Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh: Cần đề phòng “bà hoả”
Thứ tư: 22:26 ngày 07/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thời gian gần đây, trên cả nước xảy ra nhiều vụ cháy nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư; trong đó, có nhiều vụ cháy gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Đề phòng “bà hoả”.

Loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh khá phổ biến, chủ yếu nằm trong khu vực đông dân cư. Trường hợp xảy ra cháy nổ, công tác tiếp cận gặp nhiều khó khăn, nguy cơ gây thiệt hại về người và tài sản lớn. Tuy nhiên, ý thức phòng cháy chữa cháy (PCCC) của người dân chưa cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Tại một cửa hàng mỹ phẩm trên địa bàn phường Ninh Thạnh, TP.Tây Ninh, các sản phẩm được bố trí ngăn nắp, gọn gàng, tạo sự thuận tiện cho khách hàng cũng như người bán. Cửa hàng sắp xếp bàn thờ ở khu vực riêng, bố trí bình cứu hoả tại khu vực dễ thấy.

Chị T.H, chủ cửa hàng cho biết: “Tôi tận dụng mặt bằng phía trước để kinh doanh, khu vực còn lại dùng để sinh hoạt, nghỉ ngơi. Cửa hàng rất quan tâm đến công tác phòng chống cháy nổ, nhắc nhở và hướng dẫn nhân viên cách sử dụng bình cứu hoả. Nếu không may xảy ra sự cố, mọi người đều có thể xử lý, khống chế lửa kịp thời”.

Bên cạnh một số cửa hàng chấp hành tốt các quy định về PCCC, không ít nơi còn chủ quan trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. Tại một số cửa hàng, diện tích kinh doanh kết hợp nhà ở không lớn, tận dụng tối đa diện tích sàn và không gian trong nhà để chứa hàng hoá.

Điều kiện kinh doanh, ăn ở và sinh hoạt chật hẹp, hàng hoá bày la liệt dưới sàn, chắn lối đi lại. Nhiều trường hợp treo hàng, vật dụng lên dây điện, để vật dễ cháy gần thiết bị sinh nhiệt như đèn, bếp, ổ cắm; hệ thống dây dẫn lắp đặt khá lâu chưa được thay mới.

Chủ hộ bố trí nhiều lớp cửa kiên cố để bảo vệ tài sản, lắp đặt bảng quảng cáo che kín ban công, mặt tiền nhà. Khi có sự cố, hàng hoá nhiều khiến đám cháy bùng phát trên diện rộng, không thể thoát nạn nhanh chóng, gây khó khăn cho việc tiếp cận dập lửa.

Có hộ kinh doanh lắp đặt cửa cuốn kim loại chạy bằng điện để đóng mở, nhưng không có phương án dự phòng mở cửa trong trường hợp mất điện. Lúc xảy ra hoả hoạn, việc mở cửa cuốn thoát hiểm ra ngoài rất khó khăn. Một số cửa hàng bố trí nơi thờ cúng chưa hợp lý, bàn thờ đặt gần hàng hoá, vật dụng dễ cháy.

Chủ cơ sở kinh doanh quần áo trên địa bàn TP.Tây Ninh cho biết: “Do diện tích nhỏ hẹp, tôi phải tận dụng tối đa khu vực bố trí hàng hoá. Dù biết việc đặt nơi thờ cúng kế bên hàng hoá sẽ nguy hiểm nhưng đành chấp nhận”.

Cảnh sát PCCC nỗ lực dập lửa trong một vụ cháy.

Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH- Công an tỉnh, thời gian qua, cả nước xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại về người và tài sản. Nguyên nhân cháy chủ yếu do sự chủ quan, thiếu hiểu biết của người dân.

Trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra một số vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Mới đây, vào ngày 17.3.2021 một vụ cháy xảy ra tại nhà kho chứa đồ điện gia dụng của hộ kinh doanh tại khu phố 1, phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành. Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản khoảng 500 triệu đồng.

Ông Nguyễn Viết Phương- Chủ tịch UBND phường 3 (TP.Tây Ninh) cho biết, để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ, giải pháp quan trọng là nâng cao ý thức cho mọi người- nhất là chủ các cơ sở kinh doanh, sản xuất kết hợp nhà ở.

Phường phối hợp với Công an phổ biến kiến thức cho bà con về quy định liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân trong PCCC; hướng dẫn các biện pháp, kỹ năng thoát nạn khi sự cố xảy ra tại hộ gia đình- nhất là các hộ kết hợp sản xuất, kinh doanh; nhắc nhở cơ sở khắc phục thiếu sót để bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ. Trong năm 2020, địa phương không xảy ra sự cố cháy nổ, chủ cửa hàng kinh doanh kết hợp nhà ở nâng cao ý thức, chấp hành tốt quy định PCCC.

Để bảo đảm an toàn đối với hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH- Công an tỉnh khuyến cáo chủ hộ và thành viên trong gia đình không để nhiều đồ dùng, hàng hoá dễ cháy gần nơi đun nấu; hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp ốp tường, trần, vách ngăn để hạn chế cháy lan.

Người dân cần lắp thiết bị tự ngắt (Aptomat) cho hệ thống điện chung của căn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn. Bố trí nơi thờ cúng hợp lý; đèn, nhang, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, hạn chế tối đa vàng mã, nến để trên bàn thờ.

Hiện trường một vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng.

Sắp xếp hàng hoá bên trong hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm lối đi, lối thoát nạn có chiều rộng không nhỏ hơn 0,8m và chiều cao không nhỏ hơn 1,9m, không bố trí đồ vật cản trở đường đi, cửa thoát nạn.

Gia đình cần dự kiến tình huống thoát nạn khi cháy xảy ra, trang bị và biết cách sử dụng bình chữa cháy. Khi xảy ra cháy tìm mọi cách thông báo cho người xung quanh, gọi điện thoại cho lực lượng chức năng qua số 114 hoặc Công an nơi gần nhất.

Theo Điều 7, Nghị định 136/2020/NĐ-CP, hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC. Nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy.

Có nội quy về PCCC, sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an. Có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh.

Điều kiện an toàn về PCCC quy định nêu trên phải được chủ hộ gia đình tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động. Hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC tương ứng với loại hình cơ sở theo quy định tại Điều 5.

Phương Thảo

Tin cùng chuyên mục