Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nhìn từ xa, du khách đã thấy rõ nhà thờ gỗ màu nâu đen. Đứng trước cổng, khách không khỏi ngạc nhiên với vẻ đẹp dung dị mà sang trọng của nhà thờ.
Nhà thờ gỗ ở thành phố Kon Tum, tỉnh Gia Lai là một công trình kiến trúc độc đáo, đậm chất của dân tộc Ba Na Tây Nguyên. Gần một trăm năm tuổi, ngôi nhà thờ cổ kính vẫn vững chãi. Trong làn sương sớm hay ánh trăng huyền ảo của đêm, đứng trước ngôi nhà thờ gỗ người ta có cảm giác đang đắm trong không gian huyền hoặc của nhiều thế kỷ trước.
Nhà thờ gỗ là tên gọi của người Kon Tum cho nhà thờ Chánh toà, toạ lạc ngay trung tâm thành phố. Cái tên ấy xuất phát từ vật liệu chính làm nên ngôi nhà thờ. Hiện diện trên mọi chi tiết kiến trúc của nhà thờ là màu gỗ nâu đen. Với tháp chuông cao vút, mái nhọn, khung cửa hình vòm và hàng cột to tròn, ngôi giáo đường mang đặc trưng kiến trúc Roman. Nhà thờ được xây dựng trên cao nguyên đất đỏ, nhưng kiến trúc Roman phương Tây trở nên hài hoà với phương Đông bởi hoa văn trang trí, điêu khắc trên gỗ mang dáng dấp của văn hoá bản địa.
Khi đặt chân lên cao nguyên này, người Pháp đã mang theo tín ngưỡng của họ. Khi xây dựng nhà thờ, các vị linh mục thời đó đã khéo léo đưa kiến trúc Roman hoà vào kiến trúc nhà sàn Ba Na để tạo một không gian thân thiện, gần gũi với người dân bản địa. Cung thánh đường được khởi công vào năm 1913 và phải mất 5 năm với sự lao động cần mẫn của các nghệ nhân miền Trung và miền Bắc, công trình mới hoàn thành. Đến nay nhà thờ gỗ trở thành điểm đến của du khách khắp nơi khi lên miền đất cao nguyên Kon Tum.
Nhìn từ xa, du khách đã thấy rõ nhà thờ gỗ màu nâu đen. Đứng trước cổng, khách không khỏi ngạc nhiên với vẻ đẹp dung dị mà sang trọng của nhà thờ. Từ cột kèo đến nóc nhọn của giáo đường và tháp chuông cao vút đều bằng gỗ. Điểm xuyết trên đó là những hoa văn mang sắc màu Tây Nguyên, tạo điểm nhấn. Bên trong nhà thờ là mái vòm cong vút cao lồng lộng. Dọc hai bên là những hàng cột làm từ gỗ cà chit đen tròn, thẳng tắp. Liên kết với các cột là những vòm gỗ. Lồng vào giữa những khối gỗ là những tấm kính màu, mô tả hình ảnh trong Kinh Thánh và cũng là chỗ lấy ánh sáng cho phía trong. Nắng soi qua kính tạo những màu sắc đẹp như bức tranh được đóng khung gỗ quý treo trên trần nhà.
Công trình gỗ vẫn đứng vững giữa cái nắng, cái gió của cao nguyên này suốt gần một thế kỷ qua. Nếu như nhiều chi tiết làm bằng gỗ thì tường và mái nhà thờ lại là đất sét và rơm đắp nên. Đất trộn rơm bện lại thành khối và đắp lên nhau tạo nên bức tường vững chắc, gắn kết với cột kèo gỗ tạo thành mô-típ kiến trúc độc đáo. Tham quan nhà thờ gỗ, nhiều kiến trúc sư đều khẳng định tính bền vững của kiến trúc và nể phục sự tài hoa của nghệ nhân trong việc thi công công trình này. Gỗ được khai thác từ rừng và đục đẽo, gắn kết nhau bằng mộng, không đinh hay thứ gì kết dính. Đặc biệt là sự pha trộn tôn vinh lẫn nhau của hai nét văn hoá kiến trúc vốn khác biệt làm nên một công trình có tính thẩm mỹ cao.
Những buổi sáng sớm khi còn sương mờ hay đêm trăng là những thời khắc ngắm nhà thờ đẹp nhất. Ánh sáng đèn của nhà thờ hắt ra những ô cửa tạo một cảm giác huyền hoặc. Sau cung thánh đường là dãy nhà gần giống như nhà sàn Ba Na được làm từ gỗ. Đó là nơi sinh hoạt của các vị linh mục, nữ tu. Đặc biệt, ngôi nhà thờ này còn là nơi nuôi dạy những đứa trẻ mồ côi và nghề dệt thổ cẩm truyền thống vẫn còn lưu giữ tại đây.
Dù lần đầu tiên hay nhiều lần đến phố núi Kon Tum, hầu hết du khách đều ghé lại nhà thờ gỗ này để chiêm ngưỡng
(Theo dulichvn)