Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nhà nông còn khó đủ đường
Thứ sáu: 08:56 ngày 25/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tại 2 xã Phước Ninh, Phước Minh (huyện Dương Minh Châu), ổi Đài Loan, ổi ruột đỏ hay cá lóc bông, ba ba… được nhiều người tiêu dùng biết đến, vì chất lượng ngày một được nâng cao. Tuy nhiên, nông dân vẫn còn nhiều khó khăn, trăn trở.

Vườn ổi của gia đình ông Võ Thành Tâm.

Thiếu vốn

Những năm qua, nhiều nông dân xã Phước Ninh, Phước Minh đã chuyển đổi sang nuôi cá lóc bông, ba ba hoặc trồng ổi…do phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, tận dụng được nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng. Những hộ dân này được ngành chức năng, địa phương hỗ trợ trong việc mua thức ăn trả chậm, trang bị kiến thức về nuôi trồng, tìm đầu ra cho sản phẩm...

Để liên kết với các doanh nghiệp nhằm ổn định đầu ra, tránh bị thương lái ép giá, người dân bắt buộc phải mở rộng diện tích nuôi trồng, hoặc liên kết với nhau để sản xuất. Tuy nhiên, dù tham gia tổ hợp tác hay hợp tác xã, nông dân vẫn gặp khó khăn về vốn đầu tư.

Gia đình ông Huỳnh Văn Hùng (ngụ ấp Phước An, xã Phước Ninh) có 3 hầm nuôi cá lóc bông. Trong nhiều năm qua, ông đều bán cho thương lái. Giá không ổn định, lợi nhuận không nhiều, nên khi ông Hùng muốn mở rộng sản xuất lại không có vốn, đành từ bỏ ý định.

Cùng chung nỗi niềm, bà Ngô Thị Ký (ngụ ấp B2, xã Phước Minh) cho hay, hiện gia đình bà chỉ trồng 1 công (1.000m2) ổi lê Đài Loan. Để nâng cao chất lượng trái, có đầu ra tốt hơn, ổn định hơn, bà Ký dự định mở rộng diện tích và canh tác theo hướng VietGAP. Tuy nhiên, việc sản xuất theo hướng VietGAP đòi hỏi nguồn vốn khá lớn. Trong khi đó, kỳ hạn cho vay của nhân hàng ngắn, không đủ chu kỳ phát triển của cây trồng, vật nuôi nên bà Ký đành “gác” lại dự định.

Trên thực tế, vẫn có một số nông dân tiếp cận được nguồn vốn vay để mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Đơn cử như ông Lê Quang Thực (ngụ ấp Phước An, xã Phước Ninh), là hộ nuôi ba ba. Do được tiếp cận vốn chăn nuôi với lãi suất thấp từ Hội Nông dân và được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật... mà ông sản xuất kinh doanh ổn định hơn, đời sống ngày càng được nâng lên.

“Đói” kỹ thuật

Không chỉ khó khăn về vốn, nhiều nông dân còn “đói” kiến thức về kinh tế, khoa học - kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Họ mong muốn được hướng dẫn nuôi trồng theo nhu cầu của thị trường, tiếp cận khoa học kỹ thuật. Nhiều nông dân cho rằng, hiện chưa có nhiều lớp dạy nghề, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật… đáp ứng được nhu cầu thực tế của nông dân.

Cây ổi dễ trồng, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng hai xã Phước Ninh, Phước Minh. Nếu được chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh tốt, năng suất có thể đạt khoảng 20 tấn/ha/năm và cho lãi khoảng 100 triệu đồng/ha/năm. Thế nhưng đáng tiếc là hiện tại, nhiều hộ dân trong vùng đành phải chuyển qua trồng những cây ăn trái khác vì không biết cách phòng trừ sâu bệnh cho cây ổi.

Bà Ngô Thị Ký (ngụ ấp B2, xã Phước Minh) cho biết: “Tôi học cách chăm sóc ổi qua sách báo và hướng dẫn của những người trồng trước chứ không qua trường lớp nào. Do kỹ thuật và vốn còn hạn chế nên tôi chưa dám mở rộng diện tích”.

Còn chị L- người trồng ổi tại ấp B2 cho hay: “Mấy năm trước trồng ổi rất dễ, cây ít sâu bệnh, năng suất có khi đạt 7 - 8 tấn trái/công/năm. Nhưng vài năm nay, cây ổi thường xuyên xuất hiện các loại bệnh làm khô cành, thối trái, chết cây. Để phòng trừ bệnh, hằng tuần tôi phải phun xịt thuốc bảo vệ thực vật. Hễ nghe quảng cáo có loại thuốc trừ sâu bệnh nào mới là tôi mua về phun xịt. Dù vậy, gần đây cây vẫn bệnh, mà đầu ra lại không ổn định nên tôi đã phá ổi, chờ chuyển sang trồng cây khác”.

Ông Huỳnh Văn Hùng - một người nuôi cá lóc bông cho biết, ông cũng chỉ nuôi theo kiến thức “góp nhặt” được từ sách báo và kinh nghiệm. Khi cá mắc bệnh, ông vớt lên, đem đến cửa hàng thuốc thú y - thuỷ sản để người bán "bắt bệnh", bán thuốc.

Lo đầu ra

Ngoài nỗi lo vốn, kỹ thuật, nông dân còn trăn trở trước tình trạng “được mùa, mất giá”. Một nông dân cho biết: "Nông dân không thể định đoạt được giá trị sản phẩm do mình làm ra. Hiện nay, thương lái ép giá thu mua cá lóc bông chỉ chưa đến 40.000 đồng/kg. Biết bị chèn ép nhưng nếu không bán cho họ, chúng tôi cũng không biết bán cho ai”.

Ông Võ Thành Tâm (ngụ xã Phước Ninh) có hơn 6 công đất trồng ổi Đài Loan và ổi ruột đỏ với năng suất khoảng 20 tấn/năm, chủ yếu bán cho thương lái và mối quen mua nhỏ lẻ. Theo ông Tâm, đầu ra của sản phẩm vẫn là vấn đề nông dân quan tâm nhất, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào căn cơ. Ông kiến nghị Nhà nước hỗ trợ nông dân nhiều hơn trong việc liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra sản phẩm với mức giá ổn định.

Không để nông dân “cô đơn” trên cánh đồng

Rõ ràng, với những khó khăn, thách thức đặt ra, để có thể phát triển, nhà nông cần sự đồng hành, mở đường từ chính sách, thủ tục cho đến việc tạo cơ hội tiếp cận thị trường.

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã vận động nông dân vào hợp tác xã để nông sản làm ra có được nơi tiêu thụ tốt, trao đổi thông tin, thực hiện các khuyến cáo của ngành nông nghiệp như: gieo sạ đúng lịch thời vụ và sản xuất những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị xuất khẩu cao, có thị trường tiêu thụ dễ dàng; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nhằm giảm giá thành, nâng cao hiệu quả cây trồng, vật nuôi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở đang xây dựng đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm, trong đó có các chính sách hỗ trợ như hướng dẫn thực hiện sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; thiết kế, tiêu chuẩn hoá sản phẩm; hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác, đăng ký/công bố sản phẩm; mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật…

Đồng thời, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai các chính sách như hỗ trợ lãi suất vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...

Mô hình nuôi trồng thuỷ sản của gia đình ông Huỳnh Văn Hùng.

Theo ông Lê Quang Thực - người nuôi cá tại Phước Ninh, ngoài những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, nông dân cũng cần kiểm soát được chất lượng nông sản và phải liên kết, hợp tác với nhau. Ông Thực nói: “Để giải quyết bài toán được mùa, mất giá, không có con đường nào hay hơn là cùng nhau hợp tác làm ăn, cùng mua - cùng bán. Gia đình tôi từ khi trở thành thành viên của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phước Ninh đến nay, cuộc sống đã bớt vất vả, đầu ra cũng ổn định hơn nhiều”.

Vũ Nguyệt

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục