Đến cuối tháng 2.2010 nhà máy đã đầu tư trồng mới và chăm sóc mía lưu gốc được hơn gần 5.600 ha- bằng với tổng diện tích vùng nguyên liệu mía của nhà máy trong năm trước.
Vận chuyển mía vụ chế biến 2009-2010 khá thuận lợi |
Ngày 5.11.2009, Nhà máy đường Biên Hoà vào vụ chế biến mía đường 2009-2010 trong tình hình vùng nguyên liệu mía đang dần hồi phục. Ngày 13.2.2010, Nhà máy đường Biên Hoà kết thúc vụ chế biến mía đường 2009-2010. Vụ chế biến năm nay chính sách thu mua khá thoáng nên các nhà máy trên địa bàn tỉnh nói chung và Nhà máy đường Biên Hoà nói riêng đã hoạt động ổn định và kết thúc vụ chế biến khá thuận lợi.
Ông Phạm Công Hải- Giám đốc Nhà máy đường Biên Hoà cho biết vụ chế biến mía đường 2009-2010 Nhà máy thu mua được gần 303.000 tấn mía cây- tăng hơn vụ trước khoảng 40.000 tấn, với chữ đường bình là 9,45 CCS- cao hơn vụ trước 0,25 CCS. Tất cả mía nguyên liệu thu mua được đưa về chế biến hết tại nhà máy. Sản lượng đường sản xuất trong vụ hơn 26.500 tấn- tăng gần 2.000 tấn so với vụ trước. Đánh giá về vụ chế biến mía đường 2009-2010, lãnh đạo Nhà máy đường Biên Hoà cho rằng đây là vụ chế biến khá thuận lợi do giá thu mua mía cao nhất từ trước đến nay. Khởi động vụ chế biến, nhà máy thu mua mía với giá 655.000 đồng/tấn 10 CCS tại ruộng- cao hơn vụ trước đến 75.000 đồng/tấn, trong đó giá cơ bản được điều chỉnh từ 500.000 đồng lên 530.000 đồng/tấn 10 CCS cùng các khoản hỗ trợ khác. Riêng đối với một số giống đang khuyến khích trồng như giống VN, LK 92-11 thì nhà máy còn hỗ trợ thêm 20.000 đồng/tấn nữa, nâng giá thu mua các giống này lên 675.000 đồng/tấn 10 CCS. Sau đó, Nhà máy tiếp tục điều chỉnh tăng mức hỗ trợ thu mua mía. Việc bao chữ đường vụ này cũng thoáng hơn- đối với một số giống khuyến khích trồng như VN, LK 92-11 nhà máy bao 10 CCS, còn đối với các giống khác còn lại thì bao chữ đường 9,5 CCS- cao hơn vụ trước 0,5 CCS. Ngoài ra, nỗi lo về phương tiện vận chuyển trong vụ chế biến năm nay cũng giảm hẳn vì được UBND tỉnh cùng các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi tối đa. Thuận lợi trong vụ chế biến này- đặc biệt là về giá thu mua mía nguyên liệu đã góp phần không nhỏ vào nỗ lực khôi phục và phát triển vùng nguyên liệu mía của nhà máy.
Tuy nhiên, Trong vụ chế biến vừa qua do nắng nóng gay gắt, mía khô nhanh, đồng thời hầu hết người trồng mía đều muốn sớm thu hoạch mía trước Tết Nguyên đán nên có lúc áp lực thu hoạch tăng rất cao. Để giải quyết nhu cầu này của nông dân, lãnh đạo Nhà máy đường Biên Hoà đã tăng cường lịch chặt mía và tăng công suất chế biến. Có lúc nhà máy phải chạy đến 3.700 tấn mía cây/ngày- vượt công suất thiết kế (3.500 tấn mía cây/ngày) mới đáp ứng kịp lượng mía đông ken về nhà máy.
Theo kế hoạch, năm nay Nhà máy đường Biên Hoà cố gắng nâng diện tích vùng nguyên liệu mía của nhà máy lên 6.300 ha- cao hơn vụ trước khoảng 800 ha. Để thực hiện được kế hoạch, Nhà máy đã tăng cường chính sách đầu tư cho cây mía chuẩn bị cho vụ chế biến mía đường 2010- 2011 với tổng mức cho mía trồng mới là 22,1 triệu đồng mỗi ha và mía lưu gốc là 17,1 triệu đồng mỗi ha- trong đó có một số khoản hỗ trợ có điều kiện. Cụ thể về định suất cơ bản thì đối với mía trồng mới đầu tư 15 triệu đồng/ha- cao hơn vụ trước 3 triệu đồng/ha và đối với mía lưu gốc đầu tư 10 triệu đồng/ha- tăng hơn vụ trước 2 triệu đồng/ha. Ngoài suất đầu tư cơ bản, Nhà máy còn cho vay vốn thâm canh cây mía như: đối với mía trồng mới, giai đoạn sau khi bón thúc chăm sóc lần 1, đạt mật độ trên 60.000 cây/ha và phát triển tốt thì được vay thêm 3 triệu đồng/ha; đối với mía lưu gốc, sau khi bón thúc lần 2, mật độ trên 60.000 cây/ha và phát triển tốt thì cũng được vay thêm 3 triệu đồng/ha. Ngoài ra, Nhà máy còn có thêm chính sách hỗ trợ có điều kiện đối với người trồng mía như: đối với mía trồng mới Nhà máy hỗ trợ mức tối đa là 4,1 triệu đồng/ha nếu nông dân cam kết bán mía cho Nhà máy 4 vụ liên tiếp và năng suất đạt trên 60 tấn/ha… Ngoài ra, vụ mía này, Nhà máy đường Biên Hoà còn có chính sách hỗ trợ thêm cho các diện tích mía đã bị bệnh rượu 1 triệu đồng/ha để chủ mía đầu tư mua vôi xử lý đất trước khi trồng, đồng thời cũng hỗ trợ thêm 700.000 đồng/ha nếu nông dân lên liếp trồng mía ở vùng đất thấp đúng quy trình kỹ thuật.
Nhà máy đường Biên Hoà đã kết thúc vụ chế biến 2009-2010 |
Theo số liệu thống kê mới đây của Nhà máy đường Biên Hoà, đến cuối tháng 2.2010 nhà máy đã đầu tư trồng mới và chăm sóc mía lưu gốc được hơn gần 5.600 ha- bằng với tổng diện tích vùng nguyên liệu mía của nhà máy trong năm trước. Còn khoảng 1 tháng nữa mới kết thúc vụ mía đông xuân, tiếp đến vụ mía hè thu nên diện tích mía vẫn đang tiếp tục tăng. Theo đánh giá của lãnh đạo Nhà máy đường Biên Hoà, khả năng phát triển vùng nguyên liệu lên 6.300 ha mía năm nay sẽ đạt kế hoạch, và như thế sản lượng mía thu mua, sản lượng đường chế biến vụ 2010-2011 chắc chắn sẽ tăng cao hơn vụ vừa qua.
Sơn Trần