêng và đối với người Cơtu gọi là Gươl... Dù là Dôông, 'Triêng hay Gươl thì đây là loại hình kiến trúc độc đáo của các dân tộc anh em cùng cư trú trong vùng.
Nói đến vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, trong đó có vùng núi Quảng Nam người ta không chỉ biết đến cái khí phách anh hùng của các dân tộc ở đây mà ai cũng nghĩ ngay đến nhà Rông, nhà Gươl, voi, cây k'nia, đàn t'rưng, cồng chiêng hay những điệu tung tung - da dá, hoặc những đêm hát lý của người Cơtu, múa Xoang, sử thi hay kể khan truyền thống của người Xơ Đăng, Giẻ - Triêng. Song những ngôi nhà làng của các dân tộc vẫn là hình ảnh đậm nét hơn cả, rung cảm hơn cả. Quả vậy, từ xưa đến nay, những ngôi nhà làng truyền thống là một cái gì đó thiêng liêng cao quí và rất đỗi thân thương không thể thiếu trong đời sống xã hội và tinh thần của dân tộc.
Nhà làng của người Xơteng, Cadong, Xơ Đăng, Ve, Triêng, Bh’noong Cơtu vùng núi Quảng Nam bao giờ cũng được xây dựng ở nơi cao ráo đầu làng, làm bằng gỗ quý, tre, nứa, mây... và do những nghệ nhân làng dựng. Trước sân nhà làng bao giờ cũng có cây nêu cao, nơi gọi các thần linh về. Đa số nhà Rông, nhà Gươl lợp bằng tranh, sang trọng hơn thì bằng mây hoặc lá gồi.
Nhà Gươl của người Cơtu bao giờ cũng đứng giữa làng, ở vị trí cao nhất. Nhà Gươl có hai loại: loại hình trái xoài (2 mái lớn, 2 mái nhỏ) và loại hình quả trám, mái nhọn như một chiếc nón úp (gọi là Choong Gươl). Ngôi nhà Gươl được người thợ Cơtu dựng trên một cây cột lớn, được trang trí rất đẹp. Cột này được coi là cột thiêng, biểu hiện của trung tâm vũ trụ. Giữa sân nhà Gươl là cột tế Cơtu, gọi là cây Vũ trụ. Cột tế được trang trí công phu với nhiều mô típ bắt nguồn từ những biểu tượng Mặt trời.
Với người Cơtu, cột tế chính là biểu tượng của cây lúa, là nơi buộc trâu trong các lễ hội đâm trâu. Khi lễ hội, đồng bào đánh cồng chiêng và múa xung quanh cột Tế này. Làng Cơtu thường nằm theo hình vòng tròn hay hình quả trám vây quanh ngôi nhà Gươl. Đó là triết lý cộng đồng sâu sắc trong kiến trúc làng Cơtu.
Một thời gian dài do chiến tranh, do nhận thức chưa thấu đáo của con người về giá trị những ngôi nhà truyền thống của làng trong đời sống hiện đại đang mất dần. Theo điều tra khảo sát của Bảo tàng Quảng Nam, đến tháng 8/2010, các dân tộc Xơteng, Cadong, Xơ Đăng ở hai huyện Nam và Bắc Trà My tỉnh Quảng Nam chỉ có 19 làng/52 làng có nhà Rông, người Bh’noong, Ve, Triêng huyện Nam Giang tỉnh Quảng Nam có 13 làng/ 37 làng có nhà Rông, trong 197 buôn, làng người Cơtu thuộc ba huyện: Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang nơi có số đông đồng bào dân tộc Cơtu sinh sống (gần 5 vạn người), thì tại huyện Tây Giang có hơn 60/70 buôn, làng đã có nhà Gươl. Tại hai huyện Nam Giang và Đông Giang có 70/119 buôn, làng đã có nhà Gươl. Các xã vùng sâu, vùng xa như xã Zuôih, Ch’Om, Tr’Hy, A Xan, ATiêng, xã Lăng… nhà Gươl từng bước được phục hồi, nhưng nhìn chung nhà Gươl ở đây kiểu dáng mái lớn, mái nhỏ ở hai đầu hồi tạo cho Gươl có dạng hình trái xoài.
Việc đầu tư phục hồi hệ thống nhà làng truyền thống ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam trong nhiều năm qua cũng đang nổi cộm nhiều vấn đề bức xúc.
Các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian cho rằng, cái tên “nhà Rông”, “nhà Gươl” đã là một khái niệm văn hoá sâu thẳm nghìn đời đối với bà con dân tộc thiểu số vùng Trường Sơn-Tây Nguyên, vậy tại sao hiện nay lại có thêm một thuật ngữ “nhà Rông văn hoá”, “nhà Gươl văn hoá” không thu hút được tâm linh người làng!
Nhiều ý kiến cũng cho rằng để giữ gìn được bản sắc văn hoá, chính quyền địa phương các tỉnh, huyện miền núi có nhà Rông, nhà Gươl nên vận động, khuyến khích bà con có ý thức bảo tồn những ngôi nhà ở truyền thống để làm sao không làm thay đổi biến dạng buôn, làng cổ truyền. Muốn phục chế nhà Rông, nhà Gươl, Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí để các làng tự thiết kế, xây dựng ngôi nhà làng của mình, giao cho già làng tự tổ chức quản lý sinh hoạt các hoạt động cộng đồng như truyền thống từ xưa. Các địa phương cũng không nên “hiện đại hoá” kiến trúc nhà làng truyền thống theo kiểu nhà Rông, nhà Gươl bê tông, cốt thép, kiến trúc đó sẽ không phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào.
Nhiều năm qua, nhà Rông, nhà Gươl đã được đầu tư và hỗ trợ nhiều song hiệu quả từ việc khôi phục lại nhà làng truyền thống này thiếu có sự nghiên cứu một cách bài bản, cặn kẽ; thậm chí nhiều nơi, nhiều địa phương có khi tự ai nấy làm, dần dần nhà Rông, nhà Gươl trở thành hội trường (!).
Nhà Rông, Gươl không chỉ là nơi gửi gắm khát vọng văn hoá mang tính tâm linh, đồng thời mang tính đặc trưng của kiến trúc nhà ở, nghệ thuật và văn hoá của các dân tộc vùng núi Quảng Nam mà còn là một sản phẩm văn hoá truyền thống đẹp. Không chỉ đẹp ở lòng người những chủ nhân đã sản sinh ra nó, thiết nghỉ cái chủ yếu và trước hết là phải hiểu nhà Rông, nhà Gươl về mọi mặt của nó, phải biết đến và tôn trọng tâm lý và nguyện vọng của nhân dân các dân tộc ở đây.
K.D (st)