PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nhà nông sáng tạo
Thứ tư: 05:40 ngày 08/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Qua quan sát tìm hiểu, anh nông dân Nguyễn Thanh Bình nhận thấy, việc sản xuất kiềng chén mủ cao su đòi hỏi phải chuẩn xác, chắc chắn, giá thành sản phẩm thấp, sản lượng nhiều mới đủ đáp ứng cho thị trường. Từ đó, anh đã sáng tạo máy chặt kẽm và làm kiềng để chén cao su KTA.

Anh Bình bên máy chặt kẽm và làm kiềng để chén cao su KTA.

Tây Ninh là một trong những tỉnh có diện tích cây cao su rất lớn, do vậy, việc chế tạo, cải tiến dụng cụ để phục vụ cho việc sản xuất, khai thác mủ cao su đạt năng suất, hiệu quả cao là nhu cầu rất cần thiết. Trong đó, các dụng cụ như dao cạo mủ, chén hứng mủ, kiềng để chén... cũng không kém phần quan trọng. Riêng chiếc kiềng để chén giữ vai trò cố định chén hứng mủ, nếu kiềng không tốt thì chén hứng mủ sẽ bị nghiêng hoặc đổ dẫn đến lượng mủ trong chén mất đi làm thất thu sản lượng mủ.

Để làm một cái kiềng chén hứng mủ cao su phải qua 2 giai đoạn là chặt kẽm và quấn lại. Tất cả đều làm bằng thủ công, năng suất rất thấp, giá thành sản phẩm cao, trong khi độ chính xác không cao, không đáp ứng nhu cầu thị trường. Qua quan sát tìm hiểu, anh nông dân Nguyễn Thanh Bình nhận thấy, việc sản xuất kiềng chén mủ cao su đòi hỏi phải chuẩn xác, chắc chắn, giá thành sản phẩm thấp, sản lượng nhiều mới đủ đáp ứng cho thị trường. Từ đó, anh đã sáng tạo máy chặt kẽm và làm kiềng để chén cao su KTA.

Anh Nguyễn Thanh Bình sinh năm 1985, ngụ ấp Tân Hoà, xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh. Từ nhỏ, Bình đã có sở thích mày mò, khám phá các loại máy móc. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mới học hết lớp 9, anh đã phải nghỉ học để ở nhà phụ giúp gia đình làm vườn mãng cầu.

Năm 2016, trong một lần đến một cơ sở sản xuất kiềng để chén đựng mủ cao su, anh nhận thấy dụng cụ này còn phải làm thủ công, có khi xong một công đoạn lại phải đem gia công ở nơi khác mới có được thành phẩm. Từ đó, anh quan sát cách người ta làm thủ công, nghiên cứu các loại máy móc rồi lên ý tưởng chế tạo chiếc máy vừa chặt kẽm, vừa quấn thành cái kiềng hoàn chỉnh.

Anh Bình cho biết, khi mới bắt tay vào việc anh gặp rất nhiều khó khăn vì không có vốn, cũng không có máy móc hỗ trợ, phải đem ra cơ sở cơ khí nhờ gia công. Sau này, anh sắm dần được một số công cụ như máy khoan, máy tiện, máy cắt tay... Anh bắt đầu nghiên cứu, chế tạo máy làm kiềng để chén hứng mủ cao su từ tháng 2.2016, gần một năm sau, đến tháng 1.2017 mới cho ra được chiếc máy đầu tiên. Anh chia sẻ: “Ý tưởng là vậy nhưng khi vào thực tế mới phát sinh khó khăn, phát hiện những nhược điểm, khiếm khuyết. Nhưng mình không nản chí, làm tới đâu thì suy nghĩ, khắc phục tới đó”.

Chiếc máy có gắn mô-tơ 2 HP (2 ngựa) và hộp giảm tốc. Từ mô-tơ truyền lực kéo ly tâm nắn thẳng sợi kẽm. Rồi từ hộp giảm tốc truyền lực kéo lên các trục xoay của máy, kẽm từ ngoài vào qua ly tâm xoay thẳng sợi kẽm đến hai trục kéo kẽm. Tiếp theo, sợi kẽm được đưa đến dao chặt kẽm. Đoạn dây kẽm vừa chặt xong sẽ được đưa vào khu vực quấn kiềng. Tại đây, hai đầu kẽm được hai cần gạt uốn chân kiềng nhỏ, sau đó hai tay quay sẽ quay 5/4 vòng để quấn lỗ cột dây. Tiếp theo, cần dập lớn sẽ dập xuống tạo ra chiếc kiềng hoàn chỉnh, cần gạt nhỏ sẽ đẩy kiềng thành phẩm ra ngoài.

Anh Bình cho biết, chiếc máy làm kiềng có lượng điện tiêu thụ bằng với máy chặt kẽm (đều sử dụng mô-tơ 2 HP). Công suất máy đạt 1.140 chiếc kiềng/giờ; trong khi cùng thời gian, lao động thủ công làm với đoạn kẽm đã được chặt sẵn chỉ làm được vài trăm chiếc kiềng, mà độ chính xác lại không đồng nhất. Máy làm kiềng cho ra sản phẩm nhanh và hoàn chỉnh hơn so với làm thủ công. Đặc biệt, máy có thể sử dụng ở những nơi không có điện (có thể thay thế mô tơ bằng động cơ xăng, dầu).

Đến nay, anh Bình đã bán được 8 bộ máy cho khách hàng ở trong và ngoài tỉnh, kể cả “xuất khẩu” sang Campuchia. Anh cũng đang nhận thêm một số hợp đồng khác ở Đồng Nai, TP.HCM, Bình Phước. Giá bán máy này là 75 triệu đồng/bộ. Bên cạnh việc sản xuất máy bán ra thị trường, anh đang nghiên cứu làm máy quấn lò xo cột kiềng và máy làm kiềng tròn cho thị trường Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước.

Theo nguồn tin từ Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, máy chặt kẽm và làm kiềng để chén cao su KTA của anh Nguyễn Thanh Bình đã đoạt giải Ba tại Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Tây Ninh lần thứ 10 (2016 - 2017).

TRÚC LY

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục