Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 8.4 và 10.4 vừa qua, Báo Tây Ninh có đăng 2 bài phản ánh nội dung một số nông dân ở xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên nghi ngờ phân bón của Công ty cổ phần Nông nghiệp Tinh Hoa (Công ty Tinh Hoa, huyện Bình Chánh, TP. HCM) kém chất lượng. Mới đây, ngày 20.4.2017, công ty này tiếp tục có buổi làm việc với bà con.
Quang cảnh buổi đối thoại tại nhà nông dân Lê Tấn Ðông.
Không thể xử lý ?
Không chỉ có một số hộ nông dân “kêu trời” vì phân bón khó tan được phản ánh trong các bài báo đã đăng, mới đây lại có thêm nhiều trường hợp cũng gặp phải tình trạng tương tự. Những hộ dân này đã cùng ký đơn tập thể gửi cho Báo Tây Ninh và một số cơ quan chức năng yêu cầu được giải quyết. Cơ sở M.T bán lẻ phân bón cho bà con cũng đã lên tiếng đề nghị được làm rõ để tránh việc bị khách hàng “tẩy chay”.
Trước sức ép từ nhiều phía, đại diện Công ty Tinh Hoa tiếp tục quay lại xã Thạnh Bình để đối thoại với người dân. Khoảng 9 giờ 30 phút ngày 20.4, ông Trần Văn Ðông- Giám đốc điều hành của Công ty Tinh Hoa đã có mặt tại nhà nông dân Lê Tấn Ðông. Ðến dự buổi đối thoại còn có ông Trương Quang Ty- Ðội trưởng Ðội Quản lý thị trường số 7, ông Huỳnh Văn Triệu- Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Bình, ông Trần Minh Châu- Trưởng ấp Thạnh Tân (xã Thạnh Bình) cùng 18 hộ dân, trong đó có nhiều người đã sử dụng phân bón của Công ty Tinh Hoa với số lượng lớn.
Cuộc đối thoại đã dần chuyển sang tranh luận khá căng thẳng. Nông dân tên Phan Trung (ngụ ấp Tân Thanh, xã Tân Phú, huyện Tân Châu) đặt thẳng vấn đề, cần tập trung làm rõ nghi vấn của bà con về phân bón chậm tan, không tan; việc này có ảnh hưởng như thế nào đến năng suất cây trồng? Bởi trên thực tế, có nhiều trường hợp cây trồng được bón phân NPK 14- 8- 6 + Te, NPK 16- 16- 8 + Te của công ty này đã gần 2 năm nhưng vẫn còn “nguyên hình, nguyên màu”. Riêng hai loại phân bón Siêu Lúa Te 01, Siêu Lúa Te 02 thì rất chậm tan, có hạt vẫn còn nguyên sau khi được bón khá lâu.
Ông Trương Quang Ty trình bày, trước đó, Ðội Quản lý thị trường số 7 cũng đã có Công văn số 35/TB-Ð7 gửi cho anh Lê Tấn Ðông về việc cơ sở M.T hiện không còn các loại phân này, nên không thể tiến hành lấy mẫu thử. Theo quy định, cơ quan quản lý thị trường chỉ có thể lấy mẫu tại cơ sở kinh doanh, chứ không được lấy trong nhà dân. Hơn nữa, mẫu thử phải được “xôm” lấy trong 10 bao trộn đều thì kết quả mới có giá trị pháp lý. Nên việc người dân yêu cầu Ðội Quản lý thị trường số 7 lấy mẫu 1 bao còn lại tại nhà anh Lê Tấn Ðông là không thể thực hiện được.
“Tuy nhiên, được biết Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh cũng đã gửi công văn thông báo đến 9 Ðội Quản lý thị trường còn lại trên toàn tỉnh, kể cả cơ quan chức năng tại TP. HCM (nơi Công ty Tinh Hoa đặt trụ sở) nhằm kiểm tra, rà soát lại các loại phân bón mà nông dân đang phản ánh. Chúng tôi đã làm hết chức năng và nhiệm vụ, mong bà con thông cảm”- ông Ty nhấn mạnh.
Một nông dân tên Hồ Thanh Cường (ngụ tổ 5, ấp Thạnh Lộc, xã Thạnh Bình) bức xúc nói: Có nông dân nào đi mua phân bón về để dành 10 bao chờ lấy mẫu thử không? Mà nếu có, như anh Ty vừa trả lời thì cũng không thể xử lý được. Như vậy, cho dù khách hàng có phát hiện phân bón kém chất lượng, hoặc phân bón giả thì cũng đành phải chịu thua. Cho dù năng suất cây trồng tụt giảm thấy rõ, phân bón vẫn hiện hữu sờ sờ trên mặt đất.
Những hạt phân còn lại tại hiện trường này có thể dùng để làm mẫu thử được không? Phải có cách nào đó chứ, chẳng lẽ đành để nông dân tốn tiền oan vậy sao? Hơn nữa, mẫu phân mà anh Lê Tấn Ðông tự lấy đi thử nghiệm đều cho thấy chỉ số thành phần thấp hơn chỉ số in trên bao bì, riêng SiO2 (cao lanh) lại vượt gấp 3 lần. Có thể nông dân đang chịu thua thiệt về lý, nhưng làm ăn với nhau cũng phải có cái tình, mong đại diện phía công ty sản xuất giải thích rõ.
Ðại diện công ty sản xuất cùng người dân và chính quyền địa phương đang khảo sát tại ruộng mì nhà ông Cường.
Ðể chúng tôi thử lại
Giám đốc Trần Văn Ðông giải thích, trong một bao phân bón, ngoài thành phần chính được in trên bao bì còn có phụ gia kèm theo. Ðơn cử như bao phân Siêu Lúa Te 02, thành phần chính được niêm yết là Total Nitrogen 20%, Phosphoric 2%, Soluble Potash 22%, Xilic Oxide 5%. Tổng các thành phần chính là 49%, còn lại 51% là các chất phụ gia và trung vi lượng. Ðúng là chất phụ gia này có chưa tan hết, đây là việc mà bà con đang thắc mắc, phía công ty thẳng thắn nhìn nhận và đang tìm hướng khắc phục. Riêng chất SiO2, theo kết quả của anh Tấn Ðông đi thử nghiệm có hơi vượt, nhưng trong phân bón, nếu chất này vượt thì được, miễn là không có hại cho cây trồng thì không sao cả.
Ông Phan Trung phản biện lại: “Dù không có hại cho cây trồng, nhưng phân vẫn không tan, vẫn còn nguyên hình dạng và màu sắc thì bà con mất tiền mua để làm gì?”.
Những người trong buổi đối thoại chuyển sang đi kiểm tra thực tế. Qua kiểm tra tại ruộng mì của ông Trần Thanh Thử và ông Hồ Thanh Cường (tổ 2, ấp Thạnh Tân, xã Thạnh Bình) đều cho kết quả giống nhau. Theo đó, tại ruộng mì của ông Cường, phân bón NPK 14- 8- 6 + Te vẫn rõ hạt như lúc mới mua về. Chứng kiến cảnh này, nhiều nông dân tỏ ý nghi ngờ: “Chẳng lẽ mấy năm nay thất mùa chính là vì nguyên nhân này nào hay sao?”.
Giám đốc điều hành Công ty Tinh Hoa phát biểu, việc năng suất cây trồng tụt giảm, thất mùa cần phải được đánh giá, xem xét kỹ lưỡng từ nhiều góc độ khác nhau. Riêng phân bón của công ty chậm tan, không tan, ông xin “bà con hãy tin tưởng và để công ty thử lại”. Ông hứa sẽ “hỗ trợ” lại miễn phí số phân bón mà bà con đã sử dụng để dùng thử. Ðồng thời sẽ làm rõ nguyên nhân vì sao phân đã được bón khá lâu mà vẫn chậm tan, không tan. Ông cũng hứa với mọi người trong vòng 1 tháng sẽ giải quyết.
Hầu hết nông dân có mặt đều thông cảm và đồng tình cách xử lý của Giám đốc Trần Văn Ðông.
Chính quyền địa phương đã tiến hành lập biên bản ghi nhận vụ việc. Ðại diện phía Công ty Tinh Hoa cũng đã chủ động xin số điện thoại của tất cả nông dân có mặt để tiện liên hệ khi cần thiết. Một lần nữa, Giám đốc Ðông khẳng định sẽ cho kỹ sư chuyên ngành đến từng hộ dân để xác minh và hỗ trợ. Hy vọng Công ty Tinh Hoa thực hiện đúng lời hứa của mình để vấn đề được giải quyết êm đẹp.
Minh Quốc
Có thể nông dân đang chịu thua thiệt về lý, nhưng làm ăn với nhau cũng phải có cái tình, mong đại diện phía công ty sản xuất giải thích rõ. |