BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhà mạng sắp phải báo cáo kết quả thử nghiệm 4G

Cập nhật ngày: 09/06/2016 - 05:17

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Phan Tâm chia sẻ tại Hội thảo quốc tế "Quản lý tần số đối với di động băng rộng và các công nghệ ứng dụng cho di động băng rộng trong tương lai" diễn ra sáng 8/6 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Phan Tâm phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh, Bộ TT&TT rất coi trọng việc phát triển thông tin di động băng rộng các thế hệ tiếp theo để có hạ tầng viễn thông hiện đại, làm nền tảng cho phát triển kinh tế số, góp phần chuyển đổi cơ cấu tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. 

Một trong những mục tiêu cơ bản của Chương trình phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng đến năm 2020 của Chính phủ là phủ sóng 3G/4G đến 95% dân số vào năm 2020, đủ năng lực cung cấp đa dịch vụ băng rộng với chất lượng tốt, giá cước hợp lý theo cơ chế thị trường.

Theo Thứ trưởng Phan Tâm, các mục tiêu này đặt ra rất nhiều thách thức đối với công tác quản lý tần số. Để đạt được hiệu quả cao các hệ thống băng rộng di động phải được phân bổ nhiều tài nguyên tần số. Yêu cầu tổ chức thị trường băng rộng cạnh tranh đòi hỏi phải phân bổ đủ tài nguyên tần số và một cách công bằng cho một số hợp lý các nhà khai thác. 

Mặt khác, để đảm bảo cho sự phát triển thành công bền vững của 4G nói riêng và băng rộng nói chung rất cần một mô hình hợp tác, cơ chế chia sẻ lợi ích hợp lý giữa doanh nghiệp xây dựng hạ tầng băng rộng di động, doanh nghiệp di động ảo, nhà sản xuất thiết bị đầu cuối, doanh nghiệp cung cấp nội dung và cả người sử dụng di động. Vấn đề này cũng rất cần được xem xét một cách toàn diện và có giải pháp sớm ngay từ khâu quy hoạch và tổ chức cấp phép tần số.

“Bộ TT&TT luôn coi trọng việc học tập kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chính sách phát triển Internet, viễn thông và tần số vô tuyến điện. Bộ cũng rất cần kinh nghiệm quốc tế để có thể triển khai nhanh hơn, hiệu quả hơn công nghệ 4G, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hoàn thiện chính sách cấp phép 4G và các doanh nghiệp cũng đang tích cực chuẩn bị báo cáo kết quả thử nghiệm 4G để xin phép triển khai chính thức”, Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định.

Được biết, các doanh nghiệp viễn thông đã bắt đầu triển khai thử nghiệm 4G. Trong giai đoạn thử nghiệm, VNPT phủ sóng 4G toàn bộ huyện đảo Phú Quốc với 50 trạm, và một số quận tại Trung tâm TP Hồ Chí Minh với 100 trạm phát sóng 4G. Theo dự kiến sau khi được cấp phép, VNPT sẽ tập trung mở rộng lắp đặt các trạm tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và các tỉnh có thị phần cao như Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Nam Định, …giúp người dùng trên toàn quốc có cơ hội trải nghiệm các dịch vụ tiện ích mạng VinaPhone 4G mang lại.

Như vậy, nếu không có gì thay đổi, tới đây các doanh nghiệp viễn thông sẽ báo cáo kết quả thử nghiệm 4G. Căn cứ trên kết quả này, cơ quan quản lý sẽ xây dựng các phương án cấp phép chính thức theo hướng khả thi và sát thực tế nhất.

Nguồn XHTT


Liên kết hữu ích