Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Trước khó khăn của người trồng mía:
Nhà máy nâng giá thu mua
Thứ ba: 23:32 ngày 16/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Số tiền mỗi tấn mía chỉ tăng vài chục ngàn đồng nhưng nếu nhân lên con số hàng trăm, hoặc hàng ngàn tấn của mỗi hộ trồng thì tổng số tiền nông dân gỡ gạc lại được là rất lớn trong tình hình giá thu mua mía quá thấp như hiện nay.

Mía được đưa về một nhà máy chế biến.

Vừa qua, trên các số báo ra ngày 30.1 và 1.2.2019 có loạt bài “Làm gì để mía không còn đắng”, phản ánh những bức xúc của nông dân trồng mía cũng như những bất cập về thực trạng sản xuất, tiêu thụ mía những năm gần đây, mà gần nhất là vụ thu hoạch 2018 - 2019.

Trong đó, vấn đề “nóng” nhất là tình trạng doanh nghiệp đột ngột giảm giá thu mua mía cây theo hợp đồng từ 900.000 đồng/tấn xuống còn 700.000 đồng/tấn. Điều này khiến nhiều nông dân bị “sốc”, bởi rất nhiều người trồng mía bị thua lỗ khi giá thu mua giảm mạnh, trong khi chi phí đầu tư trồng mía ngày càng tăng cùng với nhiều khó khăn, nhất là tình trạng cháy mía gây thiệt hại nghiêm trọng cho người trồng.

Điều chỉnh chính sách thu mua

Sau loạt bài trên, 3 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp và Nhà nước) đã có những buổi làm việc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhằm hỗ trợ nông dân hạn chế thua lỗ và cố gắng giữ vùng nguyên liệu mía phục vụ nhu cầu chế biến của các nhà máy.

Mới đây, Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hoà (TTC-BH) đã có thông báo điều chỉnh chính sách thu mua vụ thu hoạch 2018-2019. Theo doanh nghiệp này, diễn biến vụ mía đường vừa qua rất khó khăn. Chênh lệch cung - cầu dẫn đến thặng dư lớn trong 3 năm liên tiếp vừa qua đã khiến cho giá đường trên thế giới giảm hơn 40%, gây tác động mạnh đến giá đường trong nước.

Dù thị trường đường Việt Nam nhiều khó khăn nhưng để đồng hành, hợp tác lâu dài cùng người trồng mía, từ đầu vụ 2018-2019, Công ty TTC-BH đã thực hiện các chính sách trợ giá đầu tư cho người trồng mía Tây Ninh 11 - 12 triệu đồng/ha mía trồng mới; 2,9 - 3,8 triệu đồng/ha mía gốc vụ 2 trở lên, tương ứng với mức 80.000 đồng/tấn mía cây.

Theo chính sách cũ (được TTC-BH ban hành ngày 30.11.2018), từ ngày bắt đầu ép mía đến ngày 11.1.2019, giá mua mía trên xe tại ruộng đạt 10 CCS là 750 ngàn đồng/tấn mía sạch (bao gồm giá mía cơ bản 10 CCS tại ruộng trên xe 700.000 đồng/tấn, giá mua mía bổ sung 50.000 đồng/tấn). Bảo hiểm CCS là 8%.

Từ ngày 12.1.2019 đến ngày 1.2.2019, giá mua mía trên xe tại ruộng đạt 10 CCS là 720 ngàn đồng/tấn mía sạch (bao gồm giá mía cơ bản 10 CCS tại ruộng trên xe 700.000 đồng/tấn, giá mua mía bổ sung 20.000 đồng/tấn). Bảo hiểm CCS là 8%.

Từ ngày 2.2.2019 đến ngày 14.3.2019, giá mua mía trên xe tại ruộng đạt 10 CCS là 730 ngàn đồng/tấn mía sạch (bao gồm giá mía cơ bản 10 CCS tại ruộng trên xe 700.000 đồng/tấn, giá mua mía bổ sung 30.000 đồng/tấn). Bảo hiểm CCS là 8%.

Từ ngày 15.3.2019 đến cuối vụ thu hoạch, giá mua mía trên xe tại ruộng đạt 10 CCS là 750 ngàn đồng/tấn mía sạch (bao gồm giá mía cơ bản 10 CCS tại ruộng trên xe 700.000 đồng/tấn, giá mua mía bổ sung 50.000 đồng/tấn). Bảo hiểm CCS là 8%.

Mía vụ 2019-2020 ở một nông trường.

TTC-BH cũng ra điều kiện khá “khắt khe” để nông dân được các khoản tiền mua mía bổ sung. Cụ thể, diện tích mía vụ trồng 2018-2019 (sẽ thu hoạch vào vụ 2019-2020) được lưu gốc, trồng lại, phá gốc trồng lại hoặc phát triển mới bằng hoặc lớn hơn diện tích vụ trồng 2017/2018 (thu hoạch trong vụ 2018-2019) và các diện tích này được tái ký hợp đồng tiêu thụ với TTC-BH.

Trong trường hợp diện tích trồng lại, phá gốc trồng lại, diện tích mía gốc, diện tích phát triển mới không đạt 100% diện tích thu hoạch vụ 2018-2019 thì sản lượng được tính giá mua mía bổ sung trong trường hợp này là tương ứng với tỷ lệ diện tích còn lại (tổng diện tích ký hợp đồng vụ thu hoạch 2019-2020) trên tổng diện tích thu hoạch vụ 2018-2019.

Diện tích mía được phát triển mới là diện tích được chuyển đổi từ cây trồng khác hoặc diện tích mía vụ trước chưa ký hợp đồng với bất kỳ nhà máy nào thuộc TTC. Khách hàng được nhận khoản giá bổ sung sau khi mía trên diện tích tái ký/ký mới vụ đầu tư 2018-2019 được nảy mầm hoặc tái sinh gốc đạt từ 80% trở lên.

Nông dân mừng nhưng vẫn chưa vui

Tuy nhiên, trước những khó khăn của nông dân (khi nhà máy giảm giá thu mua - PV), sau một quá trình “đàm phán”, vừa qua, TTC-BH đã đồng ý điều chỉnh tổng giá thu mua mía toàn vụ thu hoạch 2018-2019 là 750.000 đồng/tấn (bao gồm giá mía cơ bản 10 CCS tại ruộng trên xe là 700.000 đồng/tấn mía sạch và giá mua mía bổ sung 50.000 đồng/tấn). Bảo hiểm CCS là 8%.

Đồng thời, điều kiện để được các khoản mua mía bổ sung cũng được điều chỉnh. Cụ thể, điều kiện áp dụng là toàn bộ khối lượng mía đầu tư (mía nguyên liệu) giao trong vụ thu hoạch 2018-2019, ngoại trừ các thửa mía còn trong thời hạn hợp đồng đầu tư mà huỷ gốc (tức mía tơ hoặc mía gốc 1 trong vụ thu hoạch 2018-2019 nhưng sau khi kết thúc thu hoạch thì tiến hành huỷ gốc không trồng lại hoặc không có diện tích thay thế.

Thời điểm chi tiền mua mía bổ sung là sau khi kết thúc vụ thu hoạch. Riêng đối với các thửa mía còn trong hạn hợp đồng đầu tư, thời điểm chi là khi các diện tích này hoặc diện tích thay thế đã được nghiệm thu nẩy mầm, tái sinh gốc đạt yêu cầu.

“Việc nhà máy Thành Thành Công  - Biên Hoà nhượng bộ khi nâng giá thu mua mía bổ sung thống nhất từ đầu đến cuối vụ ở mức 50.000 đồng/tấn là điều đáng mừng của người trồng mía. Số tiền mỗi tấn mía chỉ tăng vài chục ngàn đồng nhưng nếu nhân lên con số hàng trăm, hoặc hàng ngàn tấn của mỗi hộ trồng thì tổng số tiền nông dân gỡ gạc lại được là rất lớn trong tình hình giá thu mua mía quá thấp như hiện nay.

Tuy nhiên, nông dân chúng tôi vẫn chưa hoàn toàn yên tâm về việc đo chữ đường của nhà máy và rất bức xúc với việc bị nhà máy trừ tạp chất quá nhiều, gây tổn hại đến lợi ích của nông dân”, một nông dân đề nghị không nêu tên cho biết.

Mía được đưa về một nhà máy chế biến.

Đồng thời, một số nông dân trồng mía bức xúc trước việc doanh nghiệp giảm giá thu mua mía trái với thoả thuận trong hợp đồng (từ 900.000 đồng/tấn xuống 700.000 đồng/tấn mía sạch 10 CCS tại ruộng trên xe) đã nộp đơn kiện ra toà án. Hiện nay, đã có người rút đơn kiện theo vận động của phía doanh nghiệp thu mua, nhưng theo Hội Người trồng mía Tây Ninh, đang có gần 10 nông dân tiếp tục nộp đơn và theo đuổi vụ kiện này để đòi quyền lợi.

Một nông dân trồng mía ở Tân Châu cho biết, ông đang trồng 35 ha mía và ký hợp đồng tiêu thụ với một nhà máy trên địa bàn huyện. Kết thúc vụ chế biến vừa qua, do giá mía giảm mạnh, ông lỗ gần 350 triệu đồng, bình quân lỗ 10 triệu đồng/ha.

Một nông dân khác trồng gần 1.000 ha mía ở Campuchia cho biết: “Tính sơ sơ, vụ này tôi bị lỗ hơn 2 tỷ đồng. Nếu giá mía ở mức 800.000 đồng/tấn thì nông dân mới có thể huề vốn hoặc có lời chút ít. Còn với giá mía như hiện nay, hầu hết nông dân đều lỗ vốn, ít người có lời và lời cũng không đáng kể so với các cây trồng khác trên cùng diện tích”.

Ông Lê Đức Tồn, giám đốc nhà máy đường thuộc Công ty cổ phần TTC-BH cho biết vừa kết thúc vụ thu hoạch - chế biến 2018-2019 vào cuối tuần qua. Vụ trồng 2018-2019 này, diện tích mía trong vùng nguyên liệu của nhà máy đã giảm khoảng 25% so với vụ trước. Hiện nay, phía TTC-BH chưa có sự thay đổi nào về chính sách thu mua mía cho vụ sắp tới (2019-2020) so với vụ vừa qua.

BẢO TÂM

Theo nhiều nông dân, phía TTC-BH đã ký hợp đồng với người trồng mía từ cuối năm 2016 với một số thoả thuận như sau: Hợp đồng được ký kết trong 3 vụ mùa liên tiếp kể từ vụ thu hoạch 2017-2018 đến vụ thu hoạch 2019-2020. Trong hợp đồng có ghi: Giá thu mua mía là giá được tính theo chữ đường và trọng lượng mía sạch (đã trừ tạp chất). Giá thu mua mía bảo hiểm thấp nhất là 900.000 ngàn đồng/tấn mía có chữ đường 10CCS, chưa bao gồm chi phí vận chuyển.
data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục