Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nhà nuôi yến: “Gà không đẻ trứng vàng”
Chủ nhật: 23:51 ngày 18/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, trước tình trạng ào ạt xây nhà nuôi chim yến, nhiều người băn khoăn về hiệu quả kinh tế, liệu đây có phải loại hình chăn nuôi “gà đẻ trứng vàng” như những lời đồn thổi, khi chi phí đầu tư khá lớn? Thực tế, nuôi yến như một canh bạc vì không phải nhà nuôi nào cũng có thể thu hút được loài chim này đến làm tổ.

Một nhà yến được xây dựng trong khu dân cư.

Dựng nhà nuôi nhưng yến không đến làm tổ

Cho đến nay, vẫn chưa thể đánh giá một cách đầy đủ hiệu quả kinh tế, nhưng hệ luỵ của phong trào nuôi chim yến thì ai cũng thấy rõ. Ðó là tiếng ồn từ máy dụ chim yến, mối lo ngại về dịch bệnh cho người dân ở gần khu nhà yến. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chấn chỉnh tình trạng nuôi chim yến tự phát trên địa bàn tỉnh như quy định về điều kiện nuôi, dự thảo quy định về khu vực được nuôi chim yến…

Thế nhưng, qua tìm hiểu thực tế, không phải nhà nuôi yến nào cũng phát huy được hiệu quả, thu hút được chim yến đến làm tổ. Ông Trần Văn Minh- cán bộ giao thông nông thôn, thuỷ lợi xã Tân Hội, huyện Tân Châu cho biết, trên địa bàn xã có nhiều người xây dựng nhà nuôi chim yến.

Qua kinh nghiệm truyền tai nhau, trước khi xây dựng, các cá nhân này thuê người tư vấn, tìm hiểu địa điểm xây dựng có thu hút được chim yến về hay không? Tuy nhiên, sau khi xây dựng, dù phát loa dẫn dụ liên tục, yến về chẳng được mấy con.

“Có nhà nuôi cũng thu hút chim yến, nhưng chỉ toàn chim yến con về đậu chơi, không có chim yến mẹ về làm tổ thì làm gì có tổ yến để thu hoạch!”- ông Minh nói. Chờ đợi mãi, chủ đầu tư đành phải đóng cửa nhà nuôi yến vì không phát huy được hiệu quả. Theo ông Minh, hiện trên địa bàn xã có khoảng 3-4 nhà nuôi chim yến đóng cửa.

Bảo hành nhưng không bảo ðảm (!?)

Trong vai một người cần đầu tư nhà nuôi yến, chúng tôi liên hệ với một cơ sở chuyên tư vấn xây dựng được quảng cáo là có kinh nghiệm thiết kế nhà nuôi loài chim này nhiều năm. Theo người tư vấn, để xây dựng nhà nuôi yến, chủ đầu tư phải bỏ ra số tiền dao động từ 1 - 3 tỷ đồng, tuỳ theo diện tích lớn, nhỏ.

Cũng theo người này, khi nhận tư vấn xây dựng, cơ sở sẽ có hợp đồng với khách hàng như bảo hành xây dựng nhà yến xong sẽ có chim yến về ở (!?). Trong quá trình chủ đầu tư đưa nhà yến vào hoạt động, cơ sở có trách nhiệm hướng dẫn cách nuôi, dẫn dụ chim yến sao cho phát huy được hiệu quả.

Khi chúng tôi nêu một số trường hợp trong thực tế nhà nuôi không thu hút được chim yến, người tư vấn cho rằng, đó là do những người tư vấn chưa có kinh nghiệm hoặc đầu tư chưa tới, chứ cơ sở của anh làm đâu bảo đảm đó, vì có “giao kèo” yến sẽ về ở và chủ đầu tư được giữ lại 10% tiền của công trình trong một thời gian để bảo hành.

Chúng tôi lại “vặn vẹo”, nếu nhà nuôi chỉ có yến con về đậu, không có yến mẹ về làm tổ, cơ sở có bảo đảm quyền lợi chủ đầu tư hay không? Người tư vấn nói, việc nghiên cứu xây dựng nhà nuôi chim yến giống như “dự báo thời tiết”, nhiều lúc cũng không có độ chính xác cao!

Tại một cơ sở khác, nhân viên ở đây khẳng định, nào là đã tư vấn thì yến phải về làm tổ; việc xây dựng nhà yến hiện đang “hot” do mang lại hiệu quả kinh tế khá cao... Ban đầu số tiền đầu tư bỏ ra lớn, nhưng sau khi yến về làm tổ, khoảng sau 1 năm xây dựng nhà nuôi, chủ đầu tư bắt đầu thu được lợi nhuận khá cao. Tuỳ theo chất lượng thu hoạch, giá tổ yến thô trên thị trường dao động khoảng 20 triệu đồng/kg tổ yến.

Người này cho biết, một nhà yến có quy mô nhỏ, đầu tư hơn 1 tỷ đồng, đến khi thu hoạch, thời gian đầu, mỗi tháng có thể thu từ 1-2 kg tổ yến, thời gian sau ổn định, số lượng thu hoạch còn nhiều hơn.

Khi chúng tôi đặt vấn đề, nếu nhà yến xây dựng xong không phát huy hiệu quả như tư vấn, có nghĩa là có chim yến về ở nhưng không làm tổ, cơ sở có bồi thường cho chủ đầu tư hay không? Người này khẳng định, cơ sở có nhiều kinh nghiệm trong xây nhà nuôi yến. Thậm chí trong hợp đồng ký với khách hàng, ngoài việc bảo đảm có chim yến về ở, cơ sở còn cam kết nếu nhà yến không phát huy được hiệu quả, cơ sở sẽ mua lại với giá bằng số tiền chủ đầu tư bỏ ra.

Tuy nhiên, người tư vấn cho biết thêm, hiện nay, việc xây dựng nhà yến trên địa bàn tỉnh không còn đơn giản như trước, nếu muốn xây dựng nhà nuôi cần phải tìm hiểu xem vị trí dự định xây dựng có được phép hay không.

Không phải nhà nuôi yến nào cũng phát huy được hiệu quả (ảnh minh hoạ).

Chỉ 50% nhà yến phát huy ðược hiệu quả

Theo ông Nguyễn Ðình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT, theo đánh giá của ngành, có trên 50% nhà nuôi yến đầu tư có hiệu quả, khoảng 25% không mang lại hiệu quả do chim yến không về. Theo cơ chế thị trường, không riêng gì nuôi chim yến mà bất cứ loại hình chăn nuôi nào cũng chịu sự tác động của quy luật cung cầu. Ngành nông nghiệp chưa thể dự đoán thị trường nuôi chim yến khi nào bão hoà để có chỉ dẫn hay khuyến khích người dân trong việc đầu tư nuôi chim yến.

Theo các ngành chức năng, tình trạng xây dựng nhà yến tự phát ngày càng tràn lan. Theo số liệu của ngành Nông nghiệp, đến ngày 24.7.2020, trên địa bàn tỉnh có đến 416 nhà yến; còn số liệu do Sở Xây dựng cập nhật đến ngày 30.7.2020, có đến 460 nhà yến.

Trả lời chất vấn của đại biểu tại kỳ họp thứ 17 HÐND tỉnh vừa qua, lãnh đạo ngành Nông nghiệp cho biết, nuôi chim yến và khai thác tổ yến khá mới mẻ, góp phần đa dạng hoá ngành nghề chăn nuôi, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân; nhiều nhà yến có hiệu quả kinh tế cao, mang lại thu nhập cho nông hộ, góp phần tăng tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp.

Vì vậy, định hướng phát triển trong thời gian tới là tạo điều kiện để chăn nuôi và khai thác, chế biến tổ yến phát triển, tuy nhiên, không phát triển ồ ạt, tự phát, thiếu kiểm soát về quy mô. Bởi vì chim yến phát triển đàn cần phải có thời gian.

Song song đó phải tăng cường công tác quản lý chặt chẽ việc xây dựng mới nhà yến, chỉ cho phép xây dựng mới khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về vùng nuôi, đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường; tập trung xử lý nhà yến xây dựng không đúng quy định, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Ðể giải quyết những hệ luỵ do nuôi chim yến, lãnh đạo ngành Nông nghiệp cho biết, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo áp dụng biện pháp xử lý tiếng ồn theo Nghị định 13/2020/NÐ-CP của Chính phủ. Trên địa bàn tỉnh, chưa tới 20 nhà yến được cấp phép xây dựng.

Ngành đang chuẩn bị tổ chức lấy ý kiến đóng góp dự thảo quy định khu vực không được phép chăn nuôi, quy định vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, nhằm bảo đảm tính chặt chẽ, phù hợp với thực tế của dự thảo nghị quyết để trình Hội đồng nhân dân xem xét trong kỳ họp HÐND tỉnh lần thứ nhất năm 2021 (tháng 7.2021).

Thế Nhân

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh