Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nhà thờ ở Hà Nội
Chủ nhật: 04:16 ngày 25/12/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong dòng chảy văn hoá của Thăng Long- Hà Nội nghìn năm văn hiến, bên cạnh những công trình văn hoá, lịch sử mang đậm phong cách phương Đông, còn có một Hà Nội mang dấu ấn và giao thoa với văn hoá phương Tây. Nhà thờ xuất hiện ở Hà Nội từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 đã tạo cho Hà Nội một dáng vẻ, một hình ảnh duyên dáng và mới lạ.

Trong dòng chảy văn hoá của Thăng Long- Hà Nội nghìn năm văn hiến, bên cạnh những công trình văn hoá, lịch sử mang đậm phong cách phương Đông, còn có một Hà Nội mang dấu ấn và giao thoa với văn hoá phương Tây. Đó là những công trình kiến trúc công sở, trường học, nhà hát, những tòa biệt thự và đặc biệt là những Nhà thờ, xuất hiện ở Hà Nội từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 đã tạo cho Hà Nội một dáng vẻ, một hình ảnh duyên dáng và mới lạ.

Nhà thờ Lớn - công trình kiến trúc cổ xưa và ít thay đổi nhất của Hà Nội

Nhà thờ Lớn Hà Nội còn gọi là Nhà thờ Thánh Joseph tọa lạc tại số 40 phố Nhà Chung. Đây là một trong những công trình kiến trúc phương Tây đầu tiên được xây tại Hà Nội.

Nhờ cuộc xổ số năm 1884 thu đuợc 10 vạn đồng, Nhà thờ Thánh Joseph đã được khởi công ngay trong năm đó, trên khu đất vốn là nền tháp và ngôi chùa Báo Thiên rất nổi tiếng được xây từ thời Lý - Trần đã đổ nát thành phế tích; và được khánh thành ngày 23.12.1887, một ngày trước dịp Thiên Chúa giáng sinh. Vào thời đó, ngoài Cột Cờ được xây từ đầu thế kỷ XIX, thì đây là kiến trúc cao nhất lừng lững gần Hồ Hoàn Kiếm và tạo một không gian tôn giáo xung quanh một vùng đất vốn là một ngôi chùa Phật giáo nổi tiếng cùng Phủ Chúa đã hoàn toàn bị triệt hạ khi vị Chúa cuối cùng của nhà Trịnh bị nhà Tây Sơn tiêu diệt vào cuối thế kỷ XVIII. Trải hơn một thế kỷ, công trình kiến trúc này dường như không thay đổi, có chăng là sự thay đổi cảnh quan và con người mà thôi.

Nếu như chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột được xem là dấu ấn của kiến trúc Phật giáo, đậm chất Á Đông thì Nhà thờ Lớn Hà Nội được xem là nhà thờ mang đậm dấu ấn của kiến trúc và nền văn minh châu Âu. Nhà thờ được xây theo phong cách kiến trúc Gothique, rất thịnh hành từ thế kỷ XII đến thời Phục hưng ở châu Âu. Mẫu thiết kế dựa vào Nhà thờ Đức Bà Paris với những mái vòm uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời. Nhà thờ có chiều dài 64,5m, chiều rộng 20,5m và hai tháp chuông cao 31,5m với những trụ đá to nặng ở bốn góc. Trên đỉnh là cây thánh giá bằng đá. Phía sảnh trong nhà thờ, có một cửa đi lớn, hai cửa nhỏ hai bên tháp. Các cửa và toàn bộ cửa sổ đều cuốn nhọn theo nghệ thuật Gothique, kết hợp với các cửa cuốn nhọn là những bức tranh Thánh bằng kính màu rất đẹp và hài hòa tạo ra nguồn ánh sáng tự nhiên bên trong nhà thờ. Ở tòa gian chính có tượng thánh Giuse bằng đất nung cao hơn 2m. Trung tâm quảng trường phía trước nhà thờ có đài Đức Mẹ bằng kim loại, xung quanh nhà thờ có đường kiệu, bồn hoa, phía sau là hang đá.

Cũng như rất nhiều nhà thờ khác ở Việt Nam, Nhà thờ Lớn Hà Nội đã được bản địa hoá: Vật liệu xây dựng chính của nhà thờ là gạch đất nung, tường trát bằng giấy bổi. Khu vực cung thánh được trang trí những chi tiết được chạm trổ hoa văn bằng gỗ sơn son thiếp vàng rất tinh xảo mang đậm nét văn hoá dân gian Việt Nam. Như vậy nột thất nhà thờ được tạo nên bởi sự kết hợp hài hòa nghệ thuật trang trí phương Đông và phương Tây tạo ra mối giao hòa thú vị giữa hai nền văn hoá chính quốc và bản địa.

Nhà thờ Lớn là nơi thường xuyên diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của các giáo dân Hà Nội và các vùng phụ cận. Vào những ngày lễ trọng, đặc biệt là trong đêm Thiên Chúa Giáng sinh, đó là nơi hội tụ không chỉ của giáo dân mà còn của mọi tầng lớp dân cư Hà thành. Không gian tôn nghiêm dưới bóng những tháp chuông và cảnh quan gần kề Hồ Gươm đã biến nơi đây thành một địa chỉ du lịch của Thủ đô, nhất là với khách nước ngoài.

Nhà thờ Cửa Bắc- nét hài hòa trong văn hoá Đông -Tây

Nhà thờ có tên chính thức là Giáo đường Nữ vương các thánh tử đạo do kiến trúc sư Enest Hébrard thiết kế. Được xây dựng khoảng những năm 1925 – 1930 trên một khoảng đất chạy dài theo phố Phan Đình Phùng giao nhau với phố Nguyễn Biểu, đây cũng là vị trí gần Cửa Bắc của thành Thăng Long xưa nên thường được gọi tên là Nhà thờ Cửa Bắc.

Không gian nội thất của Nhà thờ Cửa Bắc được cấu trúc và trang trí hoàn toàn theo kiểu nhà thờ châu Âu thời Phục hưng tiền kỳ. Mặt bằng nhà thờ chỉ gồm một không gian lớn hình chữ nhật kéo dài với hai hàng cột song song theo hai phía, được chia tương đối thành một không gian đón tiếp nhỏ,không gian dành cho các con chiên nghe giảng và kết thúc bởi không gian long trọng dành cho cha xứ hành lễ. Giữa hai khu vực này có một không gian chuyển tiếp lớn phía dưới mái vòm, bên phải có một không gian cánh là nơi thờ các thánh, bên trái là phòng tiếp khách của cha xứ.

Thành công lớn nhất của kiến trúc sư Ernest Hébrard là ông đã tạo ra một không gian kiến trúc phi đối xứng với một tháp chuông vút cao phía bên sảnh chính. Điều này làm cho nhà thờ Cửa Bắc có được nét đặc biệt so với đa phần các công trình Thiên Chúa giáo theo hình thức đăng đối nghiêm cẩn mà người Pháp đã xây dựng ở Việt Nam. Có người đã cho rằng đây là sáng tạo đặc biệt của Hébrard nhằm tạo sự phù hợp với cảnh quan khu vực, nhưng thực chất điều này chỉ là sự khai thác một cách khéo léo nguyên tắc tổ hợp nhà thờ thời Phục hưng. Chính nhờ vậy mà Nhà thờ Cửa Bắc, ngoài gác chuông theo hình thức nhấn lệnh còn có một mái vòm ở khu vực trung tâm.

Hệ thống mái ngói được kéo suốt từ gác chuông qua mái vòm tới các không gian chính và phụ khiến cho ta thấy một cảnh quan quen thuộc như đã từng bắt gặp ở đâu đó trong những ngôi đình chùa truyền thống ở các làng quê Việt Nam. Hệ thống cửa sổ, cửa lấy ánh sáng và thông gió đều được xử lý che nắng và chống mưa hắt, ngoại trừ các cửa trang trí và lấy ánh sáng lớn được lắp kính cản quang, việc tận dụng tối đa hệ thống cây xanh cũng làm cảnh quan thêm gần gũi, thân thiện.

Sự kết hợp các yếu tố kiến trúc truyền thống phương Đông với những hình thức trang trí nhà thờ công giáo truyền thống, cùng sự hài hòa của thiên nhiên xung quanh đã tạo nên ấn tượng đẹp về một công trình Thiên chúa giáo. Chính vì vậy mà nhà thờ Cửa Bắc luôn được đánh giá là một trong những công trình kiến trúc tôn giáo đẹp, độc đáo ở Hà Nội, là nơi đón tiếp rất nhiều vị lãnh đạo, nguyên thủ quốc gia, đến thăm quan và tham dự Thánh lễ.

Nhà thờ Hàm Long - một công trình do người Việt thiết kế

Nhà thờ Hàm Long là công trình do  kiến trúc sư người Việt từng du học ở Pháp thường gọi là Docteur Thân thiết kế, nằm ở 21 phố Hàm Long, quận Hoàn Kiếm. Công việc xây dựng hoàn thành năm 1934 trên một khu vực tương đối rộng, nơi giao nhau giữa phố Hàm Long và phố Ngô Thì Nhậm.

Kiến trúc nhà thờ nổi bật bởi tháp chuông nằm ở trung tâm mặt đứng. Tháp chuông được trang trí bởi những đường bao hình cuốn nhọn kiểu Gothique, bên trong là các cửa và cửa sổ có cùng hình thức tạo ra một ngọn tháp khá giản dị mà hài hòa. Mặt chính và mặt bên của các cửa sổ đều theo hình thức cuốn nhọn và được tổ hợp theo kiểu ghép từng cụm ba cửa trên nền tường được làm nhám bằng vữa. Nét đặt biệt ở đây là hệ thống cửa lấy sáng có hình quả trám đặt bên cạnh các motif trang trí hình tròn mang nhiều tính bản địa. Sau này xung quanh nhà thờ còn được trang trí bởi nhiều tượng Thánh có nét điêu khắc rất sinh động.

Đáng chú ý là ở đây người ta dùng nhiều chất liệu xây dựng trong dân gian như: rơm hồ vôi, nứa, giấy bản... để tạo các vòm cuốn, gây hiệu quả phản âm khi hành lễ mà không cần đến những thiết bị âm thanh hiện đại. Trên các cột và bàn thờ được trang trí bằng các họa tiết dây.

Mặt dù có quy mô không lớn, trang trí giản dị, nhưng Nhà thờ Hàm Long lại có nét độc đáo riêng so với đa phần các nhà thờ Thiên chúa giáo khác ở Hà Nội thời Pháp thuộc.

Nhà thờ Làng Tám - giàu tính trang trí bậc nhất Hà Nội

Nhà thờ Làng Tám hay nhà thờ Thịnh Liệt cũng do kiến trúc sư Thân thiết kế. Công trình được xây dựng vào năm 1911 trên một khu đất rộng rãi, thoáng đãng thuộc địa phận làng Thịnh Liệt, phía trước có một hồ nước lớn.

Mặt chính Nhà thờ có bố cục đối xứng, phần giữa nổi bật với một lối vào hình cuốn vòm đột khởi lên tương đương hai tầng, lộ rõ phần bên trong được trang trí khá cầu kì với những cột mô phỏng thức Corinth đỡ một Fronton theo kiến trúc Phục hưng, phía trên là những cửa sổ hoa hồng mô phỏng Gothique. Hai tháp chuông nhô cao với phần dưới có tiết diện hình vuông, phía trên là hình bát giác được trang trí cầu kì. Mặt đứng còn được trang trí bởi dãy tượng chúa Jesus và các thánh tông đồ đặt trong các cuốn vòm.

Các mặt bên và mặt sau được đặc trưng bởi hệ mái ngói hai lớp, giữa hai lớp mái là các cửa sổ cuốn vòm ghép đôi lồng trong một cuốn vòm trang trí được đỡ bởi các cột nhằm lấy ánh sáng cho lòng nhà thờ. Các cửa sổ lớp dưới cũng theo hình thức cuốn vòm, diềm hai lớp mái đều được trang trí rất cầu kỳ. Kết thúc mặt bên là một Fronton lớn, nhưng trang trí phía trong và phía trên của Fronton này lại là các hoa văn mang tính bản địa.

Kiến trúc nhà thờ Làng Tám mang tính chiết trung, đặc trưng bởi sự hòa trộn các phong cách kiến trúc nhà thờ phương Tây, kết hợp với một số hoạ tiết mang tính dân tộc, tạo ra  một tổng thể nhẹ nhàng, thanh lịch. Đây cũng là nhà thờ giàu tính trang trí bậc nhất ở Hà Nội.

Ngoài những công trình nhà thờ có qui mô kiến trúc lớn, ở Hà Nội còn có nhiều nhà thờ nhỏ hơn, nằm rải rác theo các giáo xứ, có thể kể đến Nhà thờ Phùng Khoang xây dựng năm 1910 với lối kiến trúc tân cổ điển Pháp, nằm ở xã Trung Văn, huyện Từ Liêm, Hà Nội; Nhà thờ Thái Hà, Nhà thờ Hàng Bột, Nhà thờ An Thái, Tiểu giáo đường Sainte Marie…. Không chỉ là nơi diễn ra các nghi lễ tôn giáo, nơi sinh hoạt của cộng đồng Thiên chúa giáo địa phương, những nhà thờ ở Hà Nội còn tạo điểm nhấn cho không gian đô thị, mang đến cho Thủ đô nghìn năm văn hiến hình ảnh một thành phố xinh đẹp, yên bình và hài hòa…

K.D (st)


 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục